Xoa dịu Mỹ, Trung Quốc tính ra luật cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ
(Dân trí) - Trung Quốc được cho là đang xem xét một dự luật về bảo vệ đầu tư nước ngoài và ngăn chặn vấn nạn cưỡng ép chuyển giao công nghệ, động thái được cho là nhằm xoa dịu Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.
Nhân dân Nhật báo, trang tin tiếng Anh thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết các nhà lập pháp Bắc Kinh ngày 23/12 đã nhóm họp và bàn bạc về một dự thảo luật nhằm bảo vệ hoạt động đầu tư nước ngoài và ngăn chặn tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Phát biểu trước các nhà làm luật, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Phó Chính Hoa cho biết Bắc Kinh sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các hoạt động tình nguyện chia sẻ công nghệ nhưng sẽ cấm việc cưỡng ép chuyển giao với sự can thiệp của các biện pháp hành chính.
Giới lập pháp Trung Quốc đang xem xét qua dự luật trên. Nếu được thông qua, đây có thể là động thái nhằm khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạt nhiệt, theo Bloomberg. Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ từ lâu đã là những vấn đề đầy “gai góc” trong quan hệ Mỹ- Trung. Washington thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh vi phạm trong những lĩnh vực này dẫn tới các hoạt động thương mại thiếu công bằng và gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ tới đầu tư ở đại lục.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã có động thái nhượng bộ đầu tiên sau cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước hôm 1/12 bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina. Bắc Kinh đã giảm thuế áp lên mặt hàng ô tô sản xuất tại Mỹ và nối lại hoạt động nhập khẩu đậu tương từ Washington. Các quan chức 2 nước dự kiến sẽ gặp gỡ vào tháng 1/2019.
Ngoài ra, dự luật cũng quy định về khái niệm mới gọi là “danh sách tiêu cực” nhằm vào các hoạt động đầu tư nước ngoài. Theo Nhân dân Nhật báo, điều này có nghĩa là mọi khoản đầu tư nước ngoài ở mọi lĩnh vực không nằm trong danh sách trên sẽ nhận được chính sách công bằng như những khoản đầu tư từ doanh nhân, doanh nghiệp nội địa. Mọi chính sách hỗ trợ cho các công ty trong nước sẽ đều được áp dụng cho công ty nước ngoài miễn là các công ty này không thuộc "danh sách đen".
Đức Hoàng
Theo Bloomberg