1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xiềng xích trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ Ấn

(Dân trí) - Câu chuyện tình của họ giống như kịch bản phim. Nàng là một cô gái giàu có, còn chàng là một kỹ sư IT giỏi giang. Cả hai đều bất chấp phản đối của gia đình, quyết tâm cưới nhau.

Đổi xe hơi để “cắt bỏ” sự đeo bám của gia đình, hai người đã đi hàng trăm cây số đến gõ cửa một tòa án ở New Delhi để tìm kiếm sự che chở.

 

Đó là câu chuyện tình của Konedela Srija, con gái của một trong những ngôi sao màn ảnh hàng đầu của Ấn Độ, Chiranjeevi. Nó đã gây được sự chú ý của hầu hết người dân trong xã hội còn rất bảo thủ này, xã hội vẫn còn ngoan cố không chịu thay đổi theo những thay đổi, phát triển về kinh tế.

 

Tuy nhiên, câu chuyện của Srija chỉ là câu chuyện mới nhất trong hàng loạt trường hợp con cái phản đối cha mẹ, để được tự do hơn và được khẳng định chính họ. Song đôi khi họ phải trả cái giá quá khủng khiếp.

 

Nhiều trường hợp, các cặp đôi bỏ trốn đã tìm đến tòa án để được bảo vệ, hay thậm chí đến các đài truyền hình, hi vọng báo chí có thể giúp họ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với gia đình mình.

 

Song vụ việc gây xôn xao nhất là vụ liên quan đến số phận của một chàng trai đạo Hồi, cưới một cô gái giàu có theo đạo Hindu, bất chấp sự phản đối của gia đình cô gái. Sự việc kết thúc bằng cái chết của chàng trai trên đường tàu ở một thành phố miền đông Ấn nhiều tháng trước.

 

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, sự phát triển về kinh tế cộng với sự tiếp xúc ngày càng nhiều với các giá trị phương Tây đang ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa Ấn Độ, dẫn đến sự đối đầu ngày càng lớn giữa người già và người trẻ.

 

“Sự chuyển tiếp từ gia đình đa hệ sang gia đình nhỏ hơn, từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, và sự giải phóng của người phụ nữ, đã ảnh hưởng không chỉ đến những cái tưởng như bất di bất dịch về văn hóa, mà còn đến bản chất cũng như đặc tính của hôn nhân”, A.K. Verma, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội cho biết.

 

Thế đối đầu cha mẹ con cái

 

Ở Ấn Độ, chuyện hẹn hò, chứ chưa nói đến quan hệ trước hôn nhân, đã bị nhíu mày khó chịu. 95% các cuộc hôn nhân đều là do sắp đặt, người chồng/vợ tương lai được lựa chọn theo tôn giáo, theo địa vị, tầng lớp. Và tỉ lệ ly hôn ở Ấn cũng ở mức rất thấp, chưa đến 5%.

 

Những cặp khác nhau về địa vị, kết hôn bất chấp ý nguyện của cha mẹ, thường bị “cấm cửa” trong gia đình hoặc làng xã họ. Thậm chí trong một số trường hợp, gia đình họ còn yêu cầu “cái chết danh dự”.

 

Trong cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại này, Payal Thakur, một người làm việc trong ngành y 31 tuổi, đã phải trả một cái giá đắt. “Chúng tôi đã thử mọi hình thức có thể để thuyết phục bố mẹ anh ấy. Nhưng họ sẽ không bao giờ cho phép tôi vào nhà họ”, Thakur cho biết. Cô đã chia tay mối tình 8 năm của mình chỉ vì những khác biệt về địa vị xã hội. “Cuối cùng anh ấy đã cưới một người khác mà cha mẹ anh ấy chọn lựa”.

 

Các chuyên gia cho rằng chính kiểu gia đình gia trưởng ở Ấn Độ, một thành trì xã hội vững chắc, đã tạo ra những quy định về hôn nhân. “Đó là một không gian nơi mối quan hệ quyền lực về giới tính, tuổi tác, địa vị và tầng lớp được phơi bày, theo cách để duy trì, hỗ trợ những cấu trúc quyền lực xã hội lớn hơn”, Anjali Monteiro, một giáo sư tại Viện khoa học và xã hội Tata nước này cho biết.

 

Tuy nhiên làn gió về chủ nghĩa tự do, bắt đầu thổi vào các gia đình trung lưu, có học thức ở các thành phố, một phần do sự tiếp xúc ngày càng nhiều với văn hóa và giáo dục phương Tây.

 

Các chương trình truyền hình nói chuyện cởi mở về quyền của người đồng tính cũng như quyền của những bậc cha mẹ độc thân. Những quy định xã hội được nới lỏng. Những cặp trai gái sống cùng nhau không ngại khoe về mối quan hệ của họ và sự táo bạo có thể thấy rõ ở trang phục, lối sống.

 

Tuy nhiên, những thay đổi đố diễn ra khá chậm chạp.

 

“Sự tự do lựa chọn của một cô gái phụ thuộc hoàn toàn vào việc cô ấy có độc lập về tài chính hay không”, Anshika Mishra, một chuyên gia truyền thông cho biết. Năm 29 tuổi Mishra cũng phải đấu tranh trước sức ép của bố mẹ để không phải kết hôn theo sự lựa chọn của họ.

 

Trên thực tế, sự bảo thủ của người Ấn đã ăn sâu vào trong tiềm thức đến nỗi phần lớn giới trẻ đều chấp nhận kết hôn theo sự sắp đặt. Theo một cuộc cuộc điều tra của tờ Ấn Độ ngày nay, hơn 70% bạn trẻ Ấn thích các cuộc hôn nhân sắp đặt hơn.

 

“Chủ nghĩa thực dụng cùng thái độ sẵn sàng cho phép phụ nữ làm việc ở công sở cũng không làm những tư tưởng gia trưởng cũ thay đổi”, nhà bình luận Amrita Shah viết trên tờ Indian Express cho biết.

 

Ở phương Tây, hôn nhân là kết quả, là sự “đơm hoa kết trái” của tình yêu, còn ở Ấn Độ tình yêu theo sau hôn nhân. “Ở phương Tây, khi tình yêu không còn, hôn nhân sẽ tan vỡ”, Verma, làm việc cho Trung tâm nghiên cứu xã hội đang phát triển nhận xét. “Nhưng ở Ấn Độ bởi hôn nhân là một kết thúc, là sự khép kín, tình yêu phải dần dần nảy sinh như những mầm cây non và cần phải được nuôi dưỡng”.

 

Nguyên Hạ

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm