1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xích lại gần Pháp, Trung Quốc "lấy lòng" châu Âu giữa lúc căng thẳng

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là tìm cách xích lại gần Pháp khi nước này đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) để cải thiện quan hệ với khối này.

Xích lại gần Pháp, Trung Quốc lấy lòng châu Âu giữa lúc căng thẳng - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Trung - Pháp lần thứ 22 với Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne ngày 13/1/2022 (Ảnh: Xinhua).

Emmanuel Bonne, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã hội đàm với một số quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại thành phố Wuxi, phía đông Trung Quốc hôm 13/1.

Cuộc gặp diễn ra sau khi Pháp thông báo nước này sẽ không cùng Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng tới và trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên, Pháp sẽ cố gắng thúc đẩy một lập trường chung của EU về sự tham gia của các chính trị gia tại lễ khai mạc Thế vận hội ở Trung Quốc.

Mỹ, Canada và Australia tuyên bố sẽ không cử các quan chức cấp cao tới dự lễ khai mạc, trong khi chính phủ mới của Đức thông báo các bộ trưởng phụ trách đối ngoại và thể thao của nước này cũng không tham dự Thế vận hội.

Trong cuộc gặp trực tuyến với cố vấn Tổng thống Pháp, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết Pháp nên dẫn dắt các thành viên khác của EU hướng tới "sự hiểu biết đúng đắn về Trung Quốc, đồng thời phát triển mối quan hệ và tiến hành hợp tác với Trung Quốc".

Trong cuộc đối thoại chiến lược thường niên với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Bonne nói rằng Pháp sẽ tiếp tục theo đuổi sự độc lập chiến lược của mình và "phản đối chính trị hóa thể thao". Ngoại trưởng Vương Nghị nói với ông Bonne rằng Trung Quốc hy vọng EU sẽ theo đuổi một "chính sách thiết thực" đối với Trung Quốc.

"Trung Quốc ủng hộ hội nhập châu Âu, ủng hộ sự phát triển và tăng trưởng của EU, đồng thời ủng hộ EU đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Cho dù quan hệ Trung Quốc - EU đang ở trong thời kỳ tốt đẹp hay gặp phải những trở ngại, chính sách này sẽ không thay đổi. Hy vọng rằng EU sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách tích cực và thiết thực đối với Trung Quốc", ông Vương Nghị nói.

Cố vấn Tổng thống Pháp cũng tham dự cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 13/1, trong đó hai bên "trao đổi quan điểm về hợp tác kinh tế và tài chính Trung Quốc - Pháp và Trung Quốc - EU, phản ứng toàn cầu đối với Covid-19, vấn đề tài chính của G20 và biến đổi khí hậu". Ông Lưu cho biết Trung Quốc rất coi trọng việc xây dựng quan hệ song phương và sẵn sàng làm việc với Pháp để hướng tới sự đồng thuận và thúc đẩy hợp tác thực chất.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Các biện pháp trừng phạt "ăn miếng trả miếng" giữa EU và Trung Quốc đã cản trở việc phê chuẩn một hiệp ước đầu tư và tranh chấp gần đây với Lithuania về vấn đề Đài Loan đã làm tổn hại thêm quan hệ song phương.

Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã tăng cường kết nối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Trong một cuộc điện đàm hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng, Trung Quốc và Đức nên tiếp tục coi nhau là đối tác.

Ngoại trưởng Vương Nghị hồi tháng trước kêu gọi châu Âu xây dựng lập trường "khách quan và độc lập" đối với Trung Quốc, bất chấp hai bên có hệ thống chính trị khác nhau. Ông cho biết châu Âu đã có "sự chia rẽ về nhận thức" trong chính sách với Trung Quốc khi vừa là đối tác vừa là đối thủ.

Theo www.scmp.com