WHO: Omicron không phải biến chủng cuối, Covid-19 "còn lâu mới kết thúc"
(Dân trí) - Chuyên gia WHO cảnh báo Omicron chưa phải biến chủng cuối cùng và đại dịch Covid-19 "còn lâu mới kết thúc".
"Chúng tôi nghe nhiều người nói rằng Omicron là biến chủng cuối cùng, sau đó đại dịch sẽ kết thúc. Điều đó là không chính xác, vì virus này đang lây lan với mức độ rất mạnh trên khắp thế giới", Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc họp ngày 18/1.
Theo WHO, số ca nhiễm mới đã tăng 20% trên toàn cầu trong tuần qua với tổng số gần 19 triệu ca được ghi nhận. Tuy nhiên, bà Van Kerkhove cũng lưu ý rằng, số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn nhiều, vì nhiều trường hợp chưa được đưa vào số liệu thống kê chính thức.
Tiến sĩ Bruce Aylward, một quan chức cấp cao của WHO, cảnh báo mức độ lây nhiễm cao sẽ tạo cơ hội cho virus nhân bản và đột biến nhiều hơn, làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến chủng mới.
Theo bà Van Kerkhove, bây giờ không phải lúc để nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng như hạn chế đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Bà kêu gọi các chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế để kiểm soát virus tốt hơn và ngăn chặn làn sóng lây nhiễm trong tương lai, khi các biến chủng mới xuất hiện.
"Nếu chúng ta không làm điều này ngay bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang cuộc khủng hoảng tiếp theo. Chúng ta cần chấm dứt cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang gặp phải và chúng ta có thể làm được điều đó ở thời điểm hiện tại", bà Van Kerkhove nói thêm.
Chuyên gia WHO kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống giám sát để theo dõi virus khi chúng đột biến. "Đây sẽ không phải là biến chủng đáng lo ngại cuối cùng", bà Van Kerkhove khẳng định.
Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở của WHO ở Geneva hôm 18/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc".
Người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cảnh báo không nên coi Omicron là biến chủng ở mức độ nhẹ, trong bối cảnh biến chủng này lan như "cháy rừng" trên toàn cầu kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở nam châu Phi vào tháng 11 năm ngoái.
"Sự gia tăng ca nhiễm theo cấp số nhân, bất kể mức độ nghiêm trọng của từng loại biến chủng, đều dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong không thể tránh khỏi", Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết.
Tổng giám đốc WHO đồng tình với quan điểm trên. Ông nói: "Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng đó chỉ là bệnh nhẹ. Đừng nhầm lẫn: Omicron đang dẫn đến những ca nhập viện và tử vong, và ngay cả những trường hợp ít nghiêm trọng hơn cũng khiến các cơ sở y tế bị quá tải".
Theo ông Tedros, có những dấu hiệu cho thấy, sự gia tăng ca mắc Covid-19 do Omicron có thể đã lên đến đỉnh điểm ở một số quốc gia. Điều này "mang lại hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng mới đã qua, nhưng chưa có quốc gia nào thoát khỏi mối đe dọa".
Ông Tedros cho rằng cần phải khẩn cấp loại bỏ sức ép lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở các quốc gia vẫn còn tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp.