1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO công bố thêm bằng chứng Omicron gây triệu chứng nhẹ

Minh Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, WHO vẫn khuyến cáo các nước thận trọng.

WHO công bố thêm bằng chứng Omicron gây triệu chứng nhẹ - 1

Omicron khiến số ca nhiễm ở nhiều nước tăng nhanh, nhưng biến chủng này được cho là chỉ gây triệu chứng nhẹ hơn (Ảnh: AFP).

"Chúng tôi thấy ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp trên nhiều hơn, với các chủng khác, phổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, gây ra bệnh phổi nghiêm trọng", Giám đốc quản lý sự cố của WHO Abdi Mahamud cho biết ngày 4/1.

Theo quan chức này, đó có thể là lý do tại sao Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2 và nó cũng lý giải cho hiện tượng ở nhiều nơi số ca nhiễm mới đang tăng nhanh trong khi tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các đợt dịch trước đó.

Theo dữ liệu từ Nam Phi và một số nước châu Âu, mặc dù số ca Covid-19 mới tăng kỷ lục, nhưng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện hoặc tử vong thấp hơn so với các làn sóng lây nhiễm trước kia. "Những gì chúng ta đang thấy đó là hai diễn biến trái ngược giữa số ca nhiễm và số ca tử vong. Đó có thể là tin tốt, nhưng chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để chứng minh điều đó", ông Abdi nhấn mạnh.

Ông Abdi lưu ý, diễn biến làn sóng Omicron ở Nam Phi vẫn có thể là một "ngoại lệ" bởi quốc gia này có dân số trẻ và một số yếu tố khác biệt với các nước.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát cảnh báo về sự xuất hiện của Omicron hồi tháng 11/2021. Hiện biến chủng này đã lan ra ít nhất 128 quốc gia trên thế giới. Với khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các chủng khác của SARS-CoV-2, Omicron được cho là sẽ trở thành chủng trội ở nhiều nơi trong vài tuần tới và kéo theo thách thức không hề nhỏ với hệ thống y tế, đặc biệt ở nơi mà độ phủ vaccine còn thấp.

Mặc dù các dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có thể né một phần kháng thể, vaccine Covid-19 được đánh giá vẫn giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do. Theo ông Abdi, thách thức hiện nay không phải vaccine mà là vấn đề tiêm chủng, làm thế nào để phủ vaccine đến những bộ phận dân số dễ tổn thương nhất.

Trả lời câu hỏi liệu có cần một loại vaccine đặc chế riêng cho Omicron hay không, ông Abdi cho rằng còn quá sớm để kết luận. Ông cũng cho rằng, quyết định đó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, không nên chỉ phụ thuộc vào các hãng sản xuất vaccine.

Ông nhấn mạnh, cách tốt nhất để hạn chế tác động của Omicron là đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 70% dân số tất cả các nước trước tháng 7 năm nay thay vì vội vã triển khai tiêm mũi thứ 3 và thứ 4 ở một số nước.

Nguy cơ xuất hiện chủng mới nguy hiểm hơn

WHO công bố thêm bằng chứng Omicron gây triệu chứng nhẹ - 2

Tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ con người trước các biến chủng của SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Mặc dù Omicron được cho là gây triệu chứng nhẹ hơn, nhưng số ca nhiễm biến chủng này tăng mạnh có thể dẫn đến sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn.

Catherine Smallwood, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, cảnh báo.

"Omicron càng lan rộng, nó càng có nguy cơ nhân lên và làm tăng nguy cơ hình thành một biến chủng mới. Hiện giờ độc lực của Omicron có thể thấp hơn so với Delta, nhưng ai có thể khẳng định biến chủng tiếp theo sẽ như thế nào", bà Smallwood nói.

Quan chức này cho biết, châu Âu đã ghi nhận hơn 100 triệu ca nhiễm kể từ đầu dịch, trong đó hơn 5 triệu ca ghi nhận trong tuần cuối cùng năm 2021, tốc độ lây lan chưa từng thấy trước đó. "Chúng ta đang trong giai đoạn rất nguy hiểm, chúng ta đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh ở Đông Âu, tác động đầy đủ của nó như thế nào vẫn là một ẩn số".

Bà cho rằng, ngay cả khi gây triệu chứng nhẹ, Omicron vẫn có thể gây ra mối đe dọa lớn vì số ca nhiễm tăng nhanh. Nước Anh có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế do biến chủng Omicron khi số ca nhiễm trong ngày lần đầu vượt ngưỡng 200.000 ca. Theo bà Smallwood, kịch bản này cũng sẽ sớm xảy ra ở các nước châu Âu khác.

Thực tế, số ca Covid-19 mới ở nhiều nước châu Âu liên tục lập kỷ lục thời gian gần đây. Pháp hôm qua cũng ghi nhận hơn 170.000 ca mắc mới trong ngày. Nước Mỹ đầu tuần này đã lập kỷ lục toàn cầu với hơn một triệu ca mắc trong ngày.