1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WEF chú trọng giảm rủi ro kinh tế toàn cầu

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2007 muốn tìm giải pháp khôi phục Vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha, giảm các rủi ro tiền tệ, bất động sản và xóa đói nghèo.

Đó là nội dung thảo luận của 2.400 nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp đến từ 90 nước và các tổ chức quốc tế đang tham dự Hội nghị thường niên WEF năm 2007, được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ từ 24 - 28/1/2007. 

 

Tại WEF 2007 có mặt 24 nhà lãnh đạo cao nhất của các quốc gia và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch các ngân hàng phát triển châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Tổng giám đốc WTO... 

 

Những vấn đề trọng tâm của WEF

 

Chủ đề chính nêu trên được triển khai thành 4 chủ đề nhỏ gồm động lực cho tăng trưởng; xử lý các vấn đề toàn cầu; khám phá bản sắc và rào cản giao tiếp.

 

Hội nghị của WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ và có nhiều diễn biến mới trong quan hệ kinh tế-chính trị quốc tế.

 

Kinh tế khu vực đồng Euro, kinh tế Nhật Bản đang phục hồi; kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

Các hoạt động liên kết kinh tế song phương, khu vực diễn ra sôi nổi. Trong khi đó, vòng đàm phán Doha thất bại, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tự do hoá thương mại trên quy mô toàn cầu; giá dầu thế giới biến động mạnh và USD đang mất giá cùng sự suy giảm kinh tế Mỹ...

 

Ngay trước khi diễn ra hội nghị thường niên, WEF công bố báo cáo về các rủi ro toàn cầu, theo đó giai đoạn “tăng trưởng vàng” kéo dài của thế giới đã tạo một cảm giác an toàn giả tạo, có khoảng 10-20% nguy cơ về việc bùng nổ bong bóng giá nhà và nợ trên toàn thế giới, có 5-10% nguy cơ USD đột ngột giảm giá, làm kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 50-250 tỷ USD.

 

Ngoài ra, còn có những rủi ro từ sự “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc, gia tăng ngân sách do dân số già, từ sự thay đổi khí hậu, dịch bệnh cúm gia cầm toàn cầu...

 

Trong số 23 nguy cơ mà báo cáo liệt kê, có 15 rủi ro đã trầm trọng từ năm ngoái mà chưa có nguy cơ nào được giảm nhẹ. Mỗi nguy cơ trên nếu xảy đến có thể gây tổn thất cho thế giới khoảng 1.000 tỷ USD.

 

Giải pháp cho 10 năm tới theo WEF là bổ nhiệm các quan chức về nguy cơ quốc gia và thành lập những “Liên minh thiện chí” (gồm các chính phủ và DN) để xây dựng các bước giảm nhẹ rủi ro.

 

Ngoài ra, một trong những nội dung chủ yếu của WEF năm 2007 là tạo bước đột phá cho các cuộc đàm phán thương mại tự do toàn cầu đang bị bế tắc.

 

Đàm phán về tự do hoá thương mại toàn cầu trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được phát động tại Doha (Quatar) năm 2001, rơi vào tình trạng bế tắc từ tháng 7/2006.

 

Trong đó chủ yếu là do mâu thuẫn không thể điều hòa giữa Mỹ với các nước EU  và Nhật Bản, cũng như mâu thuẫn giữa nhóm các nước thành viên phát triển và đang phát triển trong WTO về vấn đề trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu và vấn đề mở cửa hơn nữa lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của các nước nghèo.

 

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-EU vừa diễn ra đầu tháng 1/2007 với việc EU đề nghị Mỹ cắt giảm tối đa khoản trợ cấp hàng năm cho nông dân Mỹ hiện ở mức từ 15-25 tỷ USD/năm; đổi lại, EU sẽ đồng ý cắt giảm mạnh thuế quan của khối, chưa thực sự tạo bước đột phá nhằm mở đường cho một thỏa thuận với Brazin và Ấn Độ tại WEF. 

 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kim ngạch thương mại thế giới sẽ tăng thêm được 287 tỷ USD vào năm 2015 nếu Mỹ và EU đạt được thỏa thuận.

 

Bình chọn các lãnh đạo trẻ của thế giới

 

Ngay trước thềm hội nghị, WEF đã bình chọn 250 “lãnh đạo trẻ” của thế giới, trong đó có hai người Việt Nam được nêu danh. Đó là ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Hội đồng Quản trị Sovico Group và bà Phạm Thị Huệ, một người bị lây nhiễm HIV đã sáng lập nhóm Hoa phượng đỏ ở Hải Phòng nhằm hỗ trợ các bệnh nhân HIV/AIDS.

 

Hằng năm WEF bầu chọn các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu để ghi nhận những đóng góp tri thức, năng lực của họ dành cho cộng đồng, cho xã hội để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn... Năm nay, 250 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu được bầu chọn từ 4.000 ứng cử viên trên toàn thế giới, tất cả đều dưới 40 tuổi.

 

Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành của WEF, cho biết: “Đương đầu và giải quyết những thách thức toàn cầu đòi hỏi sự suy tính chiến lược và minh mẫn từ các nhà lãnh đạo trẻ. Hợp tác, đoàn kết với nhau, họ sẽ tạo ra sức mạnh toàn cầu hướng tới xây dựng một cộng đồng thế giới vững mạnh”.

 

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN, WEF sẽ tổ chức một phiên toàn thể đặc biệt về ASEAN với sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Philippines.

 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, đối thoại với các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới và có một số tiếp xúc song phương tại Hội nghị. Hơn 40 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng tham dự Hội nghị này là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn thuộc nhiều  thành phần kinh tế của Việt Nam.

 

Theo Trung Việt

Vneconomy