Washington chuẩn bị ứng phó bất ổn sau bầu cử

Thành Đạt Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Washington chuẩn bị các phương án đối phó với tình huống bất ổn có thể xảy ra sau bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.

Washington chuẩn bị ứng phó bất ổn sau bầu cử - 1

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và đối thủ - cựu Phó tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Cứ 4 năm một lần, nước Mỹ lại bỏ phiếu bầu tổng thống - một sự kiện lớn không chỉ của nước Mỹ mà còn được cả thế giới dõi theo. Năm nay, cuộc đua "song mã" này diễn ra giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden.

Hầu hết các bang mở cửa bỏ phiếu từ 6 giờ sáng tới 21 giờ ngày 3/11 (giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ được bầu dựa trên cơ chế phiếu đại cử tri, ứng viên nào giành được tối thiếu 270 phiếu trong số 538 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử. 

 

Các điểm bỏ phiếu mở cửa vào 6h sáng ngày bầu cử 3/11

Thời gian mở cửa và đóng cửa của các điểm bỏ phiếu ở mỗi bang có thể thay đổi tùy từng địa phương, nhưng về cơ bản hầu hết các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 6h sáng ngày bầu cử (18h ngày 3/11 theo giờ Việt Nam) và đóng cửa lúc 21h cùng ngày (9h sáng ngày 4/11 theo giờ Việt Nam). Đến giờ đóng cửa, một số bang có thể vẫn cho phép những cử tri đã xếp hàng chờ bỏ phiếu từ trước nhưng chưa đến lượt được bỏ phiếu tiếp, nhưng một số bang thì không. 

Tuy nhiên, trước khi ngày bầu cử chính thức diễn ra, nhiều cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Theo thống kê, một ngày trước ngày bầu cử, khoảng 97 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, trong đó hơn 60 triệu người bỏ phiếu qua thư.

Hầu hết các phiếu bầu qua thư sẽ được tiếp nhận và kiểm đếm cả trước và sau ngày bầu cử. Một số bang quan trọng cho phép nhận phiếu bầu gửi đến muộn miễn là có dấu bưu điện trước ngày bầu cử. Hai bang Pennsylvania và North Carolina cho phép tiếp nhận phiếu bầu qua thư cho đến ngày 6/11, Minnesota và Nevada cho phép đến 10/11, Ohio cho phép đến 13/11.

Khi nào có kết quả bầu cử?

Mỗi bang sẽ bắt đầu xác nhận kết quả kiểm phiếu từ ngày 10/11 mặc dù khâu công bố này có thể bị chậm trễ nếu phải kiểm phiếu lại. Tất cả các bang, ngoại trừ California, phải hoàn tất việc xác nhận kết quả trước ngày 8/12. Tất cả những tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử, trong đó có đề nghị kiểm lại phiếu - phải được giải quyết xong xuôi trước ngày 8/12.

Ứng viên giành chiến thắng số phiếu phổ thông ở bang nào thì các đại cử tri tiềm năng ủng hộ ứng viên đó sẽ trở thành đại cử tri chính thức của bang. Về cơ bản, các đảng chọn những người trung thành với đảng làm đại cử tri để đảm bảo họ sẽ bầu đúng theo kết quả bỏ phiếu phổ thông.

Trên cơ chế phiếu đại cử tri, ứng viên tổng thống nào giành được tối thiếu 270 phiếu trong số 538 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử. Hầu hết các bang, ngoại trừ Nebraska và Maine, đều áp dụng quy tắc "được ăn cả, ngã về không", nghĩa là ứng viên nào giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ở bang nào nhất thì sẽ giành được toàn bộ phiếu cử tri của bang đó. Ví dụ, theo quy định, bang Florida có 29 phiếu đại cử tri, và nếu ứng viên nào chiến thắng phiếu phổ thông sẽ giành được toàn bộ 29 phiếu đại cử tri của bang. 

Thông thường vào các kỳ bầu cử trước, kết quả ứng viên nào giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ ngã ngũ ngay vào đêm bầu cử. Tuy nhiên, năm nay do công tác kiểm phiếu qua thư có thể bị chậm, đã có những dự đoán cho rằng người Mỹ có thể phải chờ đợi lâu hơn mới biết ai thực sự là người chiến thắng.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump

Video tóm tắt về bầu cử Mỹ 2020 trong 90 giây

Ông Donald Trump, 74 tuổi, là tổng thống thứ 45 và đương kim tổng thống Mỹ. Trước khi tham gia chính trường, ông là một tỷ phú doanh nhân và ngôi sao truyền hình.

Vào năm 2016, ông Trump tham gia cuộc bầu cử tổng thống với tư cách là ứng viên đảng Cộng hòa và giành chiến thắng bất ngờ trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton, dù ông Trump thua bà Clinton về số phiếu phổ thông. Ông trở thành tổng thống Mỹ nhiều tuổi nhất khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu và cũng là tổng thống đầu tiên chưa từng trải qua một chức vụ trong chính phủ hay quân đội.

Là một doanh nhân thành đạt trước khi trở thành tổng thống, Tổng thống Trump được đánh giá cao trong cách thức điều hành kinh tế. Trước khi dịch Covid-19 nổ ra, với chính sách “Nước Mỹ là trên hết”, ông đã giúp mang về nhiều việc làm mới tại Mỹ, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức kỷ lục.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump được đánh giá là một nhân vật khó đoán khi thường đưa ra quyết định bất ngờ, nhất là trong chính sách đối ngoại. Ông đã rút quân Mỹ khỏi một số nước và đánh tiếng rút quân ở các nước khác, kêu gọi các đồng minh chia sẻ trách nhiệm an ninh, giảm đóng góp vào các tổ chức mà ông cho là không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ.

Ông Trump làm tổng thống cũng khác biệt so với những người tiền nhiệm, đôi khi không theo cách thức truyền thống. Ông tấn công các hãng truyền thông đưa tin thông tin bất lợi và gọi nhiều hãng là “tin giả”. Thay vào đó, ông tận dụng tối đa lợi thế của các nền tảng mạng xã hội để đưa các thông điệp nhanh nhất tới người dân và thế giới và khá thoải mái trong việc thể hiện quan điểm cá nhân về mọi vấn đề.

Ông Trump bước vào cuộc bầu cử tổng thống 2020 với một tâm thế khác so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong hơn 3 năm qua, các chính sách của Nhà Trắng và những cuộc đấu tố tại Quốc hội đã khiến nước Mỹ phân cực sâu sắc. Mặt khác, các thành quả đáng kể về kinh tế của ông từng được ghi nhận và đánh giá cao đã bỗng chốc bị đại dịch Covid thổi bay chỉ trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, đương kim tổng thống Mỹ thường có lợi thế hơn trong các cuộc đua tái tranh cử và cuộc bầu cử lần này được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về những gì mà ông Trump đã thực hiện trong hơn 3 năm qua.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden

Hành trình “quá tam ba bận” tranh cử tổng thống Mỹ của ông Joe Biden

Đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 là ông Joe Biden, một chính trị gia kỳ cựu của Mỹ, đã có gần 50 hoạt động tại Quốc hội Mỹ và từng là phó tổng thống 8 năm dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đây là lần thứ 3 ông Biden tranh cử tổng thống.

Vào năm 1987, khi đang là “ngôi sao sáng” của đảng Dân chủ, ông Biden đã tuyên bố tham gia cuộc đua tổng thống năm 1988 với hi vọng trở thành tổng thống trẻ nhất nước Mỹ sau John F. Kennedy. Nhưng chỉ sau khi tuyên bố tranh của 4 tháng, ông đã phải rút lui do sự ủng hộ sụt giảm nhanh chóng.

Kể từ khi chiến dịch tranh cử 1988 thất bại, ông Biden được cho là đã nhiều lần cân nhắc tái tranh cử. Nhưng phải đến 20 năm sau đó, đến năm 2007, ông Biden mới tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa. Tuy nhiên, Joe Biden khi đó lại trở nên “lép vế” so với 2 gương mặt nổi bật khác trong đảng Dân chủ là Hillary Clinton và Barack Obama. Cuối cùng, ông nhanh chóng rút lui và Obama đánh bại Hillary để giành tấm vé ứng của tổng của đảng Dân chủ sau đó.

Sau 8 năm trở thành “phó tướng” của Obama và 3 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, vào tháng 4/2019, ông Biden lần thứ 3 chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống và được đề cử làm ứng viên tổng thống tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8/2020. Như vậy, sau 3 lần tranh cử, đây là lần đầu tiên ông giành tấm vé ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ và giấc mơ Nhà Trắng của ông giờ đây đang gần hơn bao giờ hết. 

Với ông Biden, đây có thể là lần cuối cùng để ông tuyên bố tranh cử. Có nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông và cũng có ý kiến cho rằng ông quá già để trở thành tổng thống Mỹ. Nếu đắc cử, ông Biden sẽ 78 tuổi vào ngày 20/1/2021 - ngày chủ nhân mới của Nhà Trắng nhậm chức - và nếu như vậy, ông sẽ là tổng thống cao tuổi nhất nước Mỹ. 

Ngoài ghế tổng thống được bầu lại, khoảng 1/3 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện Mỹ và toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện cũng được bầu lại vào ngày 3/11. Theo luật của Mỹ, cứ 2 năm một lần, toàn bộ ghế ở Hạ viện và 1/3 ghế ở Thượng viện được bầu lại.