Vụ xử tử Giáo sĩ al- Nimr: Chiến thuật của phương Tây tại Trung Đông?
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sau vụ hành quyết Giáo sĩ Nimr al- Nimr khiến các nhà phân tích đặt ra câu hỏi: Ai sẽ hưởng lợi từ việc này?
LTS: Vụ Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite al-Nimr đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite trong khi lại nhận được sự ủng hộ của người Hồi giáo dòng Sunni.
Vụ hành quyết này đã làm dấy lên những hành động bạo lực tại khu vực Trung Đông mà rõ rệt nhất là tại Iran, nơi người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số.
Hai người Iran chụp hình bên tấm bảng lớn có hình Giáo sĩ al- Nimr. (Ảnh AP)
Người dân Iran đã xuống đường biểu tình và đốt phá tòa Đại sứ và Lãnh sự quán Saudi Arabia ở nước này khiến Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và cảnh báo sẽ tiếp tục có những hành động chống lại Iran.
Trong khi đó, phía Iran lại khẳng định, vụ hành quyết Giáo sĩ al-Nimr là “hành vi khiêu khích” của Saudi Arabia và cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ thương mại với Saudi Arabia.
Căng thẳng Iran- Saudi Arabia vì thế được coi là căng thẳng giữa hai “cựu thù” được nhen lên từ sự chia rẽ giáo phái Sunni và Shiite trong Hồi giáo.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Mỹ Phil Butler đã đưa ra nhận định hoàn toàn mới về vụ xử tử Giáo sĩ al-Nimr mà theo ông có thể đẩy khu vực vào “một cuộc đổ máu vì đức tin tôn giáo”.
Ông Butler đã bày tỏ nghi vấn của mình về việc ai sẽ được hưởng lợi từ vụ này và tại sao họ lại làm như vậy cũng như vụ hành quyết Giáo sĩ al-Nimr có tác động như thế nào đến cuộc khủng hoảng ở Syria.
VOV xin giới thiệu bài nhận định của ông Butler về vấn đề này:
Vụ hành quyết Giáo sĩ al-Nirm đã làm chấn động những người Hồi giáo dòng Shiite trong khu vực và khiến quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran bị cắt đứt.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi vụ hành quyết này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Syria đang có những diễn biến phức tạp khó lường.
“Iran là đối thủ chính của Saudi Arabia - Vương quốc của những người Hồi giáo dòng Sunni. Sự thù địch này xuất phát từ sự sụp đổ của Shah Mohammad Reza Pahlavi vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Việc Iran bị cô lập kể từ sau cuộc cách mạng lật đổ vị Shah này đã mang lại lợi ích to lớn cho Hoàng gia Saudi Arabia và những người có lợi ích thiết thân với họ, đặc biệt là Mỹ và Anh.
Người dân Bahrain mang hình Giáo sĩ al-Nimr xuống đường biểu tình phản đối hành động của Saudi Arabia.
Saudi Arabia- quốc gia có tới 90% dân số là người Hồi giáo dòng Sunni - được coi là đối nghịch với Iran- quốc gia có tới 90% dân số là người Hồi giáo dòng Shiite. Tuy nhiên, sự chia rẽ giáo phái này không rõ rệt bằng sự chia rẽ về chính trị trong nhiều thập kỷ qua.
Căng thẳng giữa hai giáo phái trong thời gian gần đây sau vụ xử tử Giáo sĩ al-Nimr đã bùng phát sau những hành động gây rối từ bên ngoài vì mục đích chính trị”, ông Butler nhận định trên tạp chí New Eastern Outlook.
Trong khi Nga, Iran và Syria kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để chống lại những mối đe dọa từ tổ chức khủng bố IS thì Saudi Arabia rõ ràng là đang tìm cách “đổ dầu vào lửa” trong cuộc chiến giáo phái này.
Vậy ai là kẻ được lợi từ việc đẩy căng thẳng trong khu vực lên một nấc thang mới?
Theo ông Butler, bằng chứng rõ rệt nhất về việc “ai đứng đằng sau” cuộc khủng hoảng Saudi Arabia-Iran đến từ chính giới truyền thông Mỹ.
Ông Butler còn nhận định một cách hài hước rằng, một vài cơ quan truyền thông của Mỹ là “chiếc phong vũ biểu” hoàn hảo nhất cho những gì thiếu khách quan và trung thực về tình hình thế giới trong thời gian qua”.
Theo nhà phân tích chính trị này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần lớn tiếng than phiền rằng, sự gia tăng căng thẳng bất ngờ giữa Riyadh và Tehran có thể “làm tiêu tan” nỗ lực chống IS ở Syria và Iraq cũng như việc đàm phán đem lại hòa bình ở Syria và Trung Đông.
Tuy nhiên, theo ông Butler, trong khi “làm ngơ” về vụ Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ dòng Shiite al-Nimr thì truyền thông phương Tây lại không ngần ngại mô tả Iran là “nguồn gốc của mọi tội lỗi” dù nước này không làm gì để khơi mào căng thẳng hiện nay.
Người dân Iran đốt phát Đại sứ quán Saudi Arabia sau vụ nước này hành quyết Giáo sĩ al- Nimr.
“Iran cùng với Nga là những nước ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một người thuộc dòng Shiite. Theo quan điểm của Saudi Arabia, cuộc nội chiến tại Syria được coi là một phần trong nỗ lực của Iran để giành lấy sự thống trị về mặt tôn giáo cho người Shiite”, ông Butler trích lời nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer Karen DeYoung trong bài viết của mình đăng trên tờ Washington Post.
Theo ông Bulter, Washington từng “phát tín hiệu” rằng, họ không thể “hàn gắn vết thương cũ do chia rẽ sắc tộc gây ra” và cố gắng thuyết phục mọi người rằng tình hình ở Trung Đông hoàn toàn ”nằm ngoài quyền kiểm soát” của ông Obama. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
“Những điều mà Washington tuyên bố chỉ nhằm “gieo mầm mống” cho việc nước này sẽ ủng hộ quân sự cho Saudi Arabia nếu tình hình trong khu vực leo thang và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu Tổng thống Obama chấp thuận”, ông Butler nêu rõ.
Như vậy, theo ông Butler, những gì Saudi Arabia đã làm là một phần trong chiến lược Trung Đông của phương Tây nhằm chia cắt Syria và vẽ lại bản đồ Trung Đông.
Không như những gì truyền thông phương Tây đăng tải, Saudi Arabia không “vuột ra ngoài tầm tay của Mỹ” mà trên thực tế nước này đang thực hiện đúng những gì mà những kẻ “đứng đằng sau” xúi giục và gây ra cuộc nội chiến ở Syria mong muốn.
Ông Butler nhấn mạnh, Washington và London đã cố tình gây rối tại Trung Đông nhờ có sự hỗ trợ của các đồng minh tại Vùng Vịnh mà đáng kể nhất là Saudi Arabia.
“Saudia Arabia đang trở thành “con rối” cho Anh và Mỹ giật dây. Những gì chúng ta đang chứng kiến có lẽ là nỗ lực cuối cùng nhằm chống lại vai trò của ông Putin trong khu vực cũng như là một “ván bài tất tay” trong vấn đề Syria./.
Theo Trần Khánh
VOV.VN