1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ Snowden phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ-Mỹ Latinh

Sau rất nhiều nỗ lực từ hai phía, mối quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latinh và Caribê mới được cải thiện chút đỉnh, nhất là sau các chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama và "phó tướng" Joe Biden. Tuy nhiên, niềm hy vọng vừa mới nhen nhóm đã nhanh chóng bị tắt lịm trong bóng đen bao phủ của vụ bê bối Snowden.

Vụ Snowden phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ-Mỹ Latinh


Tổng thống Evo Morales (giữa) trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ Latinh hôm 4/7. Ảnh: AFP-TTXVN

Châm ngòi căng thẳng

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế và nhiều cơ hội thương mại, khu vực Mỹ Latinh và Caribê đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nước, bao gồm Mỹ, Canada, các nước châu Âu và các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, tất nhiên Mỹ không muốn xem nhẹ quan hệ với địa bàn mà họ luôn coi là “sân sau”.

Điều này giải thích vì sao trong tháng 5 vừa qua, Tổng thống Obama đã công du Mexico và Costa Rica, còn “Phó tướng” Biden tới thăm Colombia, Trinidad và Tobago cùng Brazil. Nhận xét về các chuyến thăm này, chính ông Biden thừa nhận đây là các cuộc tiếp xúc cấp cao dồn dập nhất giữa Mỹ với Mỹ Latinh sau nhiều năm. Ông cũng khẳng định "bán cầu Tây luôn có ý nghĩa quan trọng đối với Washington" và tầm quan trọng đó ngày càng tăng lên do tiềm năng hợp tác giữa hai bên lớn nhất từ trước tới nay.

Trong chuyến thăm tới quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil, ông Biden cũng đã bày tỏ hy vọng năm 2013 sẽ đánh dấu sự khởi đầu "giai đoạn mới" trong quan hệ song phương và chuyển lời mời Tổng thống Dilma Rousseff thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 10 tới. Xin lưu ý lời mời như vậy chỉ được lãnh đạo Mỹ dành cho các nước mà Washington có quan hệ liên minh chiến lược.

Tuy nhiên, việc Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đồng loạt đóng cửa không phận đối với chuyên cơ của Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales hôm 2/7 không chỉ châm ngòi căng thẳng giữa Mỹ Latinh với Tây Âu, mà còn làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latinh, vì hành động này xuất phát từ việc các nước trên nghi ngờ chuyên cơ của ông Morales chở theo cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, người đã dám tiết lộ các bí mật động trời về chương trình do thám toàn cầu của Mỹ và hiện đang lẩn trốn trong khu vực quá cảnh sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow của Nga từ hơn 2 tuần nay.

Không còn là sân sau của Mỹ

Chính phủ Bolivia coi hành động đóng cửa không phận của các nước châu Âu là vụ "tấn công khủng bố nhà nước đồng loạt đầu tiên nhằm vào một tổng thống dân cử trên thế giới" vì đã trực tiếp đe dọa tính mạng của Tổng thống Morales khi chuyên cơ của ông đang dần cạn nhiên liệu, buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Vienna của Áo.

Ngay sau vụ việc trên, lãnh đạo một số nước Mỹ Latinh như Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, Tổng thống Venezuela, ông Nicolás Maduro và Tổng thống Argentina, bà Cristina Fernández... đã lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Theo đề nghị của Tổng thống Correa, nguyên thủ các nước Argentina, Ecuador, Suriname, Uruguay và Venezuela còn triệu tập cuộc họp khẩn tại Bolivia, vì nước Chủ tịch luân phiên Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur) là Peru không kịp tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường có sự tham gia đầy đủ của 12 quốc gia thành viên.

Sau cuộc họp, được tổ chức chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Morales về nước, các nước tham dự đã ra tuyên bố chung lên án hành động của các nước Tây Âu, coi đây là hệ lụy nguy hiểm vi phạm luật pháp quốc tế. Tuyên bố này cho thấy tình đoàn kết ngày càng được củng cố bền chặt giữa các quốc gia Nam Mỹ khi quyền lợi của một quốc gia thành viên bị xâm phạm.

Ngay trước cuộc họp trên, để đáp lại tình cảm của các nước trong khu vực, Tổng thống Morales đã thông báo quyết định cho phép Snowden "tị nạn nhân đạo" khi ông tham dự một cuộc mít tinh quần chúng. Ngoài ra, Tổng thống Bolivia cũng cho biết sẽ xem xét đề nghị của một số tổ chức xã hội nước này về việc đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại La Paz sau khi tố cáo CIA đứng sau lệnh đóng cửa bầu trời đối với chuyên cơ của ông. Nhà lãnh đạo cánh tả cũng tuyên bố Bolivia hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển mà không cần tới sự giúp đỡ của Mỹ và các thể chế tài chính quốc tế do Mỹ giật dây dưới cái vớ hợp tác và quan hệ ngoại giao.

Gần như cùng lúc, Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega và Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng thông báo sẵn sàng cho Snowden tị nạn nhân đạo do lo ngại cựu nhân viên CIA có nguy cơ sẽ bị ngược đãi và xét xử không công bằng nếu bị dẫn độ về Mỹ. Tất nhiên, cũng có thể hiểu quyết định của Bolivia, Nicaragoa và Venezuela là sự trả đũa trước việc Mỹ từng cấp quy chế tị nạn và từ chối dẫn độ một số đối tượng bị ba nước này truy nã với tội danh khủng bố, diệt chủng, tham nhũng hoặc một số trọng tội khác.

Trước đó, trước sức ép của Mỹ về việc sẽ cắt giảm ưu đãi thuế quan nếu như Ecuador xem xét đơn tị nạn của Snowden, Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố sẵn sàng từ bỏ những ưu đãi thương mại song phương với Mỹ vì không thể chấp nhận việc Washington sử dụng sức ép kinh tế để gây sức ép lên các nước khác.

Ngoài các nước nêu ở trên, vụ bê bối gián điệp của Mỹ cũng làm vẩn đục quan hệ giữa Mỹ với Brazil, sau khi nhà báo Mỹ Glen Greenwald đã từ Brazil tới Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc để thu thập thông tin từ Snowden và vạch trần việc tình báo Mỹ do thám các công dân Brazil, đồng thời còn đặt căn cứ tình báo tại thủ đô Brasilia. Theo những thông tin do nhà báo Mỹ cung cấp, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và CIA đã mở căn cứ trên trong chuỗi các văn phòng thuộc mạng lưới gián điệp toàn cầu của Mỹ, trong có có ở một loạt nước Mỹ Latinh. Nữ Tổng thống Braxin Dilma Rousseff còn “phẫn nộ” yêu cầu Mỹ giải thích về các cáo buộc trên, sau khi một số nghị sĩ đối lập đề nghị bà hủy chuyến thăm Mỹ vào tháng 10 tới và cấp quy chế tị nạn cho Snowden.

Tổng thống Argentina Cristina Fernández cũng phê phán hoạt động gián điệp của Mỹ, cho rằng các hoạt động này nhằm kiểm soát nguồn nguyên liệu phong phú của Mỹ Latinh.

Việc ba quốc gia theo đường lối cánh tả ở Mỹ Latinh -đều có quan hệ kinh tế sâu rộng với Mỹ- sẵn sàng cấp quy chế tị nạn cho Snowden được coi là hành động thách thức thẳng thừng đối với Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đã gửi công hàm chính thức đề nghị các nước này bắt giữ và dẫn độ Snowden về Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cũng không quên cảnh báo các nước về nguy cơ sẽ “tác động tiêu cực” tới quan hệ với Mỹ nếu các nước này cho Snowden tị nạn.

Cho đến nay, Nicaragua và Venezuela đã nhận được đơn xin tị nạn của Snowden, nhưng hành trình của cựu nhân viên CIA này tới Mỹ Latinh sẽ không dễ dàng vì thiếu các giấy tờ tùy thân hợp lệ. Đó là chưa kể Snowden sẽ còn đối mặt với nguy cơ bị các quốc gia châu Âu chặn máy bay như đã từng làm với chuyên cơ của Tổng thổng Morales.

Tuy nhiên, bất kể kết cục nào đối với Snowden, vụ bê bối tình báo này đã gây tổn thương quan hệ giữa Mỹ và Mỹ Latinh, đồng thời làm xói mòn lòng tin của Mỹ Latinh trong việc xây dựng quan hệ với Mỹ dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau. Theo các nước Mỹ Latinh, vấn đề chính trong vụ Snowden không phải là việc cấp quy chế tị nạn cho nhân vật này, mà là Mỹ phải giải thích cho thế giới về hành động do thám quy mô lớn, một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
 
 
Theo Lê Quang Sơn