1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vũ khí mới của Ukraine thách thức "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Putin

Thành Đạt

(Dân trí) - Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) mới do Mỹ cấp cho Ukraine có thể bao gồm một bản sửa đổi vượt qua "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vũ khí mới của Ukraine thách thức lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin - 1

Hệ thống HIMARS được kỳ vọng có thể giúp Ukraine làm "thay đổi cuộc chơi" ở Ukraine (Ảnh: Wiki).

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 20/10 thông báo gói viện trợ quân sự mới trị giá 100 triệu USD cho Ukraine, bao gồm một Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) mới và "đạn bổ sung", cùng tên lửa phòng không, đạn pháo và thiết bị chống thời tiết lạnh.

Lầu Năm Góc cho biết gói viện trợ mới sẽ cung cấp cho Ukraine "khả năng cần thiết để tự vệ ngay bây giờ và ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai", đồng thời mô tả động thái này là "một khoản đầu tư thông minh".

Một báo cáo từ Militarnyi nhận định, việc Mỹ chỉ gửi cho Ukraine một hệ thống HIMARS trong gói viện trợ quân sự lần này cho thấy hệ thống mới sẽ bao gồm một "phiên bản sửa đổi duy nhất" cho phép bắn vũ khí tầm xa.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Theo Militarnyi, các vũ khí do Mỹ sản xuất có thể bắn bằng hệ thống HIMARS được sửa đổi để phóng tầm xa, có khả năng bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) và tên lửa tầm xa dành cho Hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS).

Năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo "nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev, nước này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành bên trực tiếp trong cuộc xung đột".

Mỹ đã gửi GLSDB và ATACMS cho Ukraine trong năm nay, trong khi các đồng minh được cho là cũng vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga.

Vào tháng 1, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ gửi GLSDB cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng loại vũ khí này - có khả năng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga - là "cực kỳ nguy hiểm" và sẽ đưa "cuộc xung đột lên một cấp độ hoàn toàn mới".

Sau khi chính phủ Anh thông báo sẽ gửi tên lửa tầm xa "Storm Shadow" cho Ukraine vào tháng 5, ông Peskov nói rằng Điện Kremlin nhìn nhận động thái này "rất tiêu cực" và dọa sẽ đáp trả.

Mỹ đã đồng ý cung cấp ATACMS cho Ukraine vào tháng 9. Tổng thống Putin thừa nhận rằng các hệ thống này gây ra thêm "mối đe dọa" cho Nga, đồng thời nhấn mạnh lực lượng của Moscow sẽ "có thể đẩy lùi" các cuộc tấn công. Ông cũng cảnh báo Mỹ đã phạm "sai lầm" và gây ra đau khổ cho Ukraine.

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 của Mỹ.

Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 300km.

Ukraine đã được cung cấp hàng chục HIMARS với các rocket tầm bắn 80km kể từ tháng 6 năm ngoái.

Phương Tây đã mô tả hệ thống này như một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột. Trên thực tế, HIMARS đã góp phần giúp Ukraine phản công hiệu quả ở một số khu vực và giúp Ukraine giành lại thành phố chiến lược Kherson mà không bị tổn thất quá nhiều.

HIMARS đã phá hủy hệ thống hậu cần, tiếp tế, kho đạn, vũ khí của Nga, làm đà tiến của Moscow bị chậm lại nhờ những quả rocket dẫn đường chính xác, có sức công phá lớn.

Từ đó tới nay, Nga đã bắt đầu triển khai các biện pháp để đối phó với HIMARS, trong đó nổi bật nhất là ứng dụng tác chiến điện tử. Nga hiện sở hữu năng lực tác chiến điện tử đáng gờm, khiến các vũ khí này trở thành khắc tinh hàng đầu của HIMARS.

Diễn biến này buộc Mỹ và Ukraine phải nhanh chóng tìm cách nâng cấp phần mềm của HIMARS để lách qua được nỗ lực gây nhiễu của Nga. Một quan chức Lầu Năm Góc so sánh điều trên với trò một trò chơi "mèo vờn chuột liên tục" khi Mỹ - Ukraine tìm cách đối phó vũ khí Nga, Moscow lại tiếp tục cải tiến vũ khí để bắt bài biện pháp của Washington - Kiev.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm