1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí Hàn Quốc hút khách ở châu Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi Hàn Quốc ký được hợp đồng cung cấp vũ khí quy mô lớn cho Ba Lan, nhiều quốc gia châu Âu được cho đã để mắt tới các khí tài do Seoul sản xuất.

Vũ khí Hàn Quốc hút khách ở châu Âu - 1

Xe tăng K2 của Hàn Quốc đang được châu Âu quan tâm (Ảnh: Hyundai Rotem).

Vào tháng 7, thị trường vũ khí châu Âu trở nên sôi động hơn với sự góp mặt của "người chơi mới" từ châu Á, Hàn Quốc, khi Ba Lan thông báo đã ký một thỏa thuận với nhà thầu Hyundai Rotem của Hàn Quốc.

Theo Nikkei, động thái này là khá bất ngờ và nó đánh dấu thương vụ mua vũ khí quy mô lớn thứ 2 của một nước NATO với một nhà cung cấp ngoài khối. Thương vụ đầu tiên diễn ra vào năm 2017 khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, diễn biến vẫn còn gây ra tranh cãi tới thời điểm hiện tại.

Ba Lan thông báo họ mua 1.000 xe tăng K2 Black Panther từ Hyundai Rotem, một công ty con về lĩnh vực quốc phòng của tập đoàn Hyundai Motor. Trong thời gian tới, Hyundai Rotem sẽ cung cấp 180 chiếc K2, được biết đến với khẩu pháo nòng trơn 120mm mạnh mẽ, hệ thống tự động nạp đạn và tốc độ lên tới 70 km/h. Số xe còn lại sẽ được chế tạo tại quốc gia Đông Âu Ba Lan, bắt đầu từ năm 2026.

Thỏa thuận này cho thấy các công ty quốc phòng Hàn Quốc đang nỗ lực mở rộng thị trường sang châu Âu, nơi các nước đang gia tăng chi tiêu quân sự sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.

Giữa tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố tham vọng đưa nước này trở thành "ông lớn" trong ngành xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

"Nếu lọt vào nhóm 4 nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp, ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc sẽ trở thành một ngành công nghiệp hóa chiến lược và Hàn Quốc sẽ là một cường quốc quốc phòng", ông Yoon phát biểu.

Thương vụ với Ba Lan được xem là đúng thời điểm khi Warsaw muốn thay thế đội xe tăng sau khi đã chuyển cho Ukraine 250 thiết giáp từ thời Liên Xô. Ba Lan cũng bày tỏ sự quan tâm tới Leopard 2 của nhà thầu Krauss-Maffei Wegmann (Đức), tuy nhiên vì đây là nòng cốt của lực lượng xe tăng NATO, nên Warsaw sẽ phải xếp hàng dài để được cung cấp vũ khí mà họ đang cần.

Ba Lan cũng đã ký hợp đồng mua của Mỹ 250 xe tăng M1A2 Abrams hồi tháng 4, nhưng con số này chỉ bằng 1/4 so với 1.000 chiếc K2 họ đặt mua của Hàn Quốc.

Theo giới quan sát, điểm hấp dẫn trong thương vụ với Hàn Quốc là viễn cảnh Seoul có thể chuyển giao công nghệ cho Warsaw. Điều này có thể cho phép Ba Lan trở thành trung tâm sản xuất vũ khí của châu Âu.

"Vũ khí của Hàn Quốc hấp dẫn nhất về công nghệ, giá cả và thời gian", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết vào tháng 7 khi ông ký hợp đồng mua 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do KAI và Lockheed Martin phát triển cùng 672 xe pháo tự hành K9 Thunder của Hanwha Defense.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết xe tăng K2 có thể là một lựa chọn thay thế không tồi cho Leopard 2 và nhiều nước châu Âu cũng đang để mắt tới nó.

Đứng đầu trong danh sách quan tâm là Hy Lạp, quốc gia đang sở hữu một đội xe tăng đã khá cũ kỹ và đang vướng vào căng thẳng với người láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Italy, Romania, Bulgaria, Slovakia cũng được xem là thị trường tiềm năng với dòng K2 của Hàn Quốc.

Na Uy có thể là quốc gia kế tiếp sẽ đưa ra quyết định quan trọng về đội xe tăng, khi họ hiện đang sở hữu 52 chiếc Leopard 2. Giống Ba Lan, Na Uy sẽ phải cân nhắc có mở rộng đội Leopard 2 hay sẽ chuyển hướng sang mua K2. Hồi tháng 1, phiên bản mới của Leopard 2 và xe tăng K2 đã được đưa sang Na Uy để thử nghiệm tác chiến vào mùa đông.

Theo Nikkei