Vụ giải cứu Chuẩn tướng Dozier: Kế hoạch giải cứu (bài 2)
Khi tin tức về vụ Lữ đoàn Đỏ bắt cóc tướng Dozier được Báo Il Tempo loan tải thì cả NATO rúng động. Tướng Joseph Lun, Tổng thư ký khối NATO lập tức đề nghị tướng Giovanni De Bartolomeis, Tổng tư lệnh NATO ở Nam châu Âu - lúc ấy đang nghỉ phép - trở về nhiệm sở để trực tiếp chỉ đạo các biện pháp giải quyết vụ việc.
Về phía người Mỹ, Lầu Năm Góc ra lệnh cho các cơ quan tình báo quân đội bằng mọi cách phải tìm ra nơi giam giữ tướng Dozier, đồng thời lập phương án giải cứu, trong đó không loại trừ khả năng trao đổi tù binh bởi lẽ lúc này, Renato Curcio, kẻ cầm đầu Lữ đoàn Đỏ vẫn đang nằm trong nhà tù Italia.
Đeo xích chân, tay đón Giáng sinh và năm mới
Suốt 4 ngày sau khi bị bắt, tướng Dozier liên tục bị hai thành viên của Lữ đoàn Đỏ là Antonio Curillo và Cesare Leonardo hỏi cung. Nội dung bao gồm bộ máy tổ chức của NATO, họ tên, địa chỉ, tình trạng gia đình của những sĩ quan cao cấp NATO ở Nam châu Âu, các đơn vị NATO ở Italia và các loại vũ khí, trang thiết bị.
Hiện trường vụ đánh bom tiệm pizza Fontana ở Milan do Lữ đoàn Đỏ chủ mưu, giết chết 20 người.
Dozier kể: "Họ giam tôi trong một căn phòng không có cửa sổ. Một bóng đèn tròn sáng suốt ngày đêm nhằm làm tôi mất phương hướng và mất khái niệm thời gian. Tôi bị xích vào thành giường, chỉ được mở ra khi tôi đi vệ sinh nhưng tôi không bị tra tấn hay đánh đập ngoại trừ việc họ chụp vào đầu tôi một cái tai nghe và bắt tôi phải chịu đựng âm thanh chát chúa của nhạc rock từ ngày này qua ngày khác. Khi được cứu thoát, thính lực của tôi suy giảm nặng nề".
Lúc vừa mới bị bắt, tướng Dozier tưởng rằng những kẻ bắt cóc ông chỉ nhằm đòi tiền chuộc như tổ chức tội phạm mafia Italia vẫn hay làm. Tuy nhiên dần dà ông nhận ra rằng Antonia Curillo và Cesare Leonardo đều là những kẻ có học nhưng tư tưởng rất cực đoan:
"Họ luôn miệng nói về một cuộc cách mạng và họ sẽ áp dụng tất cả mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Trong giây lát, tôi nhớ đến vụ bắt cóc ông Amerio, Trưởng phòng Nhân sự Công ty chế tạo xe hơi Fiat, vụ bắt cóc thanh tra Mario Soxi, tỉnh Renay, tất cả đều bị giết, và vụ vợ của Curicio - lãnh đạo Lữ đoàn Đỏ - là Macgerita Kager tổ chức tấn công trại tù, cứu Curicio thoát khỏi nhà giam nhưng Kager lại bị cảnh sát bắn chết. Từ lúc ấy, tôi biết họ là Lữ đoàn Đỏ, một nhóm khủng bố khét tiếng trên toàn châu Âu".
Một tuần sau ngày bị bắt, nhóm khủng bố thôi không thẩm vấn Dozier nữa nhưng họ vẫn xích ông. Bữa ăn hàng ngày của ông quanh đi quẩn lại vẫn chỉ gồm pizza và mì ống. Đôi lần, ông hỏi về vợ ông thì câu trả lời luôn luôn là "bà ấy vẫn mạnh khỏe". Không được đọc báo hay nghe tin tức nên Dozier không biết số phận sẽ ra sao.
Ông kể: "Chắp nối sự việc qua những câu nói rời rạc của Antonio và Cesare Leonardo, có vẻ như Lữ đoàn Đỏ bắt cóc tôi nhằm gây áp lực với Chính phủ Italia để buộc họ yêu cầu NATO phải chấm dứt sự hiện diện trên đất Italia. Nếu yêu sách này không được đáp ứng, tôi sẽ chết".
Đêm Giáng sinh trôi qua trong lặng lẽ. Nằm ở buồng giam, tướng Dozier nghe tiếng chuông nhà thờ từ đâu đó vọng lại. Không có bánh bucher Nôel (bánh gatô hình khúc cây), không có nến, không rượu sâmpanh và cũng không có ngỗng hay gà tây quay, chỉ có cái bóng đèn tròn lơ lửng trên đầu và một đĩa mì ống sốt cà chua nguội ngắt.
Bọn bắt cóc có lẽ đã đổ ra đường vui chơi, chỉ để lại một tên canh giữ ông nhưng chắc gã này cũng đến một cửa sổ nào đó, nhìn sự nhộn nhịp đang diễn ra dưới mặt đường, chỉ thỉnh thoảng mới quay vào, quan sát ông qua cái lỗ tò vò bé tí trên cánh cửa.
Rồi tết Dương lịch năm 1982 cũng đến. Dozier đón ngày đầu năm với cái xích ở cổ chân và cổ tay. Ông kể: "Tôi chỉ biết năm mới đã bắt đầu qua lời chúc của Antonio khi gã mở cửa bước vào: "Ciao! Buon anno - Xin chào, chúc mừng năm mới".
Khởi động bộ máy giải cứu
Thật ra, vụ bắt cóc tướng Dozier chỉ là sự ngẫu nhiên. Theo lời khai của Cesare Leonardo và Antonio Curillo, mục đích của Lữ đoàn Đỏ chỉ là "bắt cóc một sĩ quan NATO nhằm gây tiếng vang để phô trương thanh thế" nhưng họ vẫn chưa xác định được nhân vật mà họ sẽ bắt cóc là ai.
Chỉ đến khi một thành viên trong nhóm mua được một cuốn sách nói về cơ cấu tổ chức khu vực Nam châu Âu của khối NATO, nhóm bắt cóc mới biết tướng Dozier là sĩ quan người Mỹ cao cấp nhất trong lực lượng này.
Renato Curcio (x) chỉ huy Lữ đoàn Đỏ đứng giữa những con tin bị bắt cóc.
Cesare Leonardo khai: "Liên tiếp 3 tuần lễ, chúng tôi bám theo ông ta, tìm hiểu quy luật đi lại, những người thường xuyên có mặt trong nhà ông ta, lực lượng bảo vệ và các tình huống có thể xảy ra khi chúng tôi tiến hành vụ bắt cóc. Có vẻ như ông ta khá thờ ơ về mặt an ninh vì ông ta tin rằng ở ngay giữa lòng Italia, một đồng minh thân cận với Mỹ, sẽ chẳng ai làm gì ông ta được".
Sinh ngày 10-4-1931 tại bang Florida, Mỹ, Dozier tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point vào năm 1956. Tiếp theo, ông học về chỉ huy xe tăng tại Học viện Armored, căn cứ Fort Knox, bang Kentucky. Trong chiến tranh Việt Nam, Dozier là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiết kị số 11, đóng quân ở Bồng Sơn, Tam Quan, tỉnh Bình Định.
Năm 1969, Dozier trở về Mỹ, làm việc tại căn cứ Fort Hood với vai trò chỉ huy một lữ đoàn xe tăng rồi trở thành Tham mưu trưởng của Quân đoàn xe tăng Số 3. Tiếp theo, ông sang CHLB Đức trước khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng tham mưu trưởng khu vực Nam châu Âu của khối NATO, phụ trách quản lý và hậu cần.
Một tuần sau khi vụ bắt cóc tướng Dozier xảy ra, hồ sơ về tổ chức khủng bố Lữ đoàn Đỏ đã nằm trên bàn làm việc của Caspar Willard Weinberger, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo hồ sơ này, cờ của Lữ đoàn Đỏ có nền màu đỏ và hình ngôi sao 5 cánh trong vòng tròn màu trắng, quân số khoảng 600 người. Hệ thống tổ chức của Lữ đoàn Đỏ rất chặt chẽ với đơn vị cơ sở là các tổ, mỗi tổ chỉ gồm 4 hoặc 5 thành viên, trong đó có 1 thành viên là "hạt nhân nòng cốt".
Ở các thành phố, nhiều tổ gộp lại thành đội, nhiều đội thành đoàn và nhiều đoàn thành lữ đoàn. Các tổ hoạt động độc lập với nhau, không ai biết công việc của ai. Khi cần phối hợp, mỗi tổ chịu trách nhiệm phần việc của riêng mình nên nếu bị bắt, thành viên của tổ này không thể khai ra tên tuổi, hoạt động của thành viên tổ khác.
Ông Mapurili, công tố viên Tòa án Verona cho biết: "Lữ đoàn Đỏ cấu tạo như một con rắn 7 đầu (Hydra). Dù có chặt đầu này thì nó sẽ nhanh chóng mọc ra cái đầu khác và vẫn cứ hoạt động như thường".
Về phía Chính phủ Italia, ngay sau khi tướng Dozier bị bắt cóc, một "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" được thành lập, và đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm, giải cứu tướng Dozier là NOCS (Nucleo Operativo Centrale di Sicurezza - tạm dịch: Biệt đội Hành động an ninh trung ương).
NOCS thành lập năm 1974 theo gợi ý của Tư lệnh Cảnh sát Italia là tướng Emilio Santillo. Khi ấy, trước những hoạt động ngày càng bành trướng của Lữ đoàn Đỏ, tướng Santillo cho rằng đã đến lúc cần thiết phải thành lập một đơn vị chiến thuật có khả năng đập tan những âm mưu khủng bố một cách nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ các địa phương trong công tác chống khủng bố.
Nguồn nhân lực của NOCS được chọn lựa từ cảnh sát, đặc biệt là nhóm "Những ngọn lửa vàng - Yellow Flames", đơn vị cảnh sát cơ động Italia. Lúc đầu, NOCS chỉ có 35 người, chỉ huy bởi thiếu tá Andrea Sgandurra, một sĩ quan chống bạo loạn đầy kinh nghiệm, nổi tiếng với kỹ thuật chiến đấu bằng tay không. Sau một năm đào tạo các kỹ năng như vừa lái xe vừa bắn súng, bắn tỉa, đánh cận chiến, đột kích bí mật, tấn công chiến thuật…NOCS chính thức đi vào hoạt động.
Năm 1975, NOCS lập chiến công đầu tiên khi đập tan tổ chức khủng bố NAP (Nucleo Armati Proletari - Lực lượng vũ trang vô sản). Tiếp theo, NOCS đột kích vào căn cứ của nhóm khủng bố "Trật tự mới", bắt sống hai tên cầm đầu nổi tiếng với những vụ đánh bom giết người hàng loạt là Gentile Schiavone và Pierluigi Concutelli.
Đến năm 1978, Chính phủ Italia quyết định thay đổi cấu trúc của Cục Phòng chống khủng bố để nâng cao khả năng tác chiến. Sự thay đổi này dẫn đến việc ra đời các cơ quan như SISMI (Tình báo quân đội), SISDE (Tình báo dân sự), UCIGOS (cơ quan điều tra đặc biệt trực thuộc trung ương), và một đơn vị chiến thuật của UCIGOS sáp nhập vào NOCS, nâng quân số lên tổng cộng 170 người.
Cuối năm 1982, NOCS mở rộng về quy mô và năng lực. Dưới quyền lãnh đạo của thiếu tá Maurizio Genolini, NOCS trở thành đơn vị chống khủng bố không thể thiếu để bảo đảm an ninh cho Italia. Nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài đã nhận định NOCS không hề thua kém Lực lượng SEALs của Mỹ, hoặc Special Commando của Anh, với khả năng tác chiến hoàn hảo trên máy bay, xe lửa, xe buýt, tàu biển, cao ốc, trung tâm thương mại hoặc những đường phố đông đúc, chật hẹp, kể cả tác chiến trên màn hình máy tính trong những cuộc chiến tranh mạng.
Trong suốt 41 năm tồn tại, NOCS đã thực hiện thành công hơn 4.500 nhiệm vụ, bắt giữ gần 2.000 tên khủng bố thuộc nhiều tổ chức khác nhau. Khẩu hiệu của NOCS là "Sicut Nox Silentes - Im lặng như bóng đêm".
NOCS vào cuộc
Trưa 18-12-1981, nghĩa là chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ sau khi biết tin tướng Dozier bị Lữ đoàn Đỏ bắt cóc, "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" ra lệnh cho cảnh sát tiến hành phong tỏa mọi khu vực trong bán kính 100km tính từ trung tâm thành phố Verona. Tất cả các giao lộ đều được đặt chướng ngại vật, xe cộ đi qua đều bị kiểm tra kỹ lưỡng bằng cách sử dụng loại kính phản xạ đặc biệt vừa được chuyển đến từ Mỹ nhằm phát hiện vũ khí hoặc những đồ vật tình nghi giấu dưới gầm xe.
Bên cạnh đó, còn có 2.000 binh lính với sự giúp đỡ của các chuyên gia Mỹ, tiến hành rà soát toàn bộ các vùng phụ cận ở ngoại ô thành phố Verona.
3 trong số 12 đặc nhiệm NOCS đã tham gia giải cứu tướng Dozier.
Hai tuần lễ trôi qua, mọi cuộc lùng sục, tìm kiếm dường như vô vọng. Cơ quan An ninh Italia phối hợp với tình báo quân đội Mỹ, với CIA, với tình báo Anh MI-6 tiến hành thẩm vấn, dụ dỗ, mua chuộc những chiến binh Lữ đoàn Đỏ đang nằm trong nhà tù cốt chỉ để tìm ra câu trả lời: "Nhóm bắt cóc tướng Dozier gồm những ai, vũ trang như thế nào và liệu địa điểm nào có khả năng là nơi giam giữ ông ta?"
Tuy nhiên, mọi thông tin nhận được đều mơ hồ bởi lẽ những kẻ ở tù, người ít nhất cũng đã 3 năm còn 5, 7 năm thì vô số kể. Mà tù lâu như vậy thì làm sao cập nhật tình hình bên ngoài. Ngay cả Renato Curcio, người sáng lập và cầm đầu Lữ đoàn Đỏ cũng mù tịt về vụ bắt cóc. Curcio chỉ biết sau khi sa lưới an ninh Italia, thì Mario Moretti lên thay ông ta mà thôi.
Theo gợi ý của Renato Curcio, có thể tướng Dozier bị giam ở Naples vì đây là một trong những sào huyệt chính của Lữ đoàn Đỏ. Với hàng nghìn chiếc thuyền neo ở bến cảng, chiếc nào cũng có thể là nhà giam, đồng thời dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không bị nghi ngờ.
Lập tức, NOCS tung lực lượng của mình ra, phối hợp với cảnh sát, bí mật kiểm tra từng chiếc tàu đang neo đậu trong các cảng, từ Torre del Greco ở phía nam đến Pozzuoli ở phía bắc. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều hoài công vô ích.
Theo Cao Trí/The Red Brigade Terrorist Group
An ninh thế giới