1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ bắt giữ giám đốc Huawei cứa sâu "vết thương" cũ trong quan hệ Mỹ-Trung

(Dân trí) - Vụ Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ở Canada theo đề nghị của Mỹ đang khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng và làm dấy lên những tranh luận về các quy chế pháp lý của Mỹ nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.


Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng. (Ảnh: AFP)

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng. (Ảnh: AFP)

Giới chức Canada ngày 1/12 đã bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay các chi tiết xung quanh vụ bắt giữ còn rất ít ỏi ngoài việc Mỹ muốn dẫn độ bà Mạnh vì cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU áp lên Iran.

Bà Mạnh, 46 tuổi, được tòa án Canada cho tại ngoại hôm 11/12 với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD. Bà dự kiến sẽ trở lại tòa vào ngày 6/2 để tiến hành phiên điều trần trước nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Vụ bắt giữ đã phủ bóng lên quan hệ Mỹ-Trung đang có xu hướng xấu đi do cuộc chiến thương mại bùng phát từ giữa năm nay và mới chỉ tạm ngưng lại hồi đầu tháng bằng một thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày.

Vụ việc cũng cứa sâu thêm vào vết thương cũ trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Bà Mạnh và Huawei có thể coi là những mục tiêu nhắm tới mới nhất của “cơ chế tài phán nối dài” của Mỹ thông qua hệ thống tòa án.

Zhiqun Zhu, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania, cho rằng vụ bắt giữ có thể là cách để Mỹ buộc Trung Quốc phải đưa ra nhượng bộ trong thời gian 90 ngày “đình chiến” thương mại.

Chuyên gia này cũng cho rằng không phải ngẫu nhiên Mỹ chọn đề nghị Canada bắt giữ bà Mạnh. “Kéo Canada vào vụ việc này là một sự tính toán trước (của Mỹ), nó cho thấy không chỉ Mỹ mà cả các đồng minh của Mỹ như Canada, Australia đều coi Huawei là mối đe dọa. Liên minh quốc tế này sẽ tăng thêm sức ép lên Trung Quốc”, ông Zhu nói.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vụ bắt giữ bà Mạnh hoàn toàn không liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Zhao Xiaozhuo, Phó Giám đốc Trung tâm quan hệ quốc phòng Trung-Mỹ thuộc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho rằng vụ việc cho thấy Mỹ muốn thể hiện sự mở rộng tầm ảnh hưởng pháp lý đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài.

"Vấn đề trước mắt là làm thế nào để tránh một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung. Từ vụ việc của Huawei có thể thấy, sẽ có thêm quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc có nguy cơ trở thành mục tiêu của Mỹ", Gary Liu Shengjun, người đứng đầu Viện nghiên cứu cải cách tài chính Trung Quốc tại Thượng Hải nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc lấy cắp các bí mật công nghệ cao hoặc đòi hỏi chuyển giao công nghệ một cách ép buộc.

Liên quan đến trường hợp của Huawei, theo New York Times, giới chức Mỹ đã dành nhiều năm để xác định Huawei có vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt về bán công nghệ cho các nước thuộc danh sách trừng phạt của Mỹ hay không, như Iran, Sudan, Syria, Triều Tiên. Các công tố viên liên bang và Cục điều tra liên bang Mỹ đã bắt đầu thụ lý các vụ án hình sự chống lại ban lãnh đạo của Huawei kể từ năm 2010.

Minh Phương

Theo SCMP