1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ án tình báo Mỹ - Trung gây tranh cãi

(Dân trí) - Ngày 29/3, tại phiên tòa xét xử kỹ sư Chi Mak người Mỹ gốc Hoa, bị cáo buộc chuyển thông tin về các hệ thống quân sự - trong đó có công nghệ hải quân - của Mỹ cho Trung Quốc.

Đại diện Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Gaylord nêu rõ ông Mak đã nhiều lần liên lạc với một quan chức chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm thông tin về tàu con thoi từ một kỹ sư của hãng Boeing.

Ông Gaylord đã viện dẫn các bức thư mà ông nói của một quan chức ngành hàng không Trung Quốc viết và thu được trong quá trình điều tra Chi Mak. Ông Gaylord cũng cho biết trong thời gian từ tháng 6/2004 đến tháng 10/2005, các nhà điều tra FBI đã nhiều lần lắp máy nghe trộm tại nhà riêng, phòng làm việc và trong ô tô của Mak cũng như gắn máy ghi hình trong phòng ăn và phòng máy tính của ông Mak.

Chi Mak là một trong những kỹ sư hàng đầu của nhà thầu quốc phòng Power Paragon Inc., nơi ông trực tiếp tham gia hoặc có điều kiện tiếp cận các dự án nhạy cảm của Hải quân Mỹ. Ông Mak, đã nhập quốc tịch Mỹ năm 1985, hiện đang bị xét xử tại tòa án liên bang về cáo buộc có âm mưu và hành động chuyển giao các tài liệu về quốc phòng cho Trung Quốc và trong thời gian chưa nhập quốc tịch Mỹ, ông này đã không đăng ký là người nước ngoài và khai báo sai sự thật. Vợ ông cùng một số người thân khác cũng bị xét xử. Tuy nhiên, ông Mak không thừa nhận đã phạm tội.

 

 Ông Gaylord cho biết FBI đã thu được một bức thư trong nhà của Mak đề ngày 2/5/1987 do  quan chức Trung Quốc nói trên gửi cho một kỹ sư làm việc trong một chương trình tàu vũ trụ con thoi cho hãng Boeing có tên Greg Chung.

 

Trong bức thư, quan chức trên viết: "Tôi sẽ hết sức vui mừng khi có thể thu thập được một số thông tin về thiết kế máy bay thương mại đường dài và phát triển tàu vũ trụ con thoi. Trước đây, tôi đã đề nghị ông Chung, trong phạm vi khả năng của mình, thu thập một số tài liệu về vấn đề quản lý chất lượng".

 

Vị quan chức được xác định là Gu Wai Hao nói trên cũng viết: "Tôi đang tìm cách trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt cho ông Chung đối với  tất cả các chi phí cần thiết... Ông Chung có thể chuyển đề nghị hoặc thông tin qua ông Chi Mak vì kênh liên lạc qua ông này an toàn hơn mọi kênh khác".

 

Tấm danh thiếp gửi kèm bức thư trên đã giúp xác định vị quan chức trên thuộc Văn phòng đại diện Bộ Hàng không và máy bay dân dụng Trung Quốc và nội dung bức thư đã chứng tỏ rằng nó đã được Mak chuyển trực tiếp cho Chung. Ông Chung trước đây đã thôi làm việc cho Boeing, nhưng sau đó đã trở lại làm cố vấn cho hãng này.

 

Về vấn đề này, Trợ lý Tổng chưởng lý Mỹ Greg Staples không bình luận gì về sự liên quan của Chung trong vụ án của Mak. Tuy nhiên ông mô tả Mak là một điệp viên đã hoạt động thường xuyên và từ năm 1983, hai năm trước khi trở thành công dân Mỹ, đã chuyển nhiều tài liệu nhạy cảm cho Trung Quốc.

 

Ông Staples cũng đề cập tới đĩa CD mà các nhà điều tra thu được từ người thân của Mak khi họ chuẩn bị rời Los Angeles để tới Hồng Kông. Đĩa CD này được tìm thấy trong một cuốn sách tiếng Anh dành cho người Hoa, trong đó có nhiều bài dân ca Trung Quốc và có một tệp được mã hóa chứa đựng những thông tin về công nghệ quốc phòng.

 

Các tài liệu của tòa án cho biết các nhà điều tra đã khám xét nơi ở của Mak và tìm thấy những tài liệu bị cấm về công nghệ tàu chiến như tàu khu trục DDX và một danh sách bằng tiếng Hoa đề nghị ông tìm kiếm thông tin về các loại thủy lôi, các hệ thống pháo điện tử và công nghệ phát hiện các tên lửa đang bay tới.

 

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Mak, bà Marilyn Bednarski, đã cực lực phản bác tuyên bố Mak đã thừa nhận tội lỗi và gọi ông là một người Mỹ tận tâm "chưa bao giờ chuyển đi những tài liệu mà ông cho rằng chúng là những tài liệu bị cấm". Bà cũng chỉ ra rằng một trong những tài liệu đang được tòa thẩm vấn đã từng được nêu công khai tại một hội nghị và sẵn có trên mạng Internet.

 

Ngày 29/3, Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc đối với Mak. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ là không có cơ sở và người ta đưa ra những cáo buộc đó vì những động cơ không tiện nói ra".

 

Cùng ngày, phát biểu tại Hội Luật sư Mỹ (ABA), Giám đốc Văn phòng Phản gián Quốc gia Mỹ (ONCE) Joel Brenner cho rằng nguy cơ từ các nhóm gián điệp nước ngoài, đặc biệt là Nga, đối với Mỹ vẫn nghiêm trọng như thời Chiến tranh Lạnh trước đây. Trong khi đó, các tổ chức tình báo nước ngoài như Trung Quốc, Iran và Cuba vẫn tìm cách cài người vào hệ thống những mục tiêu quan trọng của Mỹ ở cả trong và ngoài nước.

 

Là người trực tiếp báo cáo lên Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Michael McConnell, ông Brenner thường đưa ra những ý kiến tham vấn về chính sách và chiến lược phản gián của Mỹ. Ông nhận xét rằng nỗ lực của Nga và Trung Quốc để thu thập những thông tin bí mật về quá trình hoạch định chính sách quân sự và chính trị ở Mỹ hiện đã đạt tới mức như thời Chiến tranh Lạnh.

 

Theo ông Brenner, hai nước đang triển khai một chiến dịch đầy tham vọng nhằm thu thập tin tức từ "kiến trúc thượng tầng hoạch định chính sách ở Wasington" bên cạnh mục tiêu đánh cắp bí mật về công nghệ tiên tiến của Mỹ.

 

N. S

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm