1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ ám sát cựu Phó thủ tướng Nga Nemtsov: Ai thiệt, ai lợi?

Cái chết của chính trị gia đối lập Nemtsov đang khiến nhiều thế lực mở cờ trong bụng và tung lên truyền thông nhiều giả thiết về thủ phạm "thực sự".

Sự ra đi của Boris Nemtsov đang được giới truyền thông phương Tây gắn với những gì mờ ám đã từng xảy ra với các nhà bất đồng chính kiến ở Nga một thời.

Ông Putin đang bị chĩa mũi dùi

Thông tin ngày 28/2 dẫn lời Tổng thống Ukraine Poroshenko chỉ ra nguyên nhân ông Boris Nemtsov bị giết hại là do ông ta có bằng chứng về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và sẽ tiết lộ chúng.

Ông Poroshenko nói rằng tuần trước ông vừa có cuộc nói chuyện với cựu Phó thủ tướng Nga về nhiều vấn đề liên quan tới
cuộc khủng hoảng miền Đông cũng như bằng chứng về sự dính líu của Moscow.
 
Hiện trường vụ ám sát chính trị gia đối lập Nemtsov
Hiện trường vụ ám sát chính trị gia đối lập Nemtsov

Trước đó, Tổng thống Ukraine cũng như giới lãnh đạo Kiev thường xuyên cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng đối lập miền Đông, khiến cuộc khủng hoảng Ukraine thêm trầm trọng.

Ngày 1/3, cựu Phó Thủ tướng Litva Andrius Kubilius cho biết ông Boris Nemtsov từng cân nhắc yêu cầu xin tị nạn ở Litva vào năm 2012 do sợ bị Điện Kremlin khủng bố, nhưng sau đó đã quyết định ở lại Nga.

Chỉ vài giờ trước khi bị bắn, ông Nemtsov cũng lên Đài phát thanh Ekho Moskvy (Echo of Moscow) để thúc giục dân chúng tham gia cuộc biểu tình chống ông Putin vào ngày 1/3.

Nhiều người cho rằng Boris Nemtsov bị giết vì điều này. Họ chỉ trích Tổng thống Putin đã dung túng cho chủ nghĩa dân tộc. Nhà hoạt động đối lập Galperin nói: “Người ta sợ ủng hộ phong trào của chúng tôi. Các nhà hoạt động đối lập nhận được lời đe dọa hàng ngày và Boris không phải trường hợp ngoại lệ. Nhưng họ sẽ không ngăn cản được chúng tôi”.

Cựu lãnh đạo đảng Quả táo (Nga) Grigory Yavlinsky cho rằng trách nhiệm chính trị của vụ này thuộc về chính quyền và cá nhân Tổng thống Putin.

Những thông tin chĩa mũi dùi vào Tổng thống Putin đang dày đặc trên truyền thông. Báo chí phương Tây còn nhận định khả năng ông Putin “không dễ gì” bắt được thủ phạm vụ ám sát, vì như thế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người đứng đầu điện Kremlin.

Ukraine, Mỹ và phương Tây cũng khấp khởi “mừng thầm”

Cái chết của “thủ lĩnh” đối lập Nga Nemtsov diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang đứng giữa nhiều ngã rẽ: thỏa thuận ngừng bắn Minsk – 2 chấp chới; Mỹ đang dùng dằng chuyện viện trợ vũ khí cho Kiev; còn Nga có nguy cơ đối mặt thêm các lệnh trừng phạt mới…

Cuộc khủng hoảng Ukraine cùng sự thất bại của Tổng thống Poroshenko… đang là tâm điểm của mũi dùi báo chí thế giới, bỗng chốc “thoát nạn” nhờ vụ ám sát cựu Phó thủ tướng Nga Nemtsov.

Trang Medium.com dẫn lời học giả Stephen Cohen, chuyên nghiên cứu về Nga tại Đại học Princeton và Đại học New York, Mỹ nhận định về vị thế đang bị đe dọa của tổng thống Ukraine Poroshenko: “Thất bại trên chiến trường miền Đông lẫn các hoạt động chính trường, điều này thể hiện ở một nền kinh tế và chính trị quá nhiều rắc rối; khiến vị thế của Tổng thống Ukraine Poroshenko bị xuống chưa từng có”.

Chuyên gia Stephen Cohen cảnh báo: “Mặc dù rất khó để nói rằng đang có một cuộc đảo chính tại Kiev, nhưng EU và Mỹ sớm hay muộn sẽ không thể kiên nhẫn thêm khi khoản “đầu tư” của họ đang không đúng chỗ và đúng hướng”.

Hàng nghìn người tuần hành ở Moscow để tưởng nhớ cựu Phó thủ tướng Boris Nemtsov
Hàng nghìn người tuần hành ở Moscow để tưởng nhớ cựu Phó thủ tướng Boris Nemtsov
 
Còn với Mỹ và phương Tây, dường như mục đích lợi dụng cái chết của thủ lĩnh đối lập Nemtsov để dìm chính quyền ông Putin vào một cuộc khủng hoảng kép, cả chính trị lẫn kinh tế, có vẻ đang thuận lợi.

Theo báo cáo của của Ngân hàng Sberbank CIB (Nga), 2 tháng đầu năm 2015, kinh tế Nga bắt đầu có dấu hiệu khả quan, nhất là thời điểm Thỏa thuận Minsk 2 được ký kết hôm 12/2. Đồng Ruble Nga so với USD tăng tới 11,5% - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ đầu những năm 1990. Lần đầu tiên kể từ tháng 8/2014, 1 USD đổi được dưới 60 Ruble.

Thế nhưng sau vụ ám sát chính trị gia Nemtsov, các chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lại tung ra dự báo xấu về kinh tế Nga, với mức suy thoái trong hai năm tới -3% và -1% .

Tuy nhiên, Nga lúc này không chỉ chịu một tổn thất về kinh tế, mà còn thêm cả những bất ổn chính trị nghiêm trọng sau cái chết của Thủ lĩnh đảng đối lập Boris Nemtsov. Chưa rõ nguyên nhân vì sao ông Nemtsov bị ám sát, chưa rõ ai là kẻ chủ mưu đứng sau hành động này. Tuy nhiên, những luồng thông tin từ nhiều phía đồn đoán về nguyên nhân đang gây hỗn loạn từ chính bên trong nước Nga.

Giả thiết về những người vốn có mâu thuẫn trong các hoạt động thương mại của ông Nemtsov; nguyên nhân ghen tuông cá nhân cũng được nhắc đến; và thậm chí hành động của Hồi giáo cực đoan cũng được xem xét có liên quan hay không tới vụ sát hại này.

Báo chí phương Tây đang khai thác tối đa cái chết của ông Nemtsov để gây nhiễu loạn dư luận Nga.

Theo nhà bình luận Nga Dmitry Babich, cái chết của Nemtsov khiến Tổng thống Nga là người bất lợi nhất; trong khi các thế lực chống ông Putin có cơ hội mở cờ trong bụng./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm