1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vòng xoáy phong tỏa trở lại tâm dịch châu Âu giữa "bão" Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quốc gia Tây Âu buộc phải xem xét việc tái phong tỏa khi làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại trong những tuần gần đây.

Vòng xoáy phong tỏa trở lại tâm dịch châu Âu giữa bão Covid-19 - 1

Sinh viên đeo khẩu trang tại trường học ở Đức (Ảnh: AP).

Thành phố Utrecht của Hà Lan năm nay đã hủy bỏ lễ hội đón ông già Noel truyền thống, trong khi Áo cũng đang cân nhắc áp lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm vaccine Covid-19.

Gần 2 năm sau khi đại dịch cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người, Covid-19 lại đang hoành hành khắp Tây Âu - khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong vì Covid-19 tăng 10% ở châu Âu trong tuần qua và một quan chức WHO tuần trước tuyên bố rằng, lục địa này đã "trở lại tâm chấn của đại dịch". Làn sóng dịch bệnh mới nhất phần lớn bùng phát ở Nga và Đông Âu - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhưng các nước ở phía Tây như Đức và Anh cũng ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới.

Theo AP, mặc dù các quốc gia ở Tây Âu đều có tỷ lệ tiêm chủng trên 60%, thậm chí một số nước như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều, nhưng vẫn còn một bộ phận đáng kể dân số chưa được vaccine bảo vệ.

Theo tiến sĩ Bharat Pankhania, giảng viên cấp cao tại Trường Y Đại học Exeter, số lượng lớn những người chưa được tiêm chủng kết hợp với việc tiếp xúc xã hội rộng rãi sau khi hết phong tỏa và sự suy giảm khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine cách đây vài tháng là nguyên nhân khiến ca nhiễm gia tăng ở Tây Âu.

Phần lớn nhờ vào việc tiêm chủng vaccine, các bệnh viện ở Tây Âu không phải chịu áp lực quá lớn như giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng nhiều bệnh viện vẫn đang phải "căng mình" để điều trị số lượng bệnh nhân Covid-19 gia tăng, trong khi vẫn phải giải quyết các khó khăn về xét nghiệm và phẫu thuật do nhân viên y tế kiệt sức hoặc nhiễm bệnh.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu các quốc gia Tây Âu có thể ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới nhất này mà không cần dùng đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, vốn tàn phá nền kinh tế, làm gián đoạn việc học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân hay không. Các chuyên gia cho rằng có thể nới lỏng phong tỏa, nhưng các nhà chức trách không thể loại bỏ tất cả các biện pháp hạn chế và phải tăng tỷ lệ tiêm chủng.

"Tôi nghĩ thời kỳ mà mọi người phải nhốt mình ở trong nhà đã qua, vì chúng ta có các công cụ để kiểm soát Covid-19, từ xét nghiệm, vaccine cho đến điều trị. Do vậy, tôi hy vọng mọi người sẽ làm những điều cần làm như đeo khẩu trang", Devi Sridhar, lãnh đạo bộ phận y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho biết.

Nhiều nước châu Âu hiện sử dụng "giấy thông hành" Covid-19 - bằng chứng về việc người dân đã tiêm chủng đầy đủ, hoặc từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh, hay có kết quả xét nghiệm âm tính - để vào các địa điểm như quán bar và nhà hàng.

Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng "giấy thông hành" có thể mang lại cảm giác an toàn "giả" vì những người được tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh, mặc dù khả năng tử vong hoặc mắc bệnh nặng của họ thấp hơn đáng kể so với những người không tiêm.

Các biện pháp chống dịch mới

Vòng xoáy phong tỏa trở lại tâm dịch châu Âu giữa bão Covid-19 - 2

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện Đại học Bucharest, Romania (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, các nước châu Âu vẫn đang nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch bệnh mới mà không cần tái áp đặt lệnh phong tỏa hoặc triển khai các biện pháp quá nghiêm ngặt. Một trong những giải pháp được đưa ra là tăng cường tỷ lệ tiêm chủng.

Chính phủ Hà Lan được cho là đang xem xét việc phong tỏa có giới hạn trong hai tuần, còn các nhà lập pháp Đức đang cân nhắc đạo luật mở đường cho các biện pháp hạn chế mới.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg tuần này cho biết việc phong tỏa đối với những người chưa được tiêm chủng "có lẽ không thể tránh khỏi", nhưng ông không muốn áp đặt biện pháp này đối với những người đã tiêm vaccine.

Áo đang chứng kiến một trong những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất ở Tây Âu, cùng với Đức, quốc gia đã báo cáo chuỗi ca nhiễm cao kỷ lục trong những ngày gần đây.

"Chúng tôi đang thực sự đối mặt với một tình huống khẩn cấp ngay lúc này", Christian Drosten, trưởng khoa virus học tại Bệnh viện Charite ở Berlin, cho biết.

Drosten cho biết Đức phải tăng tỷ lệ tiêm chủng lên 67% và triển khai nhanh chóng. Tuy vậy, các nhà chức trách Đức vẫn chần chừ đưa ra lệnh tiêm vaccine bắt buộc và vẫn muốn tránh áp thêm bất kỳ lệnh phong tỏa nào.

Hà Lan cũng đang ở trong tình trạng lưỡng lự tương tự. Quốc gia này hôm 11/11 đã công bố số ca mắc mới hàng ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch, trong khi các bệnh viện đang cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, các quan chức Hà Lan không muốn áp đặt các biện pháp chống dịch quá mạnh.

Tại Anh, nơi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ tháng 7 nhưng vẫn bùng phát một số đợt dịch, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước này "có thể sống chung với virus". Ông Johnson cho biết chính phủ Anh sẽ chỉ áp đặt các biện pháp hạn chế nếu hệ thống y tế chịu áp lực tới mức "không chịu đựng nổi".

Tây Ban Nha, một trong những quốc gia từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở châu Âu, là một ví dụ về cách kiểm soát đại dịch. Tây Ban Nha đã tiêm chủng cho 80% dân số và mặc dù không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, nhưng nhiều người vẫn tự giác thực hiện.

Trong khi các ca nhiễm tăng nhẹ gần đây, Rafael Bengoa, một trong những chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu của Tây Ban Nha, nói rằng với tỷ lệ tiêm chủng cao, "virus không thể thống trị chúng ta một lần nữa".

Một số quốc gia hy vọng việc đẩy mạnh hơn nữa chương trình tiêm chủng sẽ giúp họ kiểm soát dịch. Đức có kế hoạch mở lại các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc để tăng tốc độ tiêm chủng.

Pháp cũng đang đặt hy vọng vào liều vaccine tăng cường trong khi thúc giục những người chưa tiêm nên đi tiêm mũi đầu tiên. Italy cũng đang mở rộng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường khi số ca nhiễm tăng cao hơn.