1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt-Trung chỉ giải quyết song phương tranh chấp trên biển giữa hai nước

(Dân trí) - Ngày 20/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, với “Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Việt-Trung chỉ giải quyết song phương tranh chấp trên biển giữa hai nước - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị (Ảnh website Bộ Ngoại giao Việt Nam).
“Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc mới đây.

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 20/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết việc ký kết “Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bước tiến tích cực trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển.

 

Thỏa thuận đã xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, “để có thể tìm kiếm một giải pháp quá độ tạm thời hay giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đòi hỏi nỗ lực và thiện chí của cả hai bên, cần tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) như đã được nêu trong Thỏa thuận.”

Sau khi Thỏa thuận được ký, một số báo nước ngoài bình luận Thỏa thuận là một bước rút khỏi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ giải quyết song phương các tranh chấp ở Biển Đông, kể cả đối với những khu vực đang tranh chấp giữa nhiều bên. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Với Thỏa thuận nêu trên, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc; các tranh chấp liên quan đến các nước khác sẽ tiến hành hiệp thương với các nước đó để giải quyết (điểm 3 trong Tuyên bố).”

 

Người phát ngôn cũng cho biết cách giải quyết như trên “hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và quan điểm nhất quán của Việt Nam về cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, đó là: những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết song phương giữa hai nước liên quan; những tranh chấp liên quan đến nhiều nước sẽ được trao đổi, giải quyết giữa tất cả các nước có liên quan; những vấn đề có tính chất khu vực hoặc toàn cầu cần phải có cách tiếp cận giải quyết đa phương thích hợp.”

 

Do đó Người phát ngôn khẳng định “ý kiến cho rằng Thỏa thuận nêu trên là một bước rút khỏi DOC là không có cơ sở.”

 
Ông Lương Thanh Nghị cũng khẳng định, như các quốc gia ven biển khác, việc Việt Nam xây dựng bộ luật điều chỉnh các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng liên quan đến biển là việc cần thiết và bình thường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Phan Anh