1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - Việt Nam luôn nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao lập trường và tiếng nói chung trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, tránh để những quan điểm khác biệt ảnh hưởng đến không khí hợp tác cũng như kết quả của hội nghị, đồng thời kiên định bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc phỏng vấn về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các Hội nghị liên quan và sự tham gia của Đoàn Việt Nam vừa diễn ra tại Manila, Philippines, từ ngày 4-8/8.

- Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết trọng tâm và những kết quả nổi bật của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các Hội nghị liên quan?

- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Hội nghị lần này là sự kiện đặc biệt, không chỉ là một trong những hoạt động dài và quan trọng nhất trong năm của ASEAN mà còn có ý nghĩa rất lớn khi diễn ra đúng vào dịp ASEAN tổ chức Lễ kỷ niệm “vàng” tròn 50 năm thành lập (8/8/1967-8/8/2017).

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Về kinh tế, xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa có nhiều tác động bất lợi đến thương mại đa phương và các thỏa thuận, liên kết kinh tế ở khu vực.

Thứ trưởng Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng (ảnh: Bộ Ngoại giao)
Thứ trưởng Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng (ảnh: Bộ Ngoại giao)

Về chiến lược, cạnh tranh nước lớn gia tăng và điều chỉnh chính sách của một số nước đã tác động nhiều mặt tới hợp tác chung của khu vực cũng như ASEAN. Trong khi đó, các vấn đề về an ninh ngày càng bộc lộ gay gắt hơn như khủng bố, nhất là nguy cơ IS phát triển ở Đông Nam Á, các điểm nóng khu vực như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên.

Do đó, tại các Hội nghị lần này, ngoài việc điểm lại các thành tựu hợp tác và thảo luận định hướng tương lai, các Bộ trưởng cũng chia sẻ thẳng thắn, thực chất về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

- Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về những thành tựu đạt được tại Hội nghị?

- Thứ nhất, về hợp tác ASEAN, các Bộ trưởng đều khẳng định thành tựu lớn nhất của ASEAN nửa thế kỷ qua là duy trì được môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để thúc đẩy phát triển và liên kết khu vực.

Thứ hai, về hợp tác với các đối tác, năm 2017 là năm có nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN-EU, và 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ.

Tại các Hội nghị với đối tác, bên cạnh ghi nhận những kết quả quan trọng trong triển khai kế hoạch hành động giữa các bên, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận hoạch định đường hướng tương lai và đề xuất các các dự án hợp tác thực tiễn. Nhiều cam kết và sáng kiến quan trọng đã được các đối tác đưa ra, tiếp tục khẳng định vị thế và sức hút của ASEAN.

Thứ ba, về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên là hoạt động khủng bố và hai điểm nóng Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông; khẳng định tăng cường hợp tác và đối thoại cùng giải quyết các vấn đề của khu vực.

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực; đề cao các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xem đây bước khởi đầu tích cực để bắt đầu đàm phán một COC hiệu quả và thực chất.

Thứ tư, về văn kiện, ngoài Thông cáo chung AMM-50 văn kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN, các Bộ trưởng ASEAN đã ra hai Tuyên bố về tình hình Bán đảo Triều Tiên và Quần thể Al-haram Al-sharif, và cùng các đối tác thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU, Tuyên bố của Bộ trưởng ASEAN-Nga về chống khủng bố quốc tế, Tuyên bố Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác xử lý và chống ma túy, Tuyên bố ARF về chống đánh bắt cá trái phép...

Đặc biệt nhất, được sự đồng ý của Lãnh đạo Cấp cao, ASEAN đã nhất trí thông qua và công bố “Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN” vào đúng ngày kỷ niệm 8/8/2017.

- Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị đã có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các Hội nghị. Sự tham gia tích cực và có chất lượng của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị được đánh giá cao.

Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao lập trường và tiếng nói chung trong ASEAN, tránh để những quan điểm khác biệt ảnh hưởng đến không khí hợp tác cũng như kết quả của hội nghị, đồng thời kiên định bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Cùng với nhiều nước, ta nêu quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hoá; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Việt Nam kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý.

Nhìn tổng thể, những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị đã thể hiện sự chủ động, tích cực, trách nhiệm cũng như sự trưởng thành của ta trong hội nhập khu vực, nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong ASEAN và với các đối tác.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Châu Như Quỳnh (ghi)