1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Viễn cảnh nào cho châu Âu sau cuộc khủng hoảng Catalonia?

(Dân trí) - Phản ứng của châu Âu sau cuộc khủng hoảng Tây Ban Nha cho thấy nền kinh tế khu vực đang hồi phục nhưng đồng thời cũng bộc lộ những giới hạn của mô hình tổ chức hiện tại mà các nhà lãnh đạo EU cần chung tay thay đổi, chuyên gia kinh tế người Bỉ Daniel Gros nhận đinh.

Người Catalonia xây tháp người trong khuôn khổ cuộc biểu tình đòi độc lập (Ảnh: ABC News)
Người Catalonia xây tháp người trong khuôn khổ cuộc biểu tình đòi độc lập (Ảnh: ABC News)

Bốn tháng trước khi ông Emmanuel Macron, chính trị gia ủng hộ EU đắc cử Tổng thống Pháp có vẻ như cuối cùng thì liên minh này cũng có thể hy vọng về viễn cảnh ổn định. Tuy nhiên, giờ đây đó là điều quá xa xôi trên đường phố Barcelona, nơi mà các cuộc biểu tình ủng hộ Catalonia ly khai có quy mô ngang ngửa những cuộc tuần hành phản đối xứ này độc lập.

Khi xung đột nội bộ Tây Ban Nha leo thang, khủng hoảng ở châu Âu dường như nghiễm nhiên quay trở lại. Tuy vậy, phản ứng của châu Âu sau những gì xảy ra ở Catalonia cho thấy nền kinh tế EU đang có dấu hiệu khởi sắc nhưng đồng thời cũng bộc lộ những giới hạn của mô hình tổ chức hiện tại.

Tốc độ phục hồi của kinh tế EU có thể đo được qua cách mà thị trường tài chính khối này phản ứng với những tình hình căng thẳng leo thang ở Tây Ban Nha. Cần phải nói rằng, tình huống rối loạn tương tự đã xuất hiện vài năm trước. Khi đó chính phủ Tây Ban Nha buộc phải bán ra lượng lớn trái phiếu và thị trường chứng khoán nước này đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, hiện giờ tình hình vẫn trong tầm kiểm soát dù Madrid đang trải qua những bất ổn chính trị sâu sắc.

Sự tự tin này có cơ sở vững chắc. Toàn bộ khu vực đồng Euro (Eurozone) đang tăng trưởng với tốc độ đáng ghi nhận, dù không phải quá ngoạn mục. Kinh tế Tây Ban Nha còn tăng trưởng cao hơn mức trung bình, trong khi đó các khoản thanh toán nước ngoài ở mức thặng dư nhẹ.

Điều này có nghĩa là sự phục hồi của Tây Ban Nha ngày càng phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài thay vì việc tăng nhu cầu nội địa, như trường hợp bong bóng bất động sản ở nước này thời kỳ tiền khủng hoảng. Thêm vào đó sự tồn tại của khu vực đồng Euro có thể giúp giải quyết các khó khăn tài chính tạm thời mà các ngân hàng hay chính phủ trong khối phải đối mặt, và điều đó lý giải một cách rõ ràng nguyên nhân mà cuộc khủng khoảng ở Tây Ban Nha không vướng phải biến động tài chính nguy hiểm.

Những hạn chế trong mô hình tổ chức

Lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu tại Brussel, Bỉ tháng 6/2017. (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu tại Brussel, Bỉ tháng 6/2017. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khủng hoảng Catalonia cũng nhấn mạnh những hạn chế của mô hình hội nhập EU, bắt nguồn từ thực tế đây là Liên minh cuối cùng dựa trên cơ sở quốc gia. Khó mà nói mô hình này là liên chính phủ. Thay vào đó, sự hoạt động của nó là gián tiếp: hầu hết mọi quyết định mà EU thông qua và phán xử đều được thi hành bởi chính phủ các quốc gia và bộ máy của họ.

Sự khác biệt này thấy rõ nhất ở chính sách tiền tệ khi cơ chế đưa ra quyết định không phải là liên chính phủ. Bằng chứng là hoạt động của Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dựa trên cơ sở đa số phiếu.

Tuy nhiên, cơ chế thực hiện lại là gián tiếp: một khi quyết định đã được thông qua thì các ngân hàng trung ương quốc gia thành viên sẽ có trách nhiệm thực thi. Ví dụ, hoạt động mua trái phiếu lớn được ECB thực hiện trong những năm gần đây chủ yếu do các ngân hàng trung ương quốc gia quản lý, những ngân hàng này mua trái phiếu chính phủ của chính nước họ.

Toà án Tư pháp châu Âu ở Luxembourg cũng dựa vào cơ chế ra quyết định không phải là liên chính phủ. Tuy nhiên thẩm phán ở đây được các chính phủ thành viên đề cử, và quyết định được chuyển xuống cho tòa án và chính phủ từng nước chấp hành.

Khi so sánh với mô hình liên bang của Mỹ, những hạn chế của cách tiếp cận này lộ khá rõ. Cục dự trữ Liên bang cũng có cấu trúc khu vực, nhưng các ngân hàng dự trữ cấp quận (phạm vi vài tiểu bang) không lệ thuộc vào bất kỳ chính quyền bang hay cơ quan nhà nước nào khác. Tương tự như vậy, các thẩm phán của Tòa án Tối cao được cơ quan liên bang đề cử (do Tổng thống tiến cử và thượng viện thông qua), chứ không phải từ các chính phủ tiểu bang.

Do đó, EU chỉ có thể hoạt động tốt khi mỗi nước thành viên đều giữ được tình trạng ổn định. Nhưng rõ ràng là mô hình nay đang bộc lộ những hạn chế, khi đa số các nước đang xáo trộn do bất ổn và xung đột nội bộ.

Tại Hy Lạp, hệ thống hành chính và tư pháp yếu kém đang cản trở kinh tế phục hồi. Và ở Tây Ban Nha, hệ thống chính trị dường như bất lực khi giải quyết mâu thuẫn giữa chính quyền đòi ly khai Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

Ngay cả nước Đức, đầu tàu kinh tế khu vực cũng đang phải đối mặt với những thách thức chính trị nội bộ từ sự đi xuống của Đảng của thủ tướng Angela Merkel. Ở Italy, các cuộc thăm dò dư luận ​​cho thấy đa số cử tri ủng hộ các đảng theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.

Sự đồng lòng nhất trí những năm đầu hội nhập châu Âu đã trôi qua từ lâu. Nếu muốn tiến xa hơn nữa, các lãnh đạo châu Âu sẽ phải tìm ra một mô hình mới, đủ mạnh để vượt qua sự hờ hững sâu sắc của dân chúng.

Đỗ Anh

Theo Euro News