Video mô phỏng tai nạn tàu ngầm thảm khốc dưới Đại Tây Dương 4 năm trước
(Dân trí) - Tàu ngầm ARA San Juan của Argentina chở 44 người được tin là đã gặp phải vụ nổ lớn dẫn tới mất tích vào năm 2017 và không được tìm thấy cho tới tận 1 năm sau đó ở độ sâu hơn 900 m dưới Đại Tây Dương.
Được hạ thủy ngày 20/6/1983, ARA San Juan là một trong những tàu ngầm động cơ diesel nhanh nhất thế giới thời điểm đó. Sau lần đại tu từ năm 2008-2013, tàu ra khơi với 4 động cơ có hệ thống ắc quy mới. Ngoài các hoạt động quân sự, San Juan còn có nhiệm vụ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của Argentina, đặc biệt là chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Mất tích
Ngày 17/11/2017, hải quân Argentina thông báo rằng tàu San Juan đã không trả lời mọi liên lạc từ ngày 15/11, khi con tàu ở ngoài khơi vịnh San Jorge vào thời điểm đang trên đường quay về căn cứ sau một cuộc tập trận. Thủy thủ đoàn gồm 44 thành viên, trong đó có nữ sĩ quan tàu ngầm đầu tiên của Argentina, Eliana Krawczyk.
Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn được thực hiện dưới sự bảo trợ của Văn phòng Liên lạc cứu hộ và thoát hiểm tàu ngầm quốc tế (ISMERLO), một tổ chức gồm hơn 40 quốc gia được thành lập vào năm 2003 sau thảm họa tàu ngầm Kursk của Nga. Một Hiến chương quốc tế về kết nối dữ liệu vệ tinh trong trường hợp thảm họa và tai nạn cũng được kích hoạt, cho phép dò tìm dấu vết tàu bằng ảnh chụp có độ phân giải cao từ hàng chục vệ tinh của 17 cơ quan vũ trụ. Khu vực tìm kiếm có diện tích tới 482.507 km2, điều kiện thời tiết không tốt trong suốt thời gian tìm kiếm và cứu nạn, khiến nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Đại sứ Argentina tại Áo Rafael Grossi đề xuất sử dụng hệ thống thu âm dưới nước (hydrophone) quốc tế, vốn dùng cho việc giám sát Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân, để tìm kiếm tàu ngầm. Các hồ sơ được mở ra xem xét và người ta ghi nhận dấu hiệu rõ ràng về 1 thủy âm lớn bất thường dưới đáy biển trong khu vực tìm kiếm, trùng với thời điểm tàu San Juan mất liên lạc.
Đến ngày 24/11/2017, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tàu San Juan có sự tham gia của hơn 30 máy bay và tàu các loại từ Argentina, Anh, Brazil, Mỹ, Chile và nhiều quốc gia khác. Tổng cộng, hơn 4.000 nhân viên từ 13 quốc gia đã hỗ trợ tìm kiếm, rà soát một khu vực có diện tích tương đương Tây Ban Nha. Cuối cùng, ngày 30/11/2017 (tức 15 ngày sau khi San Juan mất tích), Hải quân Argentina tuyên bố kết thúc chiến dịch cứu hộ và chuyển sang tìm kiếm vị trí tàu ngầm dưới đáy biển.
Chiến dịch tìm kiếm đầy khó khăn
Việc xác định vị trí một tàu ngầm bị nạn hoặc bị chìm là cực kỳ khó khăn, thường phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tàu ngầm Minerve của Pháp mất tích năm 1968 nhưng phải đến năm 2019 mới được tìm thấy, dù chìm ở vùng biển gần đất liền. Kỷ lục là với tàu ngầm AE1 của Australia, người ta cần tới 103 năm để tìm ra vị trí chìm của nó.
Ngày 14/2/2018, chính phủ Argentina tuyên bố treo thưởng 98 triệu peso (tương đương 5 triệu USD) cho thông tin về vị trí của tàu San Juan. Đến tháng 9, công ty khảo sát đáy biển Ocean Infinity có trụ sở tại Mỹ thông báo nhận nhiệm vụ này.
Sử dụng thiết bị ngầm điều khiển từ xa (ROV) để quét kỹ đáy biển, Ocean Infinity tìm thấy xác tàu San Juan ở độ sâu 907 m trong một khu vực địa hình phức tạp với nhiều rãnh nứt và thung lũng dốc. Các bức ảnh cho thấy thân tàu bị xé nát, với các bộ phận nằm rải rác trên diện tích 8.000 m2. Dù được tìm thấy nhưng hiện chưa có nỗ lực trục vớt nào được tiến hành do Argentina thiếu phương tiện và kinh phí (ước tính tối thiểu là 1 tỷ USD).
Đi tìm nguyên nhân
Trước khi mất liên lạc, thuyền trưởng tàu San Juan đã thông báo cho trung tâm chỉ huy ở bờ về sự cố nước tràn qua hệ thống thông gió gây ra chập mạch điện. Báo cáo điều tra của Ủy ban lập pháp Argentina cho thấy vụ hỏa hoạn trong tàu là nghiêm trọng, và bác bỏ các giả thuyết như tàu chìm do bị tấn công hoặc đâm va.
Tin cuối cùng được gửi đi là thuyền trưởng báo sẽ cho lặn xuống độ sâu 40 m để đánh giá thiệt hại và kết nối lại hệ thống điện. Văn phòng tình báo hải quân Mỹ cho biết thủy âm thu được là từ vụ nổ lớn ở độ sâu 388 m, khi thân tàu không còn chịu được áp lực nước. Năng lượng vụ nổ tương đương 5.669 kg TNT, khiến thủy thủ đoàn tử vong ngay lập tức.
Ủy ban lập pháp Argentina kết luận nguyên nhân chính của tai nạn là sự yếu kém của các chỉ huy hải quân và hạn chế về ngân sách. "Việc không cập nhật công nghệ và thiếu hoạt động bảo trì tối thiểu dựa trên thời gian vận hành đã khiến tàu San Juan ngày càng xuống cấp", báo cáo cho biết.