Video cầu cao tốc Italy nổ tung thành tro bụi trong chớp mắt
(Dân trí) - Các chuyên gia đã cho nổ tung phần còn lại của cây cầu cao tốc Morandi tại thành phố Genoa (Italy), gần 1 năm sau khi vụ sập cầu kinh hoàng xảy ra tại đây khiến 43 người thiệt mạng.
Theo BBC, vụ đánh sập cây cầu Morandi diễn ra vào hôm nay 28/6. Trước đó, hàng trăm cư dân, gồm phụ nữ mang bầu và người già đã được thông báo sớm di tản. Tới sáng sớm hôm nay, hơn 3.400 cũng được sơ tán ra khỏi khu vực gần cầu để chuẩn bị tiến hành quá trình kéo sập. Đường xá trong bán kính 300 m xung quanh cây cầu cũng đã bị phong tỏa trước giờ phá cầu.
Sau đó, các chuyên gia đã đặt thuốc nổ xuống chân cầu và các phần còn lại của cầu chưa bị phá hủy sau vụ việc năm ngoái. Vài phút trước khi nút kích hoạt thuốc nổ được nhấn, còi báo động reo vang, và nước bắt đầu được xịt xung quanh ngăn bụi không bay ra không khí.
Chỉ sau 8 giây, phần còn lại của cây cầu đổ sập xuống.
Theo BBC, phần còn lại của cây cầu cao tốc gồm 4.500 tấn xi măng và thép. Trước khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng tháng 8 năm ngoái, cầu Morandi là một công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Genoa.
Vụ kéo sập cầu được truyền hình trực tiếp và có sự chứng kiến của 2 Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini và Luigi Di Maio.
Giới chức Italy thông báo rằng người dân sẽ được quay trở lại nơi sinh sống vào cuối ngày nếu khu vực được xác nhận là an toàn.
Vụ sập cầu kinh hoàng
Vụ sập cầu kinh hoàng diễn ra năm ngoái (Ảnh: Reuters)
Ngày 14/8/2018, một đoạn dài 200 m của cầu Morandi bất ngờ sập xuống khi dòng phương tiện đang qua lại đông đúc dưới khu vực gầm. Hàng chục ô tô đã bị rơi từ độ cao 45m và bị chôn vùi trong đống bê tông đổ nát.
Sự việc xảy ra đã khiến 43 người thiệt mạng, hơn 600 dân cư sống quanh khu vực đó phải di tản. Cảnh tượng cây cầu sau khi sập xuống được mô tả trông “như địa ngục”.
Hàng trăm lính cứu hỏa đã có mặt ở hiện trường với các dụng cụ nâng, và chó nghiệp vụ để tìm kiếm những người sống sót cũng như thi thể của người gặp nạn.
Theo BBC, có thông tin cho rằng phần thép của cây cầu xây dựng từ năm 1967 đã bị hư hỏng bởi không khí có muối thổi từ biển vào. Ngoài ra, do là công trình trọng điểm nên mỗi ngày cây cầu có khoảng 25 triệu phương tiện qua lại mỗi ngày. Cây cầu đã được cải tạo từ năm 2016.
Tháng 12 năm ngoái, kiến trúc sư Renzo Piano đã đồng ý xem xét việc xây một cây cầu thay thế và dự kiến nó sẽ là cây cầu đắt nhất châu Âu trong tương lai.
Đức Hoàng
Theo BBC