Đối thoại Mỹ-Trung:
Vì sao vấn đề Biển Đông và an ninh mạng “biến mất”
(Dân trí) - Trái với không khí trong buổi khai mạc và dự đoán của báo giới, cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6 tại Washington DC, các trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc đều hồ hởi khi kết thúc hội nghị với “kết quả vượt quá mong đợi”, 127 vấn đề được thông qua.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn rằng, vì sao vấn đề Biển Đông và an ninh mạng lại lặng lẽ “biến mất” khỏi văn kiện kết thúc hội nghị?
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung
Trung Quốc “cao tay”…
Hai nội dung Biển Đông và an ninh mạng, đã được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu bật và khá gắt gắt trong phiên khai mạc, nhưng Trung Quốc "hóa giải" được ngay trước thềm hội nghị bằng tuyên bố “tạm dừng bồi đắp các đảo ở Biển Đông” mà phía Mỹ và dư luận quốc tế đang quan ngại.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã “làm mẹo” khi tuyên bố dừng đắp đảo để đổi lấy sự “yên ổn” không chỉ trong cuộc đối thoại mà cho đến cả sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
Mặt khác, Trung Quốc cho rằng, giai đoạn “gặm nhấm Biển Đông” bước đầu có thể coi là tạm ổn, giờ đây cần khuếch chương “thành quả” để tập trung cho vấn đề “đại cục”, “dài hơi” hơn đang ở phía trước.
Theo giới quan sát, tầm ngắm chiến lược của chuyến thăm Mỹ vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình là vấn đề chính trị nội bộ nước Mỹ - khi các cuộc khẩu chiến quyết liệt của các ứng cử viên Tổng thống của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sắp diễn ra.
Vì thế, Trung Quốc cho rằng, Diễn đàn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ không phải là nơi để giải quyết các khác biệt, các tranh chấp, mà là nơi hai bên chủ yếu bày tỏ quan điểm của mình với mục tiêu tăng cường lòng tin, thu hẹp các bất đồng.
Bên cạnh đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải dồn sức để đối phó với hàng loạt các vấn đề đối nội, đối ngoại lớn hơn, nhất là trong bối cảnh tiềm lực quân sự và kinh nghiệm tác chiến trên biển của Trung Quốc còn cách xa Mỹ vài thập kỷ.
Trước đó, trong bài viết đăng tải trên Nhật báo phố Wall, ông Uông Dương đã tránh đề cập đến những vấn đề gai góc trong quan hệ Mỹ-Trung mà tập trung vào các chủ đề như biến đổi khí hậu và thương mại.
Vì thế, sách lược “gác lại tranh chấp”, “hướng về đại cục” – con bài cũ kỹ của Trung Quốc đã được phía Mỹ hưởng ứng. Cả hai bên đều biết rằng, các bất đồng, khác biệt hiện nay đều quá lớn không thể giải quyết trong một sớm một chiều, chi bằng “thừa nhận các bất đồng, khác biệt” trong bối cảnh hiện nay là thượng sách.
Hay lợi ích “cốt lõi” của nước Mỹ
Đối thoại Mỹ-Trung năm nay, nước chủ nhà Mỹ có 8 thành viên nội các, trong đó có Ngoại trưởng Kerry, Bộ trưởng tài chính Jack Lew và đông đảo quan chức cấp cao. Còn phía Trung Quốc có hơn 400 quan khách do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì dẫn đầu.
Hàng loạt vấn đề như: an ninh, kinh tế, chống biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân… được đặt trên bàn hội nghị. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của giới phân tích và dư luận bởi quy mô và tính chất “nặng ký” của nó trong hơn 90 kênh đối thoại thường niên của hai cường quốc này.
Kết thúc đối thoại, hai bên cam kết hợp tác để đem lại thành công cho Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ họp tại Paris vào tháng 12/2015. Chỉ tính riêng trong chủ đề chống biến đổi khí hậu và môi trường, hai nước đã đạt được gần 40 thỏa thuận.
Việc bảo vệ và bảo tồn các đại dương, trong đó có chống đánh bắt cá bất hợp pháp, mở rộng các lực lượng cưỡng chế trên biển, thiết lập khu bảo vệ biển ở Nam cực cũng được hai bên nhất trí với hàng chục thỏa thuận cụ thể.
Vấn đề củng cố an ninh y tế toàn cầu, trong đó có việc Trung Quốc giúp các nước Tây Phi xây dựng lại hệ thống y tế, đối phó chống lại các bệnh dịch truyền nhiễm cũng được thông qua.
Các vấn đề khác như: sự ổn định và thống nhất của Afghanistan; phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên; thỏa thuận khung giữa Iraq và nhóm P5+1; hợp tác chống khủng bố cũng được hai bên ủng hộ.
Tuy nhiên, chỉ còn hai nội dung được trông chờ nhiều nhất là căng thẳng trên Biển Đông và an ninh mạng lại...hoàn toàn “biến mất” trong Tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị.
Thay vì nhắc đến vấn đề Biển Đông, văn kiện cuối cùng của hội nghị lại nêu “vấn đề hợp tác dân sự ở các đại dương”, còn an ninh mạng thì Trung Quốc cho rằng: “chúng tôi cũng là nạn nhân”.
Theo giới quan sát khi kết thúc hội nghị, phái đoàn Mỹ cảm thấy “hài lòng” khi ít nhất các yêu cầu đòi phía Trung Quốc dừng hoạt động bồi đắp, cải tạo đã có kết quả và cần tiếp tục dùng các biện pháp, sức ép khác để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông cho rằng, hai nước có thể duy trì mối quan hệ song phương đi “đúng hướng”, chừng nào hai nước tôn trọng và thích ứng với những lợi ích “cốt lõi” của nhau. Đây là động thái làm giảm nhẹ căng thẳng giữa hai quốc gia.
Đây cũng là khía cạnh được báo giới Trung Quốc khai thác trước và sau khi cuộc đối thoại kết thúc rằng, bản chất mối quan hệ Mỹ-Trung có quá nhiều sự phụ thuộc lẫn nhau, do đó không thể để bất đồng che mờ hợp tác.
Giới phân tích và dư luận cho rằng, sự “che đậy” các khác biệt liên quan đến Biển Đông và an ninh mạng tại Diễn đàn lần này là do “mẹo” của Trung Quốc và lợi ích “cốt lõi” của Mỹ đã được Trung Quốc tạm thời “nhượng bộ”.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận không thể không nhớ lại câu nói nổi tiếng của Trung Quốc vào những năm 70 của thế kỷ trước: “ngươi không động đến ta thì ta cũng không động đến ngươi”./.
Nguyễn Nhâm