Vì sao Ukraine đưa quân vào lãnh thổ Nga ở thời điểm này?
(Dân trí) - Ukraine phải đối mặt với một cuộc chiến phòng thủ đầy thách thức ở tiền tuyến, nhưng đồng thời vẫn có thể hành động bất ngờ để gây sức ép với Nga.
Theo các nhà phân tích chiến tranh, trong khi chờ đợi để tích lũy đạn dược, nhân lực và nguồn lực để tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn và đúng thời điểm, Ukraine dường như đang thử nghiệm các cách để giành thế chủ động và tạo động lực.
Các chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), các tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột, cho rằng Ukraine có thể tập trung vào việc tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Nga trong khi tình hình chiến trường vẫn hầu như không thay đổi.
"Ukraine phải đối mặt với những thách thức to lớn hiện nay và trong những tháng tới. Các lực lượng Ukraine rất khó có thể phát động các cuộc phản công đáng kể vào năm 2024 và kéo dài đến năm 2025", chuyên gia Frederick Kagan của AEI và Kimberly Kagan của ISW nhận định.
"Khả năng thực hiện các cuộc phản công của họ vẫn phụ thuộc vào việc phương Tây cung cấp viện trợ an ninh một cách nhanh chóng và liên tục, cũng như dỡ bỏ các hạn chế trong việc sử dụng viện trợ", chuyên gia Kagans bình luận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế đó không có nghĩa là lực lượng Ukraine "chỉ cần lên kế hoạch phòng thủ trong tương lai, trong khi cố gắng tích lũy các nguồn lực cần thiết cho một cuộc phản công".
Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng Ukraine nên sử dụng giai đoạn này như "thời gian thử nghiệm", vì như vậy "sẽ ngày càng cho phép Ukraine thách thức lực lượng Nga để giành thế chủ động ở một số khu vực trên chiến trường, đồng thời tìm ra cơ hội cho các cuộc phản công quy mô lớn hơn trong tương lai khi điều kiện cho phép".
Kiev từng nhiều lần tìm cách "giáng đòn" bất ngờ vào lực lượng Nga trong khi xung đột đang diễn ra, bao gồm cuộc phản công vào vùng Kharkov, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa vào lãnh thổ Nga và tấn công lực lượng hải quân Nga ở Biển Đen, cùng nhiều hoạt động khác.
Gần đây nhất, Ukraine đã mở chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga, buộc Moscow phải điều lực lượng đáp trả. Đây được xem là cuộc tấn công quy mô lớn nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi năm 2022.
Một quan chức cấp cao của Ukraine đã tiết lộ với AFP lý do khiến nước này mở chiến dịch đột kích vào lãnh thổ Nga, gồm "kéo giãn lực lượng của đối phương, gây tổn thất tối đa và làm mất ổn định tình hình ở Nga vì họ không thể bảo vệ biên giới của chính mình".
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định về mục đích của Kiev khi tấn công vùng Kursk của Nga ở thời điểm hiện tại.
Kéo căng lực lượng Nga
Đồng tình với quan chức Ukraine, các chuyên gia cũng cho rằng Kiev đang tìm cách kéo căng nguồn lực của Nga dọc theo các tiền tuyến ở Ukraine.
"Nếu Nga đang di chuyển lực lượng dự bị từ phía nam, Ukraine cũng có thể giảm bớt áp lực trên tuyến đầu của họ", Matthew Ford, chuyên gia về chiến tranh và giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Sussex của Anh, nói.
Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Royal United Services có trụ sở tại London, cho biết một số binh lính Nga đã được điều động từ Ukraine, nhưng quy mô vẫn chưa rõ ràng.
Chuyên gia Savill cũng cho rằng, cuộc tấn công của Ukraine có thể liên quan đến các nỗ lực khác, có thể để đánh lạc hướng hoặc một cuộc chiến hỗ trợ. Ví dụ, cuộc tấn công của Ukraine có thể làm suy yếu các tuyến tiếp viện cho lực lượng Nga còn sót lại sau cuộc tấn công bất thành của Moscow vào Kharkov hồi đầu năm nay.
Thông điệp gửi phương Tây
Theo chuyên gia Ford, phương Tây có thể là đối tượng mà Ukraine muốn gửi thông điệp khi mở cuộc đột kích vào lãnh thổ Nga, trong bối cảnh một số nước phương Tây đang do dự trong việc viện trợ cho Kiev.
"Nhiều nhà phân tích đã nói hồi đầu năm về việc Nga sẽ có nhiều lợi thế", ông Ford cho biết.
Ukraine bắt đầu năm 2024 trong tình thế khó khăn. Mỹ, quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất của Kiev, đã trì hoãn trong nhiều tháng về việc gửi thêm viện trợ. Quốc hội Ukraine cũng do dự về việc huy động quân, dẫn đến việc có rất ít binh lính mới trên mặt trận.
"Vì vậy, cuộc đột kích này dường như là một động thái đáp trả đối với bất kỳ nhà phân tích phương Tây nào nói rằng "Nga sẽ giành chiến thắng"", chuyên gia Ford nói thêm.
Theo chuyên gia Savill, Kiev có thể gửi "một tín hiệu đến những nước ủng hộ họ trong cộng đồng quốc tế rằng Ukraine vẫn trong cuộc chiến, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Mỹ".
Patrick Bury, nhà phân tích quân sự tại Đại học Bath của Anh, nhận định cuộc đột kích của Ukraine diễn ra vào thời điểm Lầu Năm Góc hối thúc Kiev hành động thận trọng và cựu Tổng thống Donald Trump có khả năng tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
"Người khác có thể nghĩ rằng đây là rủi ro lớn với Ukraine. Nhưng Ukraine có thể đang nghĩ rằng: "Bây giờ chúng ta phải làm gì đó, nếu chúng ta bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán"", chuyên gia Bury bình luận.
Khích lệ tinh thần
Trong suốt năm qua, lực lượng Ukraine đã chống chọi với các cuộc tấn công liên tục của Nga dọc theo tiền tuyến dài 1.000km mà hầu như không có cơ hội tiến công.
Chuyên gia Savill cho biết cuộc đột kích mới vào lãnh thổ Nga có thể nhằm "thúc đẩy tinh thần của người Ukraine sau nhiều tháng phòng thủ".
Những đòn giáng đáng chú ý nhất của Ukraine trong năm nay, gồm các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí của Nga hoặc các cuộc tấn công bằng xuồng không người lái ở Biển Đen, đều diễn ra cách xa hàng trăm km so với giao tranh trên bộ.
Chuyên gia Ford cho biết, trong bối cảnh nỗ lực phòng thủ của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây, việc giành thế chủ động theo các điều kiện của riêng Kiev như cuộc đột kích lần này sẽ giúp nâng cao tinh thần của người Ukraine.
"Họ cần có cách để khiến mọi người thực sự cảm thấy rằng họ có thể kiểm soát được tương lai của chính mình, thay vì chỉ phụ thuộc vào bất cứ điều gì phương Tây muốn làm", chuyên gia Ford nói. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng mục tiêu của Ukraine "có thể dễ dàng thay đổi nếu họ phải hứng chịu những tổn thất đáng kể".
Quân bài thương lượng
Các chuyên gia dự đoán, Ukraine đã mở ra - dù là tạm thời - cơ hội để tạo đòn bẩy dưới cả hình thức nhân lực và lãnh thổ. Đây có thể là cơ hội để Ukraine bắt giữ binh lính Nga, từ đó tiến hành trao đổi tù binh, theo chuyên gia Savill.
Ngoài ra, nếu Ukraine cố thủ và kiểm soát một số khu vực trong lãnh thổ Nga, những khu vực này cũng có thể trở thành quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán sau này.
"Rủi ro cao, lợi thế cao. Ukraine có thể kiểm soát một số vùng lãnh thổ của Nga, rồi sử dụng làm đòn bẩy để cố gắng giành lại một số vùng lãnh thổ của mình nếu bị buộc phải đàm phán. Tôi nghĩ đó là mục tiêu chiến lược có khả năng xảy ra nhất", chuyên gia Bury nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ám chỉ rằng, cuộc đột kích của Ukraine nhằm củng cố thế mạnh của Kiev trong một cuộc đàm phán trong tương lai.
Thách thức lằn ranh đỏ
Theo các chuyên gia, cuộc đột kích của Ukraine cũng có thể là một phép thử về "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Rõ ràng là quyết định xâm nhập vào lãnh thổ Nga của Ukraine đã thành công trong việc thách thức hoàn toàn lằn ranh đỏ của ông Putin và nỗi sợ leo thang của phương Tây", biên tập viên Peter Dickinson của UkraineAlert viết trong một bài báo của Atlantic Council.
Tổng thống Putin từng cảnh báo Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có mối đe dọa đến sự tồn vong của đất nước.
Các chuyên gia cảnh báo, đòn đáp trả của Tổng thống Putin đối với cuộc đột kích của Ukraine sẽ không "dễ chịu".
"Đối thủ chắc chắn sẽ bị đáp trả thích đáng và Nga chắc chắn sẽ đạt được tất cả mục tiêu đang hướng tới", ông Putin tuyên bố trong cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao và tỉnh trưởng các vùng hôm 12/8.