1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ông Biden lần đầu lên tiếng về cuộc đột kích biên giới Nga của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, chiến dịch đột kích của Ukraine khiến Nga "tiến thoái lưỡng nan thực sự".

Ông Biden lần đầu lên tiếng về cuộc đột kích biên giới Nga của Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty).

"Tôi liên tục trao đổi, cập nhật thông tin từ nhân viên, có lẽ cứ 4-5 tiếng một lần trong vòng 6-8 ngày qua. Cuộc đột kích của Ukraine đang tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự cho Nga", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước phóng viên ngày 13/8.

Ông Biden cho biết thêm: "Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp và thường xuyên với giới chức Ukraine".

Ông không giải thích thêm về bình luận "Nga tiến thoái lưỡng nan", song dường như ngầm ý rằng hiện giờ Moscow phải cân nhắc giữa tiếp tục tiến công ở miền đông Ukraine hay rút bớt nguồn lực lui về giữ phòng tuyến Kursk.

Đây là bình luận đầu tiên của chủ nhân Nhà Trắng kể từ khi Ukraine mở cuộc đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga hôm 6/8.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Kiev đã giữ kín kế hoạch đột kích Kursk đến phút chót.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua cũng khẳng định, Mỹ không được báo trước về kế hoạch đột kích của Ukraine cũng như không liên quan đến chiến dịch này.

Hiện giờ, Washington vẫn đề nghị Kiev giải thích rõ ràng về mục tiêu thực sự của họ khi đột kích vào biên giới Nga.

"Chúng tôi đang liên lạc với những người đồng cấp Ukraine. Chúng tôi nỗ lực để hiểu rõ hơn về những gì họ đang làm, mục tiêu, chiến lược của họ là gì. Chúng tôi phải có những cuộc trò chuyện đó trước khi bàn luận những gì đang diễn ra", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cuối tuần qua cho biết.

Mặc dù vậy, Mỹ và các đồng minh phương Tây đều phát tín hiệu ủng hộ động thái của Kiev. Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, cuộc đột kích của Ukraine không vi phạm chính sách từ trước đến nay của Washington.

Rạng sáng 6/8, binh sĩ Ukraine đã đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga. Ukraine đã huy động hàng nghìn binh sĩ, trong đó có thành viên của lữ đoàn tinh nhuệ, cùng với máy bay không người lái do phương Tây viện trợ để thực hiện chiến dịch đột kích lớn nhất từ trước đến nay vào lãnh thổ Nga.

Hiện chưa rõ chi tiết những loại vũ khí Kiev sử dụng trong cuộc đột kích, song Moscow tuyên bố đã phá hủy hàng loạt xe bọc thép do phương Tây sản xuất.

Đầu năm nay, một số nước phương Tây đã lần lượt nới lỏng hạn chế với Ukraine. Theo đó, họ cho phép Kiev sử dụng những vũ khí viện trợ nhất định để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, nguồn tin của Telegraph cho hay, Anh chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow có tầm bắn 250-300km để tấn công mục tiêu bên trong nước Nga. Nói cách khác, Ukraine không được phép dùng loại tên lửa này cho cuộc đột kích hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cuộc đột kích của Ukraine là "hành động khiêu khích nghiêm trọng". Ông cảnh báo, Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Chủ nhân Điện Kremlin cũng từ chối đàm phán sau khi cáo buộc Ukraine tấn công vào các mục tiêu dân thường ở Nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: "Ukraine chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Đòn trả đũa của Nga sẽ gây ra những kết cục rất khác nhau cho những người liên quan đến cuộc đột kích này, bao gồm cả chính quyền Kiev".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine