1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao truyền thông Nhật Bản không được mời thị sát bãi thử hạt nhân Triều Tiên?

(Dân trí) - Triều Tiên sẽ mời phóng viên của các nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân, trừ Nhật Bản, tham gia thị sát quá trình đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này từ ngày 23-25/5 tới.


Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên (Ảnh: Yonhap)

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên (Ảnh: Yonhap)

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm qua cho biết, bãi thử hạt nhân Punggye-ri của nước này sẽ đóng cửa từ ngày 23-25/5 tới đây trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế. Hoạt động đóng cửa này bao gồm việc đánh sập các đường hầm bằng thuốc nổ và chặn lối ra vào các đường hầm. Tất cả cơ sở giám sát, tòa nhà nghiên cứu và trạm an ninh cũng sẽ được dỡ bỏ.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, Triều Tiên sẽ mời phóng viên của 6 nước, gồm 5 nước tham gia đàm phán sáu bên về hạt nhân và Anh, tham dự. Mặc dù Nhật Bản là bên tham gia đàm phán về hạt nhân nhưng truyền thông nước này không được mời thị sát quá trình dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Triều Tiên.

Nhận định về động thái này của Triều Tiên, phóng viên thường trú tại Tokyo của IHS Jane's Defence Weekly, ông Kosuke Takahashi, cho rằng: “Triều Tiên đang dùng các cuộc đối thoại của họ với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc để làm dao động quan điểm cứng rắn của Nhật Bản với Bình Nhưỡng. Và dường như Triều Tiên đang dùng chiến thuật chia rẽ để đạt được mục đích”.

Trong khi Nhật Bản kêu gọi quốc tế tiếp tục chiến lược gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng, Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản "cố ý trì hoãn hòa bình". "Nhật Bản đang tìm cách thổi phồng vấn đề bắt cóc con tin mà chúng tôi đã giải quyết xong từ lâu. Trong khi cả thế giới hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới nhằm hướng đến tương lai tươi sáng cho bán đảo Triều Tiên thì Nhật Bản đi ngược lại xu thế này", KCNA bình luận.

Minh Phương

Theo Korea Times