1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Trung Quốc “vỡ mộng” tham vọng đường sắt cao tốc?

(Dân trí) - Các tham vọng của Trung Quốc nhằm xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc ra nước ngoài không không hề thuận lợi như mong đợi, khi hàng loạt dự án tỷ "đô" bị trì hoãn ở nhiều nước, từ châu Á đến châu Mỹ.


(Ảnh minh họa: Simon Song/SCMP)

(Ảnh minh họa: Simon Song/SCMP)

Dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc - Thái Lan trị giá nhiều tỷ USD gần đây đã một lần nữa bị trì hoãn, lần này là do phải chờ một đánh giá về môi trường.

Đánh giá trên chỉ là một trong nhiều rào cản mà Trung Quốc gặp phải trong tham vọng bán công nghệ tàu cao tốc khắp thế giới và mở đường cho chiến lược Con đường tơ lụa mới của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu và xa hơn nữa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nỗ lực xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc của Trung Quốc ra nước ngoài không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Các quy định của nước sở tại

Kể từ khi các kế hoạch về tuyến tàu cao tốc giữa thành phố Côn Minh ở tây nam Trung Quốc và thủ đô Bangkok của Thái Lan được công bố vào năm 2014, dự án đã vấp phải nhiều lần trì hoãn liên quan tới các điều khoản cho vay, các quy định lao động, vấn đề tài chính, các quy định sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

Một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Indonesia, khi các quan chức giao thông nói rằng các vấn đề về giải phóng mặt bằng là một phần nguyên nhân khiến dự án đường sắt cao tốc nối Jakarta and Bandung bị ngưng trệ trong suốt 2 năm qua.

Chi phí cao

Trung Quốc có khả năng xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc với chi phí rẻ hơn các đối thủ tại Nhật Bản và Đức. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng các tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc có chi phí xây dựng từ 17-21 triệu USD/km, so với từ 25-39 triệu USD/km tại châu Âu.

Nhưng thậm chí giá mà Trung Quốc đưa ra có thể vẫn quá cao. Chi phí lớn có thể là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường sắt Trung Quốc - Thái Lan bị trì hoãn. Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra mức giá 16,09 tỷ USD (tương đương 560 tỷ baht), vượt xa ngân sách của Thái Lan. Sau các cuộc đàm phán về thiết kế và giá đất, chi phí của dự án được cắt giảm đi hơn 2/3, xuống còn khoảng 5,15 tỷ USD (tương đương 179 tỷ baht).

Chi phí tăng cũng gây ra các vấn đề cho Jakarta. Ngân sách dành cho tuyến đường sắt Bangdung đã tăng từ 5,2 tỷ USD lên 6 tỷ USD do một thay đổi về thiết kế, vốn liên quan tới việc mua một số khu vực đất tư nhân.

Các nguyên nhân về kinh tế và chính trị

Sau khi nội chiến nổ ra vào năm 2011, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc đã bị buộc phải bỏ dự án trị giá 3,55 tỷ USD tại Lybia nối thủ đô Tripoli với thành phố Sirte, quê nhà của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Và năm ngoái, các kế hoạch cho dự án đường sắt cao tốc dài 468 km tại Venezuela, từng được xem là dự án đầu tiên như vậy ở Nam Mỹ, cũng bị hủy do nền kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng. Nhà thầu Trung Quốc cho biết nguyên nhân là do thiếu vốn từ phía Venezuela.

Các lý do khác

Vào năm 2014, những lo ngại về sự minh bạch trong quá trình đấu thầu đã khiến Mexico đột ngột hủy hợp đồng trị giá 3,75 tỷ USD cho tuyến đường sắt giữa thành phố Mexico City với thành phố Queretaro ở miền trung, ngay sau khi dự án được trao cho một liên danh do Trung Quốc đứng đầu.

Hai năm sau đó, công ty tư nhân XpressWest của Mỹ đã hủy một hợp đồng với công ty China Railway International (CRI) của Trung Quốc nhằm xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc giữa Las Vegas và Los Angeles.

XpressWest đã viện dẫn “những khó khăn liên quan tới việc thực thi đúng hạn và các thách thức của CRI trong việc có được giấy phép cần thiết để thực hiện các hoạt động phát triển”.

Los Angeles Times đưa tin rằng thách thức lớn nhất được cho là một yêu cầu của chính phủ liên bang về việc các đoàn tàu cao tốc phải được chế tạo ở Mỹ mới có thể có được phê duyệt.

An Bình

Theo SCMP