1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Trung Quốc muốn lập căn cứ quân sự ở châu Phi?

(Dân trí) - Trung Quốc đang đàm phán xây dựng một căn cứ hải quân ở thành phố cảng chiến lược của Djibouti. Theo giới quan sát, động thái này là thông điệp mới nhất cho thấy cường quốc châu Á đã sẵn sàng cho thời điểm "trỗi dậy".

Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc (Ảnh:
Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc (Ảnh: Wiki)
 
"Nếu quá trình đàm phán thành công, căn cứ hải quân ở Djibouti sẽ đi vào lịch sử và là biểu tượng mới của Trung Quốc. Nó cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng trở nên năng động trước các vấn đề an ninh toàn cầu. Mọi thứ đã không còn như trước. Đó là khi Trung Quốc chỉ tập trung cho các vấn đề trong nước. Giờ khi lợi ích của họ trên toàn cầu đang tăng lên, việc xây dựng một căn cứ như thế là cần thiết", ông Alex Sullivan, chuyên gia phân tích về khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm New American Security, nhận định.

Tại Djibouti, quân đội Mỹ đang có căn cứ Lemonnier, nơi được coi là "đầu não" của các chiến dịch do Mỹ tiến hành ở châu Phi như chống khủng bố, bảo vệ các lợi ích hay hỗ trợ các hoạt động ở Yemenn, Somalia và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang đàm phán xây căn cứ hải quân, nhiều khả năng lần đầu tiên nước này và Mỹ sẽ có cùng căn cứ tại một quốc gia.

Theo một cựu sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ từng làm việc ở căn cứ Lemonnier, việc Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Djibouti không phải là một thông điệp "thách thức" gửi tới Mỹ, mà là vì vị trí chiến lược của quốc gia châu Phi này. Eo biển Bab al-Mandeb đi qua Djibouti và là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Eo biển này kết nối với bán đảo Ả-rập, biển Đỏ và có thể đi tới Địa Trung Hải.

"Nếu bạn muốn bảo vệ những khoản đầu tư, bạn cần có hải quân và một lực lượng hiện đại để thực hiện việc đó. Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại châu Phi nên họ cần một căn cứ tại đây. Tất nhiên, một căn cứ hải quân chưa phải là điều thách thức Mỹ song Washington cần phải quan ngại trước vấn đề này", cựu quan chức giấu tên nêu trên đánh giá vấn đề.

Hồi tháng 2/2014, Djibouti và Trung Quốc từng ký một thỏa thuận quân sự cho phép Hải quân Trung Quốc sử dụng cảng ở Djibouti. Đây là động thái đã chọc tức Mỹ, quốc gia từng cấp cho Djibouti nhiều khoản ngân sách lớn. Tuy nhiên, Tổng thống Ismail Omar Guelleh của Djibouti đã có các chính sách hướng sang Trung Quốc trong thời gian qua, coi Bắc Kinh là một đối tác kinh tế quan trọng.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đang nhắm tới việc đặt căn cứ hải quân tại thành phố cảng Obock. Đây là một địa điểm chiến lược khi thành phố này nằm ngay sát vịnh Tadjoura, cách không xa cảng chính của Djibouti, nơi luôn tập trung nhiều tàu chiến và tàu thương mại của Mỹ sử.

"Cuộc sơ tán công dân khỏi Libya hồi năm 2011 đã làm điểm tựa để Bắc Kinh tiến hành việc đàm phán xây dựng một căn cứ hải quân ở nước ngoài. Với căn cứ tại châu Phi, Trung Quốc có thể dễ dàng bảo vệ công dân tại Trung Đông hay châu Phi. Ngoài ra, họ còn có thể thực hiện các chiến dịch dài ngày như các chiến dịch chống cướp biển với "bộ chỉ huy" là căn cứ đặt tại Djibouti. Trước đây, các quốc gia châu Á thường có xu hướng hợp tác trong các lần thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc tế song Trung Quốc đang thể hiện rõ sức mạnh quân sự và tham vọng của họ bằng việc xây dựng căn cứ riêng", ông Alex Sullivan nhận xét.

Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có thể can thiệp để cản trở quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và Djibouti hay không, ông Sullivan cho rằng Washington nên coi đây là cơ hội để tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa quân đội hai nước. Ông đánh giá: "Sẽ có thêm nhiều cuộc đàm phán như thế trong tương lai, thời điểm Trung Quốc sẽ mở rộng khả năng tiếp cận cũng như tăng cường hiện diện ở nhiều nơi. Do vậy, tôi cho rằng Mỹ nên hoan nghênh cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Djibouti. Chúng ta không nên cô lập Trung Quốc. Chúng ta hãy thử để họ đảm nhận vai trò trong việc giải quyết và ổn định các vấn đề an ninh toàn cầu. Hãy chào đón họ".

Ngọc Anh
Theo Defense