1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao ông Kim Jong-un thường công du nước ngoài bằng tàu bọc thép?

Thanh Thành

(Dân trí) - Truyền thông quốc tế lâu nay vẫn luôn đặt câu hỏi vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn thích đi tàu hỏa bọc thép trong các chuyến công du nước ngoài, thay vì chọn đi máy bay.

Vì sao ông Kim Jong-un thường công du nước ngoài bằng tàu bọc thép? - 1

Ông Kim Jong-un rời toa tàu sau khi đến ga biên giới Khasan, vùng Primorsky Krai của Nga hồi tháng 4/2019 (Ảnh: AP).

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Nga ngày 12/9 để có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, ông Kim Jong-un có thể thảo luận với nhà lãnh đạo Nga về nhiều chủ đề.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Triều Tiên hôm nay đã gặp nhau tại sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Amur, Nga. Điện Kremlin đăng tải đoạn video cho thấy ông Putin đích thân ra chào đón Chủ tịch Triều Tiên ở bên ngoài cơ sở vũ trụ. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã vào tham quan bên trong công trình hiện đại của Nga. 

Đúng như dự đoán của truyền thông thế giới, ông Kim đã sử dụng phương thức đi lại truyền thống để tới Nga: tàu bọc thép sang trọng. Ông chọn cách di chuyển giống chuyến công du vào năm 2019 để tham gia Thượng đỉnh Mỹ - Triều, một chuyến đi kéo dài 20 giờ trên đoàn tàu bọc thép màu xanh lá cây và vàng, thay vì đi máy bay chỉ mất vài tiếng.

Theo các nguồn tin, việc ông Kim Jong-un chọn các chuyến tàu hỏa bọc thép trong các chuyến công du là vì lý do an ninh.

Theo báo chí Hàn Quốc, Triều Tiên có tổng cộng 90 toa xe đặc biệt và vận hành 3 chuyến tàu song song khi nhà lãnh đạo đi công du nước ngoài. Trong đó, một chuyến tàu đi trước để kiểm tra đường ray, một chuyến tàu chở nhà lãnh đạo và đoàn tùy tùng trực tiếp của ông, và một chuyến thứ ba đi sau để kiểm tra đường ray và các vấn đề khác.

Thiết bị liên lạc công nghệ cao và tivi màn hình phẳng cũng được lắp đặt bên trong toa tàu để nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể ra lệnh và nhận thông tin giao ban.

Để thể hiện tầm quan trọng mang tính biểu tượng của đoàn tàu, mô hình kích thước thật của một trong những toa tàu được trưng bày vĩnh viễn tại khu lăng mộ ở ngoại ô Bình Nhưỡng, nơi yên nghỉ của cố Chủ tịch Kim Jong-Il và cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Vì sao ông Kim Jong-un thường công du nước ngoài bằng tàu bọc thép? - 2

Ông Kim Jong-un (thứ hai bên trái) nói chuyện với Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Song Tao (thứ hai bên phải) trên chuyến tàu trên từ Trung Quốc về vào tháng 1/2019 (Ảnh: AP).

Thỉnh thoảng di chuyển bằng máy bay

Nhưng đôi khi, ông Kim Jong-un, từng theo học vài năm ở Thụy Sĩ, cũng di chuyển bằng máy bay trong các chuyến công du nước ngoài.

Trong chuyến đi đến thành phố Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc vào năm 2018 để gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un di chuyển bằng máy bay. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên công khai ra nước ngoài bằng đường hàng không kể từ sau chuyến bay của lãnh tụ Kim Nhật Thành đến Liên Xô năm 1986.

Chuyên cơ chở ông Kim Jong-un là phiên bản cải tiến của chiếc IL-62 do Liên Xô sản xuất. Triều Tiên gọi nó là "Chammae-1", được đặt tên theo loài chim mang biểu tượng quốc gia Goshawk (chim diều hâu rừng). Ngoài ra còn một chiếc Ilyushin khác sử dụng để chở hàng đi theo.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết, chuyên cơ có thể chở khoảng 200 người và tầm bay tối đa là khoảng 9.200 km nhưng nó được cho là chưa bao giờ bay xa đến thế.

Từ năm 2018-2019, tổng cộng ông Kim Jong-un đã 4 lần đến Trung Quốc để gặp ông Tập Cận Bình, 2 trong số đó đi bằng tàu hỏa và 2 lần trên chuyên cơ riêng. Vào tháng 6/2018, ông đã mượn một máy bay của Trung Quốc để di chuyển đến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore.

Kể từ khi đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 để đề phòng đại dịch Covid-19, ông Kim chưa gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào.

Chuyên gia Yang Moo-jin, Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc, cho biết chuyến đi thứ hai của ông Kim Jong-un đến Nga có thể báo hiệu sự khởi động lại chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng, và có thể tiếp theo là chuyến đi tới Trung Quốc để gặp ông Tập Cận Bình.

Theo AP