1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao ông Biden lệnh "xông vào hang cọp" trừ khử kẻ hủy diệt của IS?

Thành Đạt

(Dân trí) - Chiến dịch đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Syria đã mang lại chiến thắng an ninh cần thiết cho Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Vì sao ông Biden lệnh xông vào hang cọp trừ khử kẻ hủy diệt của IS? - 1

Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ theo dõi vụ đột kích từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng (Ảnh: AP).

Thủ lĩnh IS tại Syria Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi đã kích hoạt đai bom tự sát, khiến cả gia đình thiệt mạng khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích hôm 3/2. Cuộc đột kích diễn ra sau nhiều tháng lên kế hoạch và được Tổng thống Joe Biden cho phép vào đầu tuần này.

Biệt danh của al-Qurayshi là "Kẻ hủy diệt" và hắn nổi tiếng về sự tàn bạo. Hắn đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch thánh chiến vào năm 2014 nhằm giết hại và nô lệ hóa người Yazidi ở Iraq.

Ngoài việc giáng một đòn mạnh vào IS, cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm thuận lợi cho ông Biden trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đang vướng vào một cuộc tranh cãi chiến lược căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine.

John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, nhận định chiến dịch đột kích thành công đã thể hiện sức mạnh của Tổng thống Biden trước Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Đây là một chiến thắng rõ ràng. Nhiều người nên chú ý đến điều đó", ông Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói.

Uy tín của Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái sau 20 năm chiến tranh. Mặc dù người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, cũng ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan và đồng ý một thỏa thuận với Taliban, nhưng tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden vẫn giảm sau cuộc rút quân lộn xộn khỏi quốc gia Trung Á.

Ông David Gergen, cựu trợ lý cho nhiều đời tổng thống Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ, cho biết cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan đã ảnh hưởng đến hồ sơ chính sách đối ngoại của ông Biden. Do vậy, ông Gergen cho rằng Tổng thống Biden đang cố gắng trở nên cứng rắn hơn trong mắt người dân.

"Đây là phép thử đối với mức độ cứng rắn cũng như năng lực của ông Biden", ông Gergen nhận định.

Ông Bolton, một trong những người ủng hộ chính sách đối ngoại chính của chính quyền Bush trước đây, cho biết việc truy lùng và tiêu diệt thủ lĩnh IS al-Quraishi ở tây bắc Syria là "điều đúng đắn mà Mỹ cần phải làm".

Trong bối cảnh Mỹ đang phải đối đầu với Nga về việc đưa quân áp sát biên giới Ukraine và đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc - cũng như những thách thức trong nước bao gồm lạm phát gia tăng và phe đối lập không khoan nhượng trong Quốc hội - Tổng thống Biden đã đảm bảo một chiến thắng chính trị với việc triển khai thành công chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố ở Syria.

Theo các quan chức Mỹ, chiến dịch này đã loại bỏ một trong những thủ lĩnh khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới mà không gây thiệt hại cho dân thường.

Vì sao ông Biden lệnh xông vào hang cọp trừ khử kẻ hủy diệt của IS? - 2

Ngôi nhà ở Atmeh, Syria nơi thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, sống trên tầng 3 (Ảnh: AFP).

Sau khi Afghanistan rơi vào tay Taliban, những người chỉ trích Tổng thống Biden cho rằng việc ông rút quân khỏi nước này sẽ cản trở việc thu thập thông tin tình báo chống lại các mạng lưới khủng bố. Cuộc săn lùng al-Quraishi, người mà giới chức tình báo Mỹ đã đưa vào tầm ngắm từ năm ngoái, là bằng chứng cho thấy Mỹ vẫn có khả năng theo dõi và tiêu diệt các thủ lĩnh khủng bố ở Syria.

Việc tiêu diệt al-Quraishi đã giúp Tổng thống Biden, giống như những người tiền nhiệm của ông trong Phòng Bầu dục, "ghi điểm" vì loại bỏ một thủ lĩnh của nhóm chiến binh gây ra thương vong của nhiều dân thường ở Syria và Iraq, cũng như các cuộc tấn công khủng bố chết người trên khắp thế giới.

Mo Elleithee, giám đốc điều hành Viện Chính trị và Dịch vụ Công thuộc Đại học Georgetown, cho rằng cuộc đột kích thủ lĩnh IS tại Syria có thể giúp ông Biden phản bác một số chỉ trích của phe Cộng hòa.

"Khó có thể cáo buộc ai đó yếu đuối trong vấn đề chống khủng bố sau khi họ tiêu diệt được một trong những tên khủng bố khét tiếng hàng đầu thế giới. Ông Biden có khả năng mang lại những kết quả quan trọng về an ninh quốc gia, và tôi nghĩ mọi người cũng thấy ông ấy chịu trách nhiệm về vấn đề tội phạm", chuyên gia Elleithee cho biết.

Ở trong nước, Tổng thống Biden đang mắc kẹt trong các cuộc thăm dò dư luận kéo dài nhiều tháng, phản ánh sự thất vọng của người Mỹ đối với đại dịch Covid-19 và nền kinh tế bị lạm phát. Điều đó khiến đảng Dân chủ lo lắng trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Theo David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, mặc dù còn vài tháng nữa cuộc bầu cử giữa kỳ mới diễn ra và chính sách đối ngoại không phải là ưu tiên chính của cử tri Mỹ, nhưng màn thể hiện quyền lực của ông Biden trong cuộc đột kích tiêu diệt al-Quraishi và đối đầu với Tổng thống Putin có thể cải thiện hình ảnh của ông Biden trong mắt cử tri.

"Một trong những vấn đề hiện nay của ông Biden là thế giới dường như đang mất kiểm soát, thể hiện qua những sự kiện diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Người dân đang mong muốn ông Biden thể hiện năng lực lãnh đạo, vì vậy bất kỳ cơ hội nào để ông Biden làm được điều đó đều đáng giá, xét từ quan điểm chính trị. Các biểu hiện sức mạnh đều có giá trị", ông Axelrod nói.

Tuy vậy, thách thức đặt ra cho Tổng thống Biden vẫn chưa kết thúc. IS đã phát triển đến mức mà cái chết của một người, dù là thủ lĩnh cấp cao, cũng không thể được xem là mối đe dọa đối với tổ chức này.

Daniel Milton, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Chống Khủng bố West Point cho biết: "Tôi không nghĩ bất cứ ai nên ảo tưởng rằng việc loại bỏ hắn khỏi tổ chức là một đòn chí mạng đối với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chiến dịch này được kỳ vọng sẽ cản trở IS, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ loại bỏ mối đe dọa trong tương lai".

Theo www.straitstimes.com