1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Obama chọn Biden làm “phó tướng”?

(Dân trí) - Chọn Thượng nghị sỹ Biden làm “phó tướng”, Obama muốn khoả lấp điểm yếu về kinh nghiệm trên chính trường cũng như trong chính sách đối ngoại của mình, hơn là để tô đậm thêm lợi thế với tư cách là ứng cử viên của thế hệ mới, tạo ra thay đổi cho nước Mỹ.

Theo các nhà phân tích, Obama đã chọn một “chiến binh” kỳ cựu, một người trong cuộc thực sự, chứ không phải là một ứng cử viên ngoài Washington, như thống đốc bang Virginia hoặc bang Kansas; hay một người ở bên ngoài đảng Dân chủ, như Thượng nghị sỹ Chuck Hagel đại diện cho Nebrask; một người ngoài nhóm các nam ứng cử viên phó tổng thống da trắng. Thậm chí, bà Hillary Rodham Clinton còn không nằm trong danh sách cuối cùng của Obama.

 

Sự lựa chọn đó đã nói lên một điều giấu kín về Obama. Trên tất cả tự tin, Thượng nghị sỹ 47 tuổi bang Illinois vẫn lo ngại rằng ông không thể đánh bại được ứng cử viên đảng Cộng hoà John McCain nếu không có sự giúp đỡ của một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và sẵn sàng chiến đấu.

 

Biden, 65 tuổi, là người của Washington, một “chiến binh” kỳ cựu với 35 năm thâm niên trong Thượng viện đồng thời là chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện. Kinh nghiệm dày dạn của ông trong vấn đề an ninh quốc gia sẽ giúp “vá” lỗ hổng trong bản khai lý lịch khá mỏng của ông Obama. Các cuộc thăm dò dư luận cũng chỉ ra rằng đối thủ McCain bỏ xa ông Obama trong câu hỏi ai được chuẩn bị tốt hơn để trở thành Tổng tư lệnh quân đội Mỹ.

 

Bên cạnh đó, tính bộc trực, thẳng thắn, và “gốc gác” xuất thân từ tầng lớp lao động của Biden cũng được dự đoán là sẽ giúp Obama lôi kéo được các cử tri ở tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động trong cuộc chiến ở các bang như Ohio và Pennsylvania, những người vốn yêu mến bà Clinton hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ.

 

Là thành viên của Uỷ ban lập pháp Thượng viện (ông làm chủ tịch từ năm 1987-1995), Biden đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng luật chống tội phạm, đánh giá các ứng viên cho Toà án tối cao và các vấn đề lập pháp. Là nhà “tài trợ” chính cho dự luật chống tội phạm đã được thông qua vào năm 1994, Biden có thể giúp Obama “miễn dịch” với những lời chỉ trích của đảng Cộng hoà rằng ông non yếu trong vấn đề nhức nhối ở nước Mỹ: tội phạm.

 

Là một chuyên gia trong vấn đề an ninh quốc gia, thượng nghị sỹ Delaware năm 2002 đã bỏ phiếu cho phép can thiệp quân sự ở Iraq. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông cũng là nhân vật chỉ trích mạnh mẽ nhất cuộc chiến này.

 

Trong những tháng trước, vấn đề cuộc chiến ở Iraq đã bị thay thế bằng vấn đề kinh tế trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Nam Ossetia gần đây đã khiến vấn đề chính sách đối ngoại trở lại là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

 

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu kinh nghiệm thâm sâu của Biden sẽ đối chọi hay củng cố cho những “lỗ hổng” của Obama? Theo một số nhà phân tích, Biden có thể là bất cứ ai, ngoại trừ là một “sứ giả” mang đến sự thay đổi. Bởi ông bước chân vào chính trường lâu hơn cả thảy một nửa người Mỹ hiện vẫn còn sống, lâu hơn cả McCain.

 

Trong khi đó, ngay sau khi “phó tướng” của Obama “lộ diện”, cựu đối thủ Hillary Clinton lại cho rằng Biden là “một lãnh đạo kinh nghiệm, kiên định khác người và là một “nô bộc” tận tuỵ của công chúng”. Còn thượng nghị sỹ Harry Reid đánh giá tấm vé liên danh Obama-Biden sẽ tạo ra sự thay đổi cần thiết cho đất nước. Ngoài ra, Biden còn được người Dân chủ đánh giá là bước “hậu cần” tiếp theo trong chiến dịch tranh cử của Obama. Các chiến lược gia đảng Dân chủ, vốn đang khó chịu bởi các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy ứng cử viên McCain đã loại bỏ được vị trí dẫn đầu bấy lâu của ông Obama trong mùa hè này, cũng hoan nghênh việc lựa chọn Biden.

 

Phan Anh

Tổng hợp