Vì sao nhiều người chết vì Covid-19 có thể nằm ngoài thống kê chính thức?
(Dân trí) - Có những bệnh nhân tử vong vì virus corona nhưng cái chết của họ có thể không được đưa vào số liệu thống kê chính thức của chính quyền Vũ Hán.
Là công nhân nhà máy Vũ Hán về hưu, bà Wei Junlan vẫn luôn có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên là ho và sốt, người phụ nữ 63 tuổi đã qua đời vì chứng bệnh mà bác sĩ nghi là có liên quan tới virus corona chủng mới.
Tuy nhiên, cái chết của bà Wei hôm 21/1 không được đưa vào dữ liệu thống kê chính thức về dịch corona. Giấy chứng tử chỉ ghi nguyên nhân khiến bà qua đời là “viêm phổi nặng”.
Jerry Shang, cháu trai bà Wei, cho biết bà chưa được xét nghiệm xem có nhiễm virus corona chủng mới, hay còn gọi là COVID-19, hay không. Tuy nhiên, bác sĩ nói rằng các triệu chứng mà bà mắc phải, gồm nhiễm trùng phổi, sốt và ngày càng yếu đi rất giống với những triệu chứng của người nhiễm virus COVID-19.
Vào những ngày cuối đời, bà Wei không thể đi lại. Lần cuối cùng gia đình nhìn thấy bà là khi bà được đẩy vào phòng cấp cứu. Bác sĩ nói với gia đình rằng: “Đây là bệnh viêm phổi mà mọi người trên cả nước đều biết”.
Các bác sĩ địa phương đều biết về những trường hợp như bà Wei. Nhiều người Vũ Hán cũng phàn nàn rằng người thân trong gia đình họ không được xét nghiệm virus COVID-19 vì các bệnh viện tuyến đầu đều quá tải do số lượng bệnh nhân quá đông, trong khi trang thiết bị và dụng cụ xét nghiệm thiếu thốn.
Wei Peng, bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán, nói rằng các nhân viên y tế không được phép ghi virus COVID-19 là nguyên nhân tử vong khi bệnh nhân chưa được xác nhận nhiễm virus này. Thậm chí, các nhân viên y tế còn nhận được chỉ đạo cấm liệt bệnh viêm phổi là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong, thay vào đó họ chỉ được viết những chứng bệnh trước đó như tiểu đường hay suy tạng.
Bác sĩ Wei Peng cũng đề cập đến những trường hợp bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời, do vậy họ cũng không được liệt vào danh sách thống kê những người thiệt mạng vì COVID-19.
Bác sĩ Wei Peng lấy ví dụ về trường hợp của một người phụ nữ, khi bố cô này qua đời ở nhà vì cô không đủ sức đưa ông lên xe ô tô để chở tới bệnh viện, trong khi xe cứu thương quá tải đến mức không có thời gian tới nhà bệnh nhân.
“Những bệnh nhân như vậy chết tại nhà, không được chữa trị, và họ cũng không được tính vào dữ liệu chính thức thống kê số người người chết (vì COVID-19)”, bác sĩ Wei cho biết.
Một số bệnh nhân, như bà Wei Junlan, tử vong ngay cả khi còn chưa được xác nhận nguyên nhân chính xác dẫn tới cái chết của họ.
Số liệu thống kê chính thức bị bỏ sót?
Giới chức y tế Trung Quốc cũng thừa nhận rằng, con số nhiễm virus COVID-19 thực tế có thể còn cao hơn so với số liệu thống kê chính thức hiện nay.
"Tỷ lệ tử vong mà chúng tôi thống kê tại thời điểm này là các trường hợp đã được xác nhận nhiễm virus, còn có những ca có triệu chứng nhẹ hơn không nằm trong số liệu thống kê của chúng tôi", Jiao Yahui, quan chức tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo tuần trước.
Bà Wei Junlan chưa bao giờ tới chợ hải sản Huanan, nơi được cho là khởi phát dịch corona, nhưng bà sống cách đó chỉ 3 km. Shang, cháu trai của bà, nghi bà bị nhiễm bệnh từ hàng xóm.
Shang cũng nghi ngờ mức độ chính xác của số liệu thống kê chính thức về số người chết và nhiễm virus COVID-19.
“Khi họ công bố danh sách người chết, tôi liên tục kiểm tra tên của bà tôi, nhưng bà chưa bao giờ nằm trong danh sách đó. Sau đó, họ dừng luôn việc công bố tên cụ thể của những người đã chết”, Shang cho biết.
Do các kênh chính thức bị quá tải, các tình nguyện viên trên khắp Trung Quốc đã cùng nhau hỗ trợ xác minh và cập nhật thông tin y tế trực tuyến, đồng thời hỗ trợ những người đang có nhu cầu cần giúp đỡ.
Li Nian, một tình nguyện viên ở Bắc Kinh, cho biết những trường hợp như bà Wei Junlan rất phổ biến và thường cả gia đình đều bị nhiễm virus.
Một phụ nữ Li từng tìm cách giúp đỡ đã mất chồng hồi đầu tháng. Vào thời điểm đó, các thành viên còn lại trong gia đình cô cũng đổ bệnh.
Li cho biết người phụ nữ này gần như không có thời gian để lo tang lễ cho chồng. Nhà tang lễ đã điều xe tới để mang thi thể đi, nhưng Li vẫn không biết xử lý như thế nào với ga giường cũng như quần áo của chồng cô. Trong khi đó, cô vẫn phải tập trung tìm giường bệnh cho mẹ chồng.
Mặc dù người phụ nữ này và con trai bây giờ đã hồi phục, nhưng cô vẫn đang cấp tập tìm bệnh viện có giường trống cho mẹ chồng - người vẫn chưa được chẩn đoán mắc bệnh gì.
Trong khi đó, Xia Chengfang, một cư dân Vũ Hán, không thể nói lời từ biệt với ông của mình - người qua đời hôm 28/1.
“Bệnh viện gọi trực tiếp cho nhà tang lễ để hỏa táng thi thể, chúng tôi không thể gặp ông lần cuối. Mẹ tôi và chú tôi đến lấy quần áo của ông, lái xe ra xa và đốt chúng”, Xia cho biết.
Sau bà Wei qua đời, Jerry Shang cho biết cả gia đình không được phép tới gần thi thể bà hay tổ chức đám tang. Thay vào đó, bệnh viện thu thập thi thể các bệnh nhân và sắp xếp một nhà tang lễ để hỏa táng các bệnh nhân cùng nhau.
Các nhà tang lễ tại Vũ Hán hoạt động hết công suất kể từ khi dịch corona bùng phát. Một nhân viên tại Nhà tang lễ Wuchang gần đây tiết lộ rằng các nhân viên tại đây làm cả ngày lẫn đêm, và thường chỉ có vài phút để nghỉ giữa các ca.
Các gia đình có người chết bị cấm tổ chức tang lễ để ngăn dịch bệnh lây lan. Thay vào đó, các bệnh viện, hoặc gia đình có người chết, phải liên lạc với các nhà tang lễ để lo hậu sự. Khi trong nhà có người chết vì virus COVID-19, gia đình được yêu cầu khử trùng cả nhà trước khi thi thể được mang đi.
Thành Đạt
Theo SCMP