Vì sao Nhật Bản không đánh chặn tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ?
(Dân trí) - Tokyo có thể đánh chặn tên lửa mà Triều Tiên phóng qua lãnh thổ Nhật Bản hôm 4/10, nhưng giới quan sát cho rằng, Nhật Bản có tính toán chiến lược để không làm việc này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada ngày 4/10 cho biết, Triều Tiên vào cùng ngày được cho đã thử tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Tên lửa đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản khiến Tokyo phải báo động người dân đi trú ẩn và dừng hoạt động hệ thống tàu các khu vực phía bắc nước này.
Tên lửa rơi cách bờ biển Nhật Bản khoảng 3.200 km, ở khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
The Drive cho biết, Nhật Bản có đủ khả năng để đánh chặn Hwasong-12 nhưng đã không làm vậy là vì nhiều lý do.
Chuyên gia David Shank, đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định: "Theo tôi, không có lý do gì để bắn một tên lửa đạn đạo nếu biết chắc nó sẽ rơi xuống Thái Bình Dương".
Ông Shank cho biết, Nhật Bản có hệ thống radar trên không, trên biển và trên mặt đất và các cảm biến khác có thể nhanh chóng phát hiện một vụ phóng tên lửa, đồng thời xác định quỹ đạo và độ cao của vũ khí này.
Ông Shank nhận định, quỹ đạo và độ cao của một vụ phóng tên lửa đạn đạo có thể được nhận dạng "khá nhanh chóng, trong vòng 5 phút đầu tiên". Sau đó, các radar và cảm biến với sự hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo liên tục cập nhật và theo dõi trên đường đi của tên lửa.
Theo Bộ trưởng Hamada, vụ phóng ngày 4/10, bắt đầu từ 7h22 sáng (giờ Tokyo), và kéo dài trong 22 phút. Tên lửa Triều Tiên đã bay xa 4.600km, ở độ cao 1.000km. Nó bay qua tỉnh Aomori vào khoảng 7h28-7h29 trước khi rơi xuống Thái Bình Dương vào 7h44.
Ông Hamada giải thích rằng, Nhật Bản không kích hoạt hệ thống đánh chặn vì các radar của nước này nhận định, tên lửa Triều Tiên không có rủi ro rơi xuống Nhật Bản.
Theo ông Shank, ngoài lý do trên, Nhật Bản dường như còn có những tính toán khác. Đầu tiên, ông cho rằng, việc Nhật Bản bắn rơi tên lửa Triều Tiên có thể làm tình hình ở khu vực leo thang trong khi Tokyo biết là nó sẽ không rơi xuống lãnh thổ. Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua đã nóng lên khi Bình Nhưỡng thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa dồn dập, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận chung.
Thứ 2, ông Shank cho rằng, việc đánh chặn một tên lửa không gây ra mối đe dọa có thể khiến Nhật Bản và Mỹ "lộ bài" về chiến thuật phòng vệ tới các đối thủ, ví dụ như cách thức hệ thống cảnh báo sớm hoạt động, cơ chế kích hoạt tổ hợp phòng không.
Hơn nữa, việc đánh chặn một tên lửa không nguy hiểm ở khu vực đông dân cư hoặc có cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây ra rủi ro từ những mảnh vỡ tên lửa rơi xuống khi phòng thủ.
Tính toán của Triều Tiên
Sau vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản, hôm nay Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía đông. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 6 của Triều Tiên trong vòng 12 ngày trở lại đây và là vụ thứ 24 trong năm nay.
Theo giới quan sát, tần suất thử tên lửa của Triều Tiên được xem là dồn dập.
Washington Post nhận định, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có thể có nhiều mục đích, như nâng cao năng lực kỹ thuật quân sự, phát đi thông điệp chính trị, hoặc gợi nhắc về việc các cuộc đàm phán hạt nhân đã đình trệ trong 3 năm qua, hoặc nhằm phô diễn sức mạnh của chương trình tên lửa để răn đe đối thủ.
Trong vụ thử hôm 4/10, tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên từng là tâm điểm chú ý 5 năm trước. Vào thời điểm đó, khi Mỹ cảnh báo trút "lửa thịnh nộ", Triều Tiên đã đáp trả bằng cách dọa sẽ bắn Hwasong-12 vào đảo Guam - nơi Washington đặt căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương.
Vụ phóng này có thể phát đi thông điệp răn đe tới Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về năng lực của Triều Tiên. Thời gian qua, Bình Nhưỡng cáo buộc 3 nước trên có hành động khiêu khích khi tổ chức tập trận nhiều cuộc tập trận.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như muốn sử dụng kịch bản năm 2017 nhằm gây áp lực tới Mỹ trong bối cảnh Washington đang tập trung vào chiến sự Nga - Ukraine, cạnh tranh với Trung Quốc và cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Sau khi căng thẳng leo thang dồn dập năm 2017, Mỹ và Triều Tiên đã ngồi vào bàn đàm phán, trước khi các nỗ lực thương lượng đình trệ từ năm 2019 tới nay. Không có nhiều hy vọng một cuộc đàm phán tương tự sẽ diễn ra trong tương lai gần khi Triều Tiên đã tuyên bố rằng chính sách hạt nhân của nước này là không thể đảo ngược. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, động thái của Triều Tiên có thể là tính toán chiến lược nhằm nâng cao vị thế của họ trong kịch bản có một cuộc thương lượng khác diễn ra trong tương lai.