1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao người Nga yêu quý búp bê Matryoshka?

Búp bê Matryoshka từ lâu được xem là một biểu tượng văn hóa của nước Nga. Bất kỳ du khách nào trên thế giới khi đến Nga đều muốn mua về làm quà. Nhưng có khá nhiều câu chuyện xoay quanh búp bê Matryoshka, mà chỉ những người thực sự am tường mới hiểu.


Bộ búp bê hình ông già ở hàng dưới gồm 5 con có giá 22.000 rúp (khoảng 8 triệu đồng). Ảnh: N.P

Bộ búp bê hình ông già ở hàng dưới gồm 5 con có giá 22.000 rúp (khoảng 8 triệu đồng). Ảnh: N.P

Ban đầu chỉ có 1 con

Cùng với chó sói linh vật Zabivaka, búp bê Matryoshka là món quà lưu niệm đặc biệt đắt hàng trong kỳ World Cup 2018 này. Búp bê Matryoshka được bán ở nhiều nơi, từ ga tàu điện ngầm, sân bay, các quầy hàng lưu niệm tới khu vực Fan Fest. Các cửa hàng luôn tấp nập khách là CĐV các nước trên thế giới đến hỏi mua.

Tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm gần Quảng trường Đỏ, nữ nhân viên ở đây cho biết, Matryoshka tạo mẫu ban đầu là hình một phụ nữ nông dân Nga, mặc trang phục sarafan truyền thống. “Phụ nữ là biểu tượng cho sự thịnh vượng, sinh sôi. Búp bê Matryoshka thường gồm nhiều con ở trong, con bên ngoài là mẹ và phía trong là các con trai, con gái. Đó là biểu tượng của một gia đình hạnh phúc”-nhân viên này nói.

Do bất đồng ngôn ngữ và những hạn chế về tiếng Anh của người nói chuyện, tôi đã mang theo khá nhiều khúc mắc ở Moscow, qua hành trình tới Kazan và chỉ khi đặt chân tới Saint Petersburg mới thực sự nhận thêm giải đáp.

Tại một cửa hàng lưu niệm khá lớn trên đại lộ Nevsky Prospekt, một quản lý bán hàng, anh Lounis tỏ ra rất sành sỏi về búp bê Matryoshka. Lounis cho biết Matryoshka do một nghệ nhân Nga tạo nên từ mẫu hình tượng một nhà thông thái Nhật Bản. Câu chuyện Lounis kể cũng khớp với những thông tin tôi lượm lặt được trên internet, về nghệ nhân Sava Mamontov, người đã tạo nên Matryoshka và giới thiệu nó vào năm 1890.

Búp bê Matryoshka thường gồm một bộ nhiều con rỗng ruột, kích thước nhỏ dần được nhét lồng vào nhau, với số lượng thường là lẻ, từ 5-7-9-11. Bộ hoàn chỉnh đầu tiên gồm 8 con. Tuy nhiên khá ngạc nhiên khi Lounis cho biết, Matryoshka ban đầu có thể chỉ gồm 1 con, phía trong không có gì. Tạo mẫu quen thuộc của Matryoshka là một phụ nữ, nhưng về sau đã xuất hiện nhiều biến thể hơn, như ông già, các con vật, cậu bé…Tại cửa hàng của Lounis cũng bán một cô búp bê như vậy, theo mẫu một con lật đật.

-“Tại sao búp bê lại có tên là Matryoshka?”-tôi hỏi Lounis

Anh cho biết trong tiếng Nga, Matriona có nghĩa là “người mẹ” và cũng là “phụ nữ”, biểu tượng cho gia đình. “Với ý nghĩa như vậy nên người Nga chúng tôi cũng rất yêu quý Matryoshka. Thường gia đình nào cũng có”-anh Lounis nói. Biểu cảm trên khuôn mặt búp bê Matryoshka cũng rất khác nhau. Có “cô” vui vẻ, cô nghiêm nghị… nhưng đều rất phúc hậu.

Kỳ công

Du khách lần đầu tới Nga có thể ngợp bởi bạt ngàn búp bê Matryoshka với đủ màu sắc, kiểu dáng, to nhỏ khác nhau. Giá cả cũng dao động, có thể từ vài trăm rúp tới hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn rúp. Lounis cho biết kích thước búp bê Matryoshka là một yếu tố ảnh hưởng tới giá cả. Những con to có thể chứa được nhiều con nhỏ ở trong. Tuy nhiên, yếu tốt đặc biệt cần quan tâm khi mua một cô Matryoshka là chất liệu, kỹ thuật vẽ của nghệ nhân.

Matryoshka có thể được làm từ nhiều loại gỗ như gỗ cây bạch dương, chanh hoặc thông. Đối với những sản phẩm chất lượng cao, việc làm gỗ có thể mất tới 2 năm. Thời gian như vậy để đảm bảo gỗ không bị tác động bởi nhiệt độ, thời tiết. Sau công đoạn này, giá trị của con búp bê phụ thuộc và nghệ sĩ vẽ. “Anh có thể xem kỹ, những con búp bê đắt tiền, hình vẽ đều rất sắc nét, sinh động và tươi mới. Các hình vẽ đẹp tới từng chi tiết nhỏ và con trong cùng có thể đẹp như con ngoài cùng”-Lounis cho biết.

Lounis chỉ cho tôi một búp bê tạo hình ông già và nói: “Con này có giá 22.000 rúp (gần 8 triệu đồng). Anh sẽ thấy từ con bên ngoài đến con cuối cùng bên trong đều được vẽ đẹp và cầu kỳ như nhau. Những con bình thường, con bên trong có thể rất xấu”-Lounis nói. Tôi thử kiểm tra và đúng thật, bộ búp bê này gồm một người ông bên ngoài, ở trong là con gái, con trai, cháu gái… Hình vẽ nét, sống động và có thần thái.

Tôi đã đọc đâu đó trên internet về việc con búp bê cuối cùng của bộ Matryoshka vì sao thường xấu nhất. Việc này được giải thích Matryoshka cũng như con người, được ngụy trang bằng nhiều lớp vỏ bọc. Con trong cùng là trái tim, thể hiện con người thật. Nhưng với những cô búp bê tinh xảo ở cửa hàng của Lounis, thật khó để tìm thấy cô búp bê nào không đẹp một cách quyến rũ, từ con trong cùng tới con ngoài cùng. “Đó có thể là quan niệm của mỗi người, nhưng Matryoshka có nhiều loại. Anh có thể chọn cho mình con nào thích nhất”-Lounis cho biết.

Theo Lounis, mỗi nghệ nhân vẽ búp bê Matryoshka đều có sở trường riêng. Người chuyên vẽ hình phụ nữ, người vẽ hình hoa lá, chim muông… các nghệ nhân cũng thường có cửa hàng riêng, tự chế tác và bán. Cửa hàng của Lounis bán nhiều loại búp bê khác nhau, do nhiều nghệ nhân làm ra. Đến nước Nga mùa này, đừng quên mua cho mình một “cô” búp bê Matryoshka làm quà.

Theo Nguyên Phong

Tiền Phong