1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao nền kinh tế Iran đủ chống đỡ trước đòn trừng phạt của Mỹ?

(Dân trí) - Iran vẫn đang tìm cách thích nghi với các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng tăng nhiệt.

Vì sao nền kinh tế Iran đủ chống đỡ trước đòn trừng phạt của Mỹ? - 1

Một khu mua sắm tại Iran. (Ảnh: AFP)

Kể từ năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn với Iran. Đây là nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhằm chặn đứng nguồn tài chính của chính quyền Iran, buộc Tehran phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới.

Trong một bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng chiến lược “gây sức ép tối đa” của chính quyền Mỹ nhắm mục tiêu cắt giảm tới 80% nguồn thu từ dầu mỏ của Iran. Theo ông Pompeo, Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến Tehran mất khoảng 200 tỷ USD, trong đó 50% là doanh thu trực tiếp từ việc xuất khẩu dầu ra nước ngoài.

Tuy vậy, nền kinh tế Iran vẫn đủ chống đỡ.

“Tôi nghĩ dự báo về sự sụp đổ nhanh chóng của nền kinh tế Iran là quá lạc quan”, Djavad Salehi-Isfahani, giáo sư kinh tế tại Đại học Virginia Tech, chuyên nghiên cứu về kinh tế Iran, nhận định.

Theo Giáo sư Djavad, bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn của chính quyền Trump, hiện mọi người vẫn chưa hiểu hết về mức độ phức tạp của nền kinh tế Iran, cũng như việc Iran mạnh như thế nào và họ có kinh nghiệm ra sao trong việc thích ứng với các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt của Mỹ kể từ năm 2017 đã gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Iran.

“Tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát cao. Họ (Iran) cũng cạn kiệt ngoại hối. Nền kinh tế không còn ổn định”, Giáo sư Djavad cho biết.

Mặc dù vậy, theo ông Djavad, trong suốt hơn 4 thập niên qua, Iran đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt và đã học được cách trụ vững trước tác động của các lệnh trừng phạt. Theo đó, lần trừng phạt mới của Mỹ cũng không phải ngoại lệ.

Cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự đoán GDP của Iran đang trên đà sụt giảm gần 9% trong năm nay. Có thể so sánh con số này với thập niên 1970 và cuối thập niên 1980, thời điểm Mỹ áp lệnh trừng phạt với Iran sau khi người Mỹ bị bắt làm con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Khi đó, GDP bình quân đầu người của Iran giảm khoảng 50%.

WB và IMF dự đoán sự xuống dốc của nền kinh tế Iran dựa trên sự sụt giảm đáng kể về xuất khẩu dầu. Trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, Iran xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Theo Esfandyar Batmanghelidj, nhà sáng lập tổ chức Bourse and Bazaar chuyên theo dõi sự phát triển của nền kinh tế Iran, hiện nay, con số này chỉ nằm trong khoảng 300.000 đến 500.000 thùng/ngày, trong đó phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cách thích nghi của Iran

Vì sao nền kinh tế Iran đủ chống đỡ trước đòn trừng phạt của Mỹ? - 2

Một tuyến đường đông đúc tại Tehran. (Ảnh: AFP)

Chuyên gia Batmanghelidj lưu ý rằng Iran không chỉ có dầu mỏ.

“Nền kinh tế Iran là nền kinh tế rất đa dạng, và ngành sản xuất thực sự là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Hiện, sản xuất chiếm khoảng 1/5 tổng số việc làm tại Iran”, ông Batmanghelidj cho biết.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến các doanh nghiệp Iran gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hàng hóa cần thiết để chế tạo các sản phẩm. Iran cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài vì họ lo ngại rằng chính quyền Trump có thể sẽ áp lệnh trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ công ty nào làm ăn với Iran.

Tuy vậy, một số hãng sản xuất của Iran vẫn phát triển tốt nhờ vào các hệ thống thanh toán không chính thức, vốn không phụ thuộc vào các ngân hàng để nhận hay chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra, một số hàng hóa của Iran cũng không bị áp lệnh trừng phạt thứ cấp.

“Đó là những hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm hay sản phẩm tiêu dùng, gồm các sản phẩm gia dụng”, ông Batmanghelidj cho biết thêm.

Ngoài ra, theo Suzanne Maloney, chuyên gia về Iran tại Viện Brookings, Iran cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác khu vực. Nhờ các mối quan hệ này, Iran có thể trao đổi hoặc sử dụng các hình thức dàn xếp khác để duy trì một số hoạt động kinh tế nhất định.

“Iran thực sự cần có các ngành công nghiệp thay thế để dựa vào cũng như năng lực nội tại đáng kể, cùng với đó là khả năng cân bằng các mối quan hệ của họ với một số quốc gia láng giềng để chật vật thoát khỏi sự kìm kẹp về kinh tế. Những nước như Iraq, Afghanistan, một số nước cộng hòa Trung Á, Syria và một số nước khác trong khu vực, Iran đều có tầm với vượt ra khỏi sự kiểm soát của Bộ Tài chính Mỹ”, bà Suzanne cho biết.

Việc thiếu hụt các sảm phẩm nhập khẩu giúp thúc đẩy sản xuất nội địa của Iran. Điều này giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người Iran.

Tuy vậy, rất khó để có thể tính toán mức độ kiên nhẫn của người dân Iran. 40 năm trước, Iran sẵn sàng đương đầu với những khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra. Còn bây giờ, họ đang biểu tình trên đường phố.

“Những những gì chúng ta đã thấy trong những tháng gần đây, sự kiên nhẫn đó không còn nữa. Làm thế nào để chính phủ có thể duy trì trật tự xã hội khi phải đối mặt với sự sụt giảm 10-20% về tiêu chuẩn sống, tôi cũng không biết điều này”, chuyên gia Suzanne nói.

Thành Đạt

Theo NPR