1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông?

Ngày 7-11, Hãng AFP và AP dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, theo đó Washington quan ngại sâu sắc trước nguy cơ các nỗ lực bồi đắp đất đá trái phép ở Biển Đông của Bắc Kinh có thể châm ngòi cho xung đột trong khu vực.

Ông Ashton Carter cũng bày tỏ lo ngại về viễn cảnh quân sự hóa tiếp tục diễn ra, cũng như khả năng các hoạt động này sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai hoặc xảy ra xung đột giữa các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, cho dù không đưa ra thời điểm của kế hoạch tuần tra mới.

Tiếp tục tuần tra

Trước đó (5-11), ông Ashton Carter đã thăm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đang hoạt động trên Biển Đông. Theo ông Ashton Carter, một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và nuôi tham vọng lớn đồng nghĩa với việc Mỹ phải đưa ra chiến lược và hoạt động mới để thích ứng với tình hình. “Cách hành xử của Trung Quốc sẽ là thử thách về tính chân thật của những cam kết của họ về hòa bình và an ninh”, ông Ashton Carter nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Ashton Carter, Trung Quốc nên trở thành thành viên của hệ thống an ninh châu Á thay vì đứng ngoài và từng tuyên bố thẳng với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn rằng, Mỹ sẽ triển khai tàu và máy bay đến bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép.

Vì sao Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông? - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter

Tờ The Washington Free Beacon (Mỹ) cho biết, một tàu ngầm Trung Quốc chưa rõ loại gì đã bám đuôi USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ khi tàu sân bay này đang hoạt động trong vùng biển quốc tế gần Nhật Bản hôm 24-10, 3 ngày trước khi tàu USS Lassen tuần tra Biển Đông.

Theo ông Đỗ Bình, nhà bình luận thời sự có tên tuổi của Đài Truyền hình Phượng Hoàng, Hongkong tin rằng, hoạt động tuần tra của tàu USS Lassen xung quanh bãi đá Xu Bi không khiến Bắc Kinh ngừng các hoạt động xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa. Và việc điều tàu USS Lassen tuần tra Biển Đông chỉ là động thái nhằm trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Philippines.

Đỗ Bình còn tuyên bố, 2 năm qua Trung Quốc đã biến các rạn san hô, bãi cạn thành các đảo nổi nhân tạo và pháo đài quân sự ở Trường Sa trong khi Mỹ không thể tìm ra cách nào ngăn chặn hiệu quả.

Ngày 5-11, tờ The Huffington Post đưa tin, căng thẳng Mỹ - Nga đang không ngừng trầm trọng thêm, nhưng trong tương lai gần, vấn đề địa - chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt sẽ là Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh đang triển khai một chiến lược toàn diện, với mưu đồ đập tan sức mạnh siêu cường của Mỹ.

Giới chuyên môn cho rằng, chỉ cần Washingtion tiếp tục phát triển đồng minh trong khu vực, Trung Quốc sẽ không thoát khỏi Mỹ. Và nếu xảy ra xung đột chính diện với Mỹ, Bắc Kinh không có cơ thắng bởi đa số cuộc chiến sẽ xảy ra ở duyên hải Trung Quốc.

Nhiều người nhận định, trong 15 năm qua, Trung Quốc xây dựng toàn diện kho vũ khí khổng lồ không phải không có tác dụng bởi Bắc Kim đang tìm cách ép buộc Washington phải nhượng bộ và muốn thay đổi các quy tắc quốc tế nhờ vào “cơ bắp” của mình.

Phá hoại cấp chiến lược

Ngày 7-11, tờ Sputnik của Nga cho biết, Trung Quốc đã triển khai máy bay do thám và hệ thống radar đến các khu vực biên giới, như Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, Quảng Đông, Hắc Long Giang và nhiều khu vực khác. Theo Sputnik, ngoài việc triển khai hệ thống giám sát biên giới trên đất liền, Trung Quốc có ý định triển khai hệ thống radar quét biển tới khu vực ven biển trong tương lai.

Trong khi đó tờ Economic Times cho rằng, Trung Quốc đang triển khai ở khu vực biên giới, đặc biệt ở biên giới phía tây tiếp giáp với Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan hệ thống radar hiện đại và máy bay do thám không người lái. Việc này giúp Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ khu vực biên giới và xử lý nhanh chóng những vấn đề phát sinh ở khu vực được cho là nhạy cảm.

Theo nhận định của Giáo sư Christopher Roberts, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc phòng trực thuộc Đại học New South Wales, Australia, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo là sự phá hoại, đặc biệt là ở cấp độ chiến lược, đối với hòa bình và ổn định. Và việc xây dựng đường băng sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh quân sự hóa các đảo, cũng như khả năng thiết lập ADIZ tại Biển Đông.

Vì sao Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông? - 2

Biên đội tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ

Giới chuyên môn cho rằng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 3 không ra tuyên bố chung còn hơn là có mà né tránh vấn đề Biển Đông. Theo Hãng Reuters, ADMM+ không thể ra được tuyên bố chung do bất đồng sâu sắc trong vấn đề Biển Đông. Điều này phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN xung quanh vấn đề Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa.

Được biết, từ tháng 2, Bắc Kinh đã tìm mọi cách gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình ADMM và ADMM+. Theo một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, Trung Quốc đã vận động hành lang một số nước ASEAN phản đối bất kỳ dự thảo tuyên bố chung nào bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đổ lỗi cho “một số nước ngoài Đông Nam Á”, ám chỉ Nhật Bản và Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc ADMM, ADMM+ không thể ra được tuyên bố chung.

Ngày 4-11, tờ The New York Times khuyến cáo, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải tự quyết định chống lại sự bành trướng của Trung Quốc hoặc chấp nhận để Bắc Kinh biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Cũng trong ngày 4-11, tờ Thời báo Tài chính (Anh) cho rằng, tình trạng đối đầu ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã tác động đáng kể tới kết quả của ADMM+ lần thứ 3 ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa khu vực bằng kế hoạch cải tạo và mở rộng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, thì Trung Quốc cho rằng, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ đe dọa bất ổn khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng cảnh báo rằng, những toan tính về địa - chính trị của các cường quốc có nguy cơ đẩy căng thẳng khu vực leo thang.

Liên tiếp tập trận

Ngày 7-11, tờ The Australian cho rằng, mấy năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển căn cứ tàu ngầm hạt nhân từ phía bắc nước này tới đảo Hải Nam trên Biển Đông. Mỹ dự đoán, Trung Quốc sẽ điều tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra Biển Đông vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016. Và nếu Trung Quốc điều tàu ngầm hạt nhân tuần tra Biển Đông thì đây sẽ là thách thức lớn đối với Mỹ. Bởi Mỹ từng cảnh báo hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.

Ngày 27-10, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra “khu vực 12 hải lý” xung quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo nhận định của chuyên gia Malcolm Cook đến từ Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nếu Trung Quốc điều đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra ở Biển Đông sẽ biến vùng biển này thành đấu trường lớn giữa Washington và Bắc Kinh. Đồng thời cho rằng, những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa có thể giúp bảo vệ đội tàu ngầm này.

Giới chuyên môn đặt câu hỏi trước việc báo chí Trung Quốc xuất hiện nhiều thông tin “nửa kín nửa hở” về các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc được tổ chức liên tiếp ở Biển Đông.

Ví dụ một chi đội tàu khu trục thuộc Hạm đội Nam Hải đã triển khai diễn tập đối kháng thực binh, bắn đạn thật cường độ cao trong nhiều ngày ở Biển Đông, hay một số tàu khu trục - hộ vệ cũng của Hạm đội Nam Hải đã tổ chức diễn tập và bắn vài quả tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Ngoài ra còn tấn công biên đội trên biển của địch, săn ngầm liên hợp giữa tàu chiến và máy bay, phòng không - phòng thủ tên lửa liên hợp…

Ngày 1-11, tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore dẫn báo chí Trung Quốc cho biết, một chi đội tàu khu trục Trung Quốc đến Biển Đông diễn tập bắn đạn thật. Toàn bộ cuộc diễn tập này sử dụng đạn thật và diễn ra cả ngày lẫn đêm. Ngày 3-11, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh cải tổ quân đội để đạt mục tiêu cải tổ đã đề ra tới năm 2020.

Ngày 2-11, tờ South China Morning Post cho biết, Hải quân Trung Quốc vừa công bố trên trang web chính thức hình ảnh một chiến đấu cơ J-11BH mang theo tên lửa đáp xuống một đường băng trên Biển Đông. Đồng thời khẳng định, các chiến đấu cơ thuộc Hạm đội Nam hải, còn đợt huấn luyện được thực hiện từ một đường băng trên Biển Đông, nhưng không tiết lộ tên của đường băng này ở đảo nào.

Giới chuyên gia coi cuộc diễn tập kể trên là phản ứng mới nhất của Bắc Kinh nhằm đáp trả việc tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ đi vào “khu vực 12 hải lý”. Được biết, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức cho máy bay chiến đấu J-11 lắp đầy đủ đạn dược tiến hành huấn luyện các khoa mục sát chiến đấu thực tế.

Mặc dù là đồng minh của Mỹ và tuyên bố ủng hộ việc tuần tra của tàu USS Lassen, nhưng ngày 2-11, Hải quân Hoàng gia Australia vẫn tập trận với Trung Quốc tại một địa điểm ở Biển Đông và Bắc Kinh có thể lợi dụng việc này để tuyên truyền. Bởi cho đến nay Australia là quốc gia phương Tây duy nhất tiến hành tập trận bắn đạn thật cùng Trung Quốc. Do đó, Tư lệnh Quân đội Australia, Tướng Không quân Mark Binskin đã tìm cách xoa dịu mối quan ngại về cuộc tập trận chung với Trung Quốc. Trước đó, tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành Type 054A thuộc Hạm đội Nam Hải và tàu hộ vệ tên lửa Vendemiaire của Hải quân Pháp đã tổ chức diễn tập liên hợp tại Biển Đông.

Theo Hồng Thất Công

PetroTimes

Vì sao Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông? - 3