1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Mỹ cần phê chuẩn UNCLOS?

(Dân trí) - “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hết sức quan trọng với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. Đây là lời khẳng định của Nghị sỹ Hank Johnson, thành viên của Ủy ban Quân lực và Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ.


Tàu USS Lassen của Mỹ hoạt động tại Biển Đông. (Ảnh: AP)

Tàu USS Lassen của Mỹ hoạt động tại Biển Đông. (Ảnh: AP)

Trong bài viết đăng tải trên trang mạng The Diplomat mới đây, Nghị sỹ Hank Johnson đã trình bày quan điểm của ông về việc tại sao Mỹ cần phê chuẩn UNCLOS. Năm 1982, UNCLOS được thông qua. Có 162 quốc gia thành viên tham gia, trong đó cả Trung Quốc và Nga. Nội dung Công ước điều chỉnh các hoạt động tại các đại dương trên thế giới, nhưng Mỹ chưa ký tham gia công ước này.

Theo nghị sỹ Hank Johnson, trong thời điểm các chính sách đối ngoại và những nỗ lực bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ đang được triển khai nhằm phục vụ cho chiến lược “xoay trục sang châu Á”, các quốc gia, vấn đề ngoại giao và chính trị tại khu vực Thái Bình Dương đã được đưa ra thảo luận nhiều trong thời gian qua. Do vậy, việc Thượng viện Mỹ tiến hành phê chuẩn UNCLOS sẽ đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tập trung của Washington cho khu vực Thái Bình Dương.

Nghị sỹ Johnson cũng cho rằng UNCLOS hết sức quan trọng với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như các lợi ích về kinh tế và chính trị của nước này tại châu Á. Ông cho rằng UNCLOS sẽ giúp Mỹ tăng cường tính pháp lý trong các quy định của luật pháp, đặc biệt tại các khu vực có tranh chấp. Như lời cựu Tư lệnh lực lượng phòng vệ bở biển của Mỹ, Đô đốc Robert Papp nhấn mạnh: “Tính hợp pháp của chúng ta là một nhà nước có chủ quyền và vị thế cường quốc dựa vào quy định của luật pháp”.

Từ góc nhìn quy định của luật pháp, phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp Mỹ khẳng định vị thế là một quốc gia, nơi coi trọng, tôn trọng và duy trì các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế. UNCLOS sẽ tái khẳng định quan điểm rằng “lực lượng vũ trang không phải công cụ duy nhất để bảo đảm an ninh quốc gia”. Bên cạnh đó, UNCLOS sẽ mở ra khả năng cho phép Mỹ ngồi chung bàn đàm phán với các đồng minh cũng như với những bên mà Mỹ chưa tìm được sự đồng thuận. UNCLOS mang tới một cơ chế giải quyết bất đồng giữa những quốc gia mà không đe dọa tới chủ quyền của những nước này.

Quan trọng hơn, phê chuẩn UNCLOS sẽ thúc đẩy tính hợp pháp trong các hành động của Mỹ liên quan tới những vấn đề hàng hải quốc tế, xa hơn những gì mà các lực lượng của quân đội Mỹ có thể hướng tới. Hải quân Mỹ và các đối tác thương mại của Mỹ từ lâu đã tôn trọng tinh thần và cơ chế hợp tác của UNCLOS, trong khi bày tỏ hy vọng các cường quốc biển khác cũng thực hiện điều tương tự. Ngoài ra, phê chuẩn UNCLOS cũng cho phép Mỹ có được vị thế mạnh mẽ hơn khi tiến hành thảo luận và đàm phán về các quyết định quan trọng liên quan đến những vấn đề hàng hải, ví dụ như tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay.

UNCLOS cũng cho phép Mỹ bảo vệ các lợi ích, không chỉ dừng lại ở hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải. Công ước này giúp giới kinh doanh Mỹ mở ra cơ hội đầu tư vào những tuyến đường biển thương mại ở Bắc Cực, hay trong lĩnh vực viễn thông và khai thác.

UNCLOS cũng sẽ mở rộng lợi ích của Mỹ tại các vùng biển và thềm lục địa, vượt qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Giới kinh doanh Mỹ có thể phát triển và đầu tư và các nguồn tài nguyên biển dựa trên Thềm lục địa ngoại biên và khai thác các khu vực trên Bắc Cực dựa vào tính pháp lý và vững chắc của luật pháp.

Ngọc Anh

Theo Diplomat