1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao giới trẻ Hàn "cắt" thẻ tín dụng, ưu tiên dùng tiền mặt?

Thanh Thành

(Dân trí) - Xu hướng chỉ dùng tiền mặt tăng lên khi giới trẻ Hàn Quốc đang tìm mọi cách kiểm soát chi tiêu quá đà, vốn tạo áp lực kinh tế quá lớn lên chính họ.

Vì sao giới trẻ Hàn cắt thẻ tín dụng, ưu tiên dùng tiền mặt? - 1

Hình ảnh được chụp từ video YouTube của Choi Su-ji về cách quản lý chi tiêu tiền mặt (Ảnh: Youtube).

Bất chấp tiến bộ kỹ thuật số và giao dịch trực tuyến gia tăng, xu hướng tiêu dùng tiền mặt đang nổi lên trong giới trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 thực sự gây chú ý.

Theo đó, ngày càng nhiều người trong số họ chọn sử dụng tiền mặt thay vì giao dịch bằng thẻ tín dụng khi tiêu dùng hàng ngày.

Được gọi là phương pháp "nhồi tiền mặt", trong đó giới trẻ Hàn Quốc sẽ rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng rồi tách thành từng khoản tiền nhỏ cho vào các phong bì được dùng cho các mục đích sử dụng khác nhau như để mua đồ ở cửa hàng tạp hóa, đi du lịch, ăn uống... Và nếu sử dụng hết số tiền cho khoản chi đó, họ sẽ không được tiêu thêm tiền nữa. 

Và với phương pháp đang phổ biến này, giới trẻ Hàn Quốc đã hạn chế được mức chi tiêu quá đà và chống lại "hiệu ứng không dùng tiền mặt".

"Tôi thường chi khoảng 1 triệu won (770 USD) cho các ứng dụng giao đồ ăn, nhưng sau khi chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt, mức chi tiêu đã giảm gần 70%", cô Kim Ji-hye, 32 tuổi, nói.

Nhà thiết kế web chuyên nghiệp 33 tuổi tên Yang Eun-bi cũng nói rằng: "Trước đây, phần lớn thu nhập của tôi sẽ dùng để thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng, nhưng kể từ khi bắt đầu dùng tiền mặt, tôi tiết kiệm được 1,2 triệu won mỗi tháng".

Trong khi đó, một số người, như Kang, 24 tuổi, đã cắt đôi thẻ tín dụng của mình như một biểu tượng cho sự cam kết của mình.

Tuy nhiên, trước thực tế ngày nay có rất nhiều cửa hàng ở Hàn Quốc không nhận tiền mặt, một câu hỏi được đặt ra: "Liệu điều đó có khả thi không?".

Theo Choi Su-ji, một Youtuber thường xuyên đăng tải các video về nỗ lực lập ngân sách của mình, chính sự bất tiện này đã giúp giải quyết những khoản chi tiêu không cần thiết. "Mỗi lần cần đặt hàng ở quán đều phải gọi điện cho nhân viên. Cảm thấy bất tiện nên tôi dần chuyển sang nấu ăn tại nhà", cô nói.

Youtuber này còn cho biết, "với tiền mặt, thật khó để tin rằng nhân viên giao hàng có bớt đi số tiền lẻ hay không, vì vậy tôi sẽ đến các cửa hàng để lấy đồ ăn. Việc phải di chuyển thêm này khiến tôi phải suy nghĩ kỹ trước khi chi tiêu".

Hơn nữa, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng, việc tiết kiệm không còn chỉ là lựa chọn của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Xu hướng này là một trong nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" được giới trẻ đang gặp khó khăn ở Hàn Quốc áp dụng.

Ví dụ, thử thách không chi tiêu nổi lên vào năm ngoái, cho thấy nhiều người bỏ bữa hoặc chỉ sống sót nhờ thực phẩm có trong tủ lạnh ở nhà.

Gần đây hơn, giới trẻ bắt đầu dò xét thói quen chi tiêu của nhau trong các phòng chat công cộng có tên là "geojibang" hay còn gọi là "phòng ăn xin" trên KakaoTalk. Trong một cộng đồng trực tuyến được thành lập vào năm nay, những người tham gia sẽ tự coi mình là những người ăn xin và chia sẻ danh sách chi tiêu của họ, cùng với những lời kêu gọi gay gắt nhằm thúc đẩy tiết kiệm chặt chẽ hơn.

Xu hướng "phong bì tiền mặt" lần này được xem là sự phát triển mới nhất trong giới trẻ Hàn Quốc về việc quản lý chi tiêu. 

"Thử thách này không phải là về việc nhịn đói hay thúc đẩy việc tiết kiệm để bớt rảnh rỗi hơn. Đúng hơn, nó dạy bạn cách quản lý tài chính hiệu quả và kiểm soát chi tiêu bằng cách yêu cầu bạn lên kế hoạch trước cho các khoản chi tiêu của mình", Youtuber Choi giải thích.

Tiết kiệm như một lối thoát thú vị, sáng tạo

Những người trẻ am hiểu công nghệ cũng chia sẻ câu chuyện kiếm tiền của họ trên mạng xã hội, biến nó thành một trò chơi hoặc thử thách.

Vì sao giới trẻ Hàn cắt thẻ tín dụng, ưu tiên dùng tiền mặt? - 2

Một hình ảnh được chụp từ Instagram hiển thị kết quả tìm kiếm cho hashtag "thử thách tiền mặt" (Ảnh: Instagram).

Tính đến ngày 20/12, đã có hơn 360.000 bài đăng cùng với nhiều video dạng ngắn đang được lưu hành được gắn hashtag "thử thách tiền mặt" trên Instagram.

Theo những người tham gia thách thức, kỹ thuật lập ngân sách này cũng có sức hấp dẫn độc đáo về thị giác và thính giác, khiến việc tiết kiệm trở nên thú vị và mang lại một nguồn động lực khác. "Âm thanh đếm tiền và nhấn nút máy tính khi lập ngân sách nghe rất êm dịu", Yang giải thích.

Những người khác cũng nhấn mạnh niềm vui thị giác của việc trang trí bìa sách và phong bì đựng tiền, điều này cũng tạo nên những bức ảnh thu hút khi đăng trên Instagram.

Một số người có năng khiếu nghệ thuật cũng đã thử sức trong việc thiết kế phong bì theo yêu cầu riêng của mình và "vô tình" tạo ra một nguồn thu nhập thay thế cho chính mình.

"Lần đầu tiên tôi muốn có những chiếc phong bì độc đáo, khó tìm thấy ở các cửa hàng. Nhưng sau khi chia sẻ ảnh của chúng trên Instagram, tôi bắt đầu nhận được phản hồi tích cực và cuối cùng quyết định bán chúng", Kim, người đã mở một cửa hàng trực tuyến vào tháng 11, cho biết.

Theo Korea Herald