1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Đức kiên quyết từ chối gửi tên lửa Taurus tới Ukraine?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Trong khi Mỹ và Anh đang đối mặt với áp lực cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa do phương Tây viện trợ thì Đức từ chối cung cấp tên lửa như vậy.

Vì sao Đức kiên quyết từ chối gửi tên lửa Taurus tới Ukraine? - 1

Tiêm kích Eurofighter Typhoon của Không quân Đức mang 2 quả tên lửa hành trình Taurus (Ảnh: Không quân Đức).

"Đức đã đưa ra quyết định rõ ràng về những gì chúng tôi sẽ làm và những gì chúng tôi sẽ không làm. Quyết định này sẽ không thay đổi", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 13/9, đồng thời vẫn kiên quyết từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus của nước này cho Ukraine.

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer được cho là đã nới lỏng các hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp trên đất Nga trong cuộc gặp ở Washington.

Vào mùa xuân, Washington xác nhận rằng họ đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS. Kiev trước đây đã nhận được tên lửa có thể bay tới 160km và lô mới bao gồm các tên lửa tiên tiến có tầm bắn lên tới 300km.

Nhưng việc Berlin chuyển giao tên lửa Taurus đã không diễn ra.

Trước đó, Đức theo sau Mỹ đi tiên phong trong việc bàn giao hệ thống phòng không Patriot đầu tiên vào đầu năm 2023 và các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard được mong đợi từ lâu.

Khi Kiev phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga, chiến dịch này đã nhận được sự tán thành từ Berlin. Bộ Quốc phòng Đức cho biết Ukraine "được tự do lựa chọn" các loại vũ khí để sử dụng bên trong lãnh thổ Nga để tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, Berlin vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp mảnh ghép cuối cùng, đó là tên lửa có thể nhắm vào quân đội Nga ở hậu phương.

Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo, cho biết: "Kịch bản ác mộng đối với ông Scholz là Ukraine sẽ sử dụng Taurus để tấn công các mục tiêu nhạy cảm về mặt chính trị bên trong Nga. Thủ tướng Đức lo ngại rằng điều này có thể leo thang chiến tranh và đẩy Berlin vào tình thế thù địch trực tiếp với Nga".

"Về cơ bản, điều này có nghĩa là ông Scholz bị hạn chế do thiếu ý chí chính trị, bắt nguồn từ việc thiếu niềm tin vào giới lãnh đạo Ukraine để không thất hứa bất kỳ cam kết nào", chuyên gia Hoffmann nói.

Vì sao Đức kiên quyết từ chối gửi tên lửa Taurus tới Ukraine? - 2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Một quyết định chính trị

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng việc Đức từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine có liên quan đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về vũ khí hạt nhân.

"Theo tôi hiểu, Thủ tướng nói rằng Đức không phải là một quốc gia hạt nhân và đây (tên lửa Taurus) là hệ thống vũ khí mạnh nhất ở Đức", Tổng thống Ukraine nói trong một cuộc phỏng vấn với Bild.

Trong những bình luận gần đây, ông Putin tuyên bố rằng việc bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các mục tiêu bên trong Nga có nghĩa là NATO đang "có chiến tranh" với Moscow. Nga liên tục đưa ra những lời đe dọa nhưng không thành hiện thực.

Được thiết kế để tấn công các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất và được bảo vệ chặt chẽ, chẳng hạn như các trạm chỉ huy và cầu, tên lửa hành trình Taurus có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly tới 500km, vượt xa khả năng của các hệ thống tầm xa khác của phương Tây mà Ukraine đang sử dụng.

Ngoài ATACMS, Ukraine còn nhận được tên lửa Storm Shadow của Anh, cùng với tên lửa SCALP tương đương của Pháp, có tầm bắn lên tới 250km. Kho vũ khí này đã giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga tại các vùng lãnh thổ bị kiểm soát, trong đó có Crimea.

Kiev đã nhiều lần hứa sẽ không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do các đồng minh phương Tây cung cấp mà không có sự chấp thuận chính thức nhưng Berlin dường như không quan tâm.

Trong số những lý do ông Scholz đưa ra để không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine là vì Kiev được cho là không thể sử dụng chúng nếu không có sự tham gia của quân nhân Đức, điều này đã bị bác bỏ.

Jessica Berlin, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), cho biết: "Tại thời điểm này, nó thậm chí đã trở thành vấn đề mà bạn có thể gọi là vấn đề cá nhân của Thủ tướng... Có yếu tố cá nhân liên quan đến những cân nhắc chính trị khác... Đó không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến quyết định này, nhưng chắc chắn nó đóng một vai trò nào đó".

Theo một tướng Đức, người không được phép phát biểu với báo chí, việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine chỉ là một quyết định chính trị và Lực lượng Vũ trang Đức không phản đối quyết định được đưa ra.

Vì sao Đức kiên quyết từ chối gửi tên lửa Taurus tới Ukraine? - 3

Tên lửa hành trình Taurus do Đức chế tạo không được Berlin cân nhắc chuyển cho Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Quan điểm của người dân Đức

Một năm trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức, đa số người Đức ủng hộ quyết định của Thủ tướng Scholz không cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine.

Một cuộc thăm dò vào tháng 4 của Viện Forsa cho thấy, chỉ 37% người Đức ủng hộ việc giao tên lửa hành trình tầm xa này tới Kiev, trong khi 56% phản đối động thái đó.

Đồng thời, theo cuộc thăm dò hồi tháng 2 của kênh truyền hình ZDF, 62% người Đức ủng hộ các nước châu Âu cung cấp thêm vũ khí, đạn dược cho Kiev, trong khi 32% phản đối.

Bà Jessica Berlin cho rằng, sự ủng hộ của Đức đối với việc cung cấp tên lửa Taurus đã giảm trong các cuộc thăm dò, một phần do thiếu tính quyết đoán, rõ ràng và khả năng lãnh đạo chính trị. Theo chuyên gia, điều này tạo ra một môi trường chín muồi cho việc tuyên truyền của Nga xung quanh "sự leo thang", mà không có chiến lược nào của Đức để đáp trả một cách hiệu quả.

"Nếu công chúng Đức hiểu đầy đủ bản chất của tình hình và bản chất của mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt từ Nga, họ sẽ bớt e ngại hơn khi giúp Ukraine tự vệ bằng vũ khí hạng nặng của Đức và họ sẽ hiểu rằng đầu tư vào quốc phòng của Ukraine cũng là đầu tư cho sức mạnh phòng thủ của Đức", bà nhận định.

Christian Mölling, một chuyên gia bảo mật tại Quỹ Bertelsmann có trụ sở tại Đức, nói với Kiev Independent rằng "về cơ bản mọi người đã từ bỏ việc tranh luận về Taurus".

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine