1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Đức không thành lập được chính phủ liên hiệp?

(Dân trí) - Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/11 tuyên bố không thể thành lập một chính phủ liên hiệp sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) tuyên bố rút lui khiến nước Đức phải đối mặt với khả năng bế tắc chính trị. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Reuters)

Vấn đề nhập cư

Chính sách nhập cư của Thủ tướng Angela Merkel vốn đã vấp phải sự chỉ trích của người dân Đức, khiến uy tín của bà có phần suy giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà lãnh đạo Đức không đạt được sự đồng thuận trong đàm phán về xây dựng chính phủ liên minh khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) thể hiện quan điểm phản đối.

Trong một tuyên bố ngày 9/10, bà Merkel cho biết một thỏa thuận với liên minh bảo thủ về việc hạn chế người nhập cư sẽ giúp ích cho tiến trình thành lập chính phủ mới. Theo đó, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel đã đồng ý đề xuất giới hạn mức nhập cư là 200.000 người và tùy theo hoàn cảnh.

Trong năm 2015, Đức đón tới 890.000 người nhập cư. Con số này giảm xuống còn 280.000 người năm 2016, và phần đông trong số đó đi qua vùng Bavaria (của CSU) để vào nước Đức. Do vậy, việc giảm số lượng người nhập cư là bước đi đầu tiên của bà Merkel trong quá trình thuyết phục các đảng khác tham gia liên minh cầm quyền.

Theo giới quan sát, vấn đề người nhập cư vẫn được xem là một trong những vấn đề then chốt, nhạy cảm làm giảm uy tín của bà Merkel cùng liên minh CDU/CSU lâu nay bởi gánh nặng từ làn sóng nhập cư tràn vào Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung đã tạo cơ hội cho các luồng ý kiến dân túy, cực đoan, cứng rắn có thêm sự ủng hộ.

Cuộc đàm phán giữa FDP, đảng Xanh và CDU/CSU ngay từ đầu đã không suôn sẻ do tồn tại sự khác biệt trên các vấn đề then chốt, đặc biệt là chính sách người nhập cư. CDU/CSU muốn mở cửa đón thêm 200.000 người là thân nhân của người tị nạn hiện sống ở Đức, trong khi FDP kiên quyết phản đối.

Theo thống kê đến cuối năm 2016, có 1,6 triệu người xin tị nạn tại Đức, tăng 113% so với cuối năm 2014, tương đương tỷ lệ 16% công dân nước ngoài sinh sống tại Đức, trong số này bao gồm những người nước ngoài tới Đức vì lý do nhân đạo và cả những người vẫn đang trong quá trình xin tị nạn.

Cũng theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, hơn 50% trong số 1,6 triệu người xin tị nạn đã được cấp phép, trong khi khoảng 158.000 người bị từ chối đơn xin tị nạn. Syria là nước có số người xin tị nạn tại Đức nhiều nhất (455.000 người), tiếp đến là Afghanistan (191.000 người) và Iraq (156.000 người). Trong số người tỵ nạn có 64% là nam giới với độ tuổi trung bình là 29,4. Lực lượng này có thể đóng góp cho nền kinh tế Đức.

Chi tiêu ngân sách, môi trường

Bà Merkel phát biểu trước truyền thông sau khi thông báo không thể thành lập chính phủ liên hiệp (Ảnh: Reuters)
Bà Merkel phát biểu trước truyền thông sau khi thông báo không thể thành lập chính phủ liên hiệp (Ảnh: Reuters)

Trong một bài viết dành riêng cho nhật báo Frankfurter Allgemeine, ông Gabriel, thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cho rằng nước Đức nên tăng phần đóng góp cho ngân sách của EU và điều này sẽ giúp chính nền kinh tế Đức được hưởng lợi. Ngoài ra, Đức cũng cần hỗ trợ Hy Lạp nhiều hơn và chấp nhận thâm hụt ngân sách trong tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi bầu cử Đức diễn ra, ông Gabriel cho biết SPD muốn tách khỏi chính sách khắc khổ về ngân sách mà đảng bảo thủ CDU của Thủ tướng Merkel đang theo đuổi.

Phát biểu trên Đài phát thanh Đức, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble nói rằng “ông Gabriel lại đưa ra một thông điệp không những không giúp được người Hy Lạp mà thậm chí còn khiến họ thêm khó khăn trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn”.

Trước đó, ông Schäuble đã trình bày kế hoạch ngân sách liên bang năm 2018 và cho cả giai đoạn đến năm 2021. Kế hoạch này đề cập đến gia tăng chi tiêu nhưng không làm phát sinh các khoản nợ mới, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi Đức tăng cường đầu tư, nhất là vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng, an ninh.

Trong đàm phán, các đảng còn đối lập nhau về vấn đề môi trường. Trong khi đảng Xanh muốn hạn chế việc sản xuất than và ô tô động cơ đốt trong, thì FDP lại nhấn mạnh tầm quan trọng của hai ngành này để bảo vệ nền công nghiệp và việc làm của người Đức.

Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là quốc gia đóng góp ngân sách nhiều nhất cho EU với 15 tỷ euro/năm. Mức đóng góp này có thể tăng thêm 4,5 tỷ Euro vào năm 2019-2020 sau khi Anh chính thức rời khỏi EU (Brexit).

Sụt giảm niềm tin

Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Đức Christian Lindner. (Ảnh: FDP.de)
Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Đức Christian Lindner. (Ảnh: FDP.de)

Vào đêm 19/11 khi quá trình đàm phán đang diễn ra, FDP bất ngờ tuyên bố rút khỏi việc xây dựng chính phủ liên minh với hai đảng CDU/CSU của bà Merkel và đảng Xanh. Ông Christian Linder, lãnh đạo FDP, cho biết các bên sau nhiều tuần đàm phán vẫn không thể tìm được một “nền tảng để tin tưởng”.

Bà Merkel nhấn mạnh, nếu được chọn, bà muốn tiến hành cuộc bầu cử mới hơn là lãnh đạo một chính phủ thiểu số, vì một chính phủ như vậy sẽ không ổn định. Vì thế, giới chuyên gia dự báo rằng viễn cảnh “tái bầu cử” nhiều khả năng sẽ xảy ra ở Đức trong thời gian tới.

“Thà không cầm quyền còn hơn là cầm quyền sai cách”, ông Lindner tuyên bố sau khi rút khỏi đàm phán. Ông Lindner tiếp tục bảo vệ quan điểm của FDP rằng: “Chúng tôi không trách cứ bất kỳ ai kiên định với các nguyên tắc của họ. Nhưng chúng tôi cũng hành động tương tự. Chúng tôi đã được bầu vào Quốc hội Đức để xoay chuyển dòng chảy chính trị hiện tại nhưng đã không thể đạt được thỏa thuận (giữa các đảng phái)”.

Lãnh đạo CSU Horst Seehofer cho biết thỏa thuận sơ bộ đã trong tầm tay trước khi FDP rút lui. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Xanh Cem Ozdemir khẳng định luôn có thiện chí thỏa hiệp trong các vấn đề then chốt, tuy nhiên “liên minh dân chủ duy nhất khả thi đã bị FDP làm cho đổ vỡ”.

Ông Katrin Goring-Eckardt thuộc đảng Xanh cho biết “các bên có bất đồng một số điểm nhưng để đạt được thỏa thuận cũng không tốn quá nhiều thời gian”. Trong khi đó, ông Reinhard Buetikofer cũng thuộc đảng này đã công khai chỉ trích FDP lựa chọn “hình thức dân túy thay vì trách nhiệm chính phủ”.

Nhận định của báo Der Spiegel cho rằng đàm phán liên minh bị đổ vỡ do các bên thiếu đi yếu tố then chốt là sự tin tưởng lẫn nhau. Theo Der Spiegel, “niềm tin là loại tiền tệ quan trọng nhất trong chính trị, không có niềm tin, liên minh không thể hoạt động".

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 20/11 thừa nhận xây dựng chính phủ luôn là “một tiến trình cho và nhận khó khăn” song thành lập một chính phủ “là nhiệm vụ cao nhất mà cử tri giao cho một đảng trong nền dân chủ”. Do đó, ông nhấn mạnh “đây là thời điểm mà tất cả các bên tham gia cần xem xét lại thái độ của mình”.

Phát biểu trên kênh ZDF hôm 20/11, Thủ tướng Merkel khẳng định bà sẵn sàng đảm nhận cương vị Thủ tướng thêm 4 năm nữa. Bà Merkel sẽ tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu của liên đảng bảo thủ CDU/CSU cũng như tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử mới trong trường hợp phải tổ chức tái bầu cử.

Nguyễn Nhâm

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm