1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao đảng Dân chủ không dễ luận tội ông Trump?

(Dân trí) - Báo CNN của Mỹ liệt kê ra 5 lý do cho thấy việc đảng Dân chủ đưa Tổng thống Donald Trump ra luận tội không phải là điều dễ dàng và có thể gây ra tác dụng ngược “gậy ông đập lưng ông”.

Vì sao đảng Dân chủ không dễ luận tội ông Trump? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe Dân chủ trong Quốc hội dẫn đầu bởi lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Ảnh: Guardian)

Ngày 22/5, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã tham gia một cuộc họp khẩn cấp bàn bạc về việc có nên đưa ông Trump ra luận tội hay không. Hiện thời, với nhiều nghị sĩ, câu hỏi được đặt ra là bao giờ quá trình luận tội diễn ra chứ không phải là liệu nó có nên diễn ra hay không.

Tuy nhiên, giữa “tâm bão” căng thẳng, một trong những thủ lĩnh của đảng Dân chủ ở lưỡng viện, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn tỏ ra thận trọng với mọi phát ngôn, ít nhất cho tới thời điểm này. CNN cho rằng chính trị gia kỳ cựu này có nhiều hơn 1 lý do để tin rằng phương án luận tội nếu làm không tới sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử năm 2020.

Đầu tiên, công chúng Mỹ dường như không thực sự mong muốn đưa ông Trump ra luận tội. Một khảo sát của CNN-SSRS thực hiện vào tháng này cho thấy chỉ 37% người Mỹ được hỏi ủng hộ luận tội, trong khi 59% phản đối động thái này. Cũng trong khảo sát này, 44% đồng ý rằng đảng Dân chủ đã đi quá xa trong việc điều tra ông Trump (tăng so với con số 38% khảo sát hồi tháng 3).

Với tình hình hiện tại ở 2 cơ quan lập pháp, xác suất luận tội thành công ông Trump là rất thấp. Ngay cả khi, Hạ viện Mỹ thu thập đủ số phiếu để tiến hành luận tội ông Trump, thì tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, kịch bản trên khó lòng lặp lại. Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller kết thúc với kết quả rằng đội ngũ ông Trump không thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và bỏ ngỏ kết luận Tổng thống Mỹ ngăn cản thực thi công lý. Chính vì vậy, lý do để đưa ông ra luận tội đến nay chưa đủ mạnh và nếu việc luận tội diễn ra, nó chỉ đơn thuần mang tính hình thức.  

Vì thế, nếu đảng Dân chủ quyết tâm đưa ông Trump ra luận tội, dư luận Mỹ có thể sẽ coi Tổng thống Mỹ là nạn nhân trong cuộc chiến đảng phái. Trong hơn 2 năm qua, ông Trump nhiều lần đã tự gọi mình là “nạn nhân” bị truyền thông đối xử bất công, là “nạn nhân” của cuộc “săn phù thủy” kéo dài. Nếu việc luận tội thất bại, ông Trump sẽ chỉ trích đảng Dân chủ có thù ghét với ông và lơ là đi trách nhiệm với nước Mỹ. Trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2020 sắp tới gần, đây dường như không phải là một nước đi thông minh.  

Bà Pelosi đã trải qua lần luận tội năm 1998 với Tổng thống Bill Clinton và thời điểm đó ông Clinton đã được tha bổng một phần vì Thượng viện khi đó do đảng Dân chủ kiểm soát. Đây là một điểm tương đồng để bà Pelosi suy xét thiệt hơn với việc đưa ông Trump ra luận tội. Bà hiểu rằng nếu quá trình này diễn ra, nước Mỹ sẽ lại tiếp tục chia rẽ hơn nữa. Vì vậy, bà nói rằng chỉ khi nào có một lý do thực sự thuyết phục, nghiêm trọng và có tính lưỡng đảng, bà mới ủng hộ luận tội.

Mặt khác, định hướng của bà Pelosi trong cuộc bầu cử năm 2020 đã rõ ràng. Bà từng nhận định rằng đảng Dân chủ giành lại được quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 là vì chiến lược tập trung vào chương trình chăm sóc sức khỏe và y tế. Đây cũng là định hướng mà bà muốn đảng Dân chủ tiếp nối trong năm 2020. Các khảo sát đã chứng minh rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe và nhập cư là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Trong khi đó, một khảo sát của CNN hồi tháng 3 cho thấy không người nào khi được hỏi cho rằng báo cáo của ông Muller có ảnh hưởng quan trọng hàng đầu tới quyết định bỏ phiếu của họ.

Chính vì vậy, theo CNN, đảng Dân chủ sẽ có rất ít khả năng chọn con đường luận tội ông Trump vì sự rủi ro quá lớn cũng như điều mà họ tập trung hiện tại là giành được quyền kiểm soát lưỡng viện và Nhà Trắng trong năm tới.

Đức Hoàng

Tổng hợp