1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Vì sao cuộc chiến chống IS cần sự hỗ trợ của Nga?"

(Dân trí) - Trong bài phỏng vấn được thực hiện trên Đài phát thanh Sputnik, chuyên gia phân tích của Israel, ông Avigdor Eskin cho rằng những nỗ lực hiện nay của liên quân quốc tế sẽ không thể đánh bại được mối đe dọa mang tên nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quang cảnh hoang tàn sau khi IS tấn công vào thành phố Ramadi ở Iraq (Ảnh:
Quang cảnh hoang tàn sau khi IS tấn công vào thành phố Ramadi ở Iraq (Ảnh: Sputnik)
 
Chuyên gia của Israel cho rằng giải pháp dài hạn đối với IS cần sự hỗ trợ của Nga, quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu dài với cả Syria và Iraq. "Những người trong khu vực Trung Đông, họ sợ sự can dự của Mỹ trong các vấn đề liên quan. Hãy nhớ lại Iraq. Đó là một quốc gia thanh bình cách đây 20 năm. Hãy nhớ tới Libya , dù mọi thứ không phải là quá hoàn hảo dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi song trải qua một cuộc chiến, đất nước Libya giờ đã trở thành một nơi đầy hỗn loạn", ông Eskin đánh giá.

Ông Eskin cũng bày tỏ hy vọng rằng Mỹ không nên tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Trung Đông khi cho rằng "kinh nghiệm gìn giữ hòa bình của Mỹ thường là gửi tới những tấn bom, thay vì hàng viện trợ. Điều tốt nhất mà Mỹ có thể làm cho tình hình tại Trung Đông đó là ngưng sự can dự hiện nay. Quốc hội Mỹ đã nhận thấy điều này khi phủ quyết đề nghị để quân đội Mỹ can dự trực tiếp vào tình hình tại Syria sau cuộc chiến Libya. Họ đã rút ra được điều gì đó. Những bài học lịch sử cho thấy những lần Mỹ can dự trên thế giới đều không để lại dấu ấn tích cực nào".

"Giải pháp cho cuộc khủng hoảng Trung Đông cần có Nga"

Khi được hỏi về mối quan hệ hợp tác giữa Syria với Iraq và có thể là giữa Mỹ với Syria trong cuộc chiến chống IS, ông Eskin cho rằng đây không còn là vấn đề bí mật khi Washington và Damascus đã tiến hành đàm phán trong thời gian qua. Và chính phủ Syria cũng không phản đối các chiến dịch mà quân đội Mỹ tiến hành nhằm vào IS ở các khu vực biên giới giáp giữa Syria và Iraq.

"Tuy nhiên, Nga là quốc gia cũng có vai trò quan trọng ở khu vực Trung Đông nếu nhìn vào quan hệ lịch sử giữa nước này với Syria và Iraq. Nga có nhiều ảnh hưởng tại hai quốc gia này. Cuộc chiến chống IS do Mỹ tiến hành sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trừ phi người Mỹ đồng ý để Nga tham gia vào quá trình đàm phán. Nga luôn là một đối tác tin cậy của Syria, trong khi hiện vẫn có nhiều người ở Baghdad luôn hướng về Mátxcơva như một đối tác có thể kiến tạo hòa bình thực sự.
 
"Đây là thời điểm quan trọng để Bộ Ngoại giao Mỹ nhận thấy vấn đề này. Họ cần phải thay đổi chính sách cũng như những sức ép đang tạo ra đối với Nga hiện nay. Mỹ và Nga cùng nhau có thể giải quyết được vấn đề IS tại Syria. Nếu không, chúng ta sẽ còn chứng kiến hàng trăm nghìn người dân vô tội bị IS sát hại. Hãy nhanh chóng thực hiện điều này càng sớm càng tốt", ông Eskin kêu gọi.
 
Dòng người trốn chạy cuộc truy quét của IS tại Iraq (Ảnh:
Dòng người trốn chạy cuộc truy quét của IS tại Iraq (Ảnh: AP)

Những tuyên bố nêu trên của ông Eskin được đưa ra trong thời điểm IS đang mở rộng chiến dịch ở cả Syria và Iraq. Sau một tuần giao tranh, IS đã giành được quyền kiểm soát thành phố Palmyria ở Syria. Đây được coi là một bước tiến lớn của IS kể từ khi nhóm phiến quân này tăng cường hoạt động và đánh chiếm một vùng rộng lớn ở miền Bắc Iraq và Syria kể từ tháng 6 năm ngoái.

Việc IS chiếm được thành phố cổ Palmyra diễn ra chỉ vài ngày sau khi lực lượng này giành kiểm soát hoàn toàn thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar tại quốc gia láng giềng Iraq. Trước đó, IS cũng đã chiếm các thị trấn và các cơ sở lọc dầu ở Iraq.

Khi được hỏi về điều gì sẽ mang lại ổn định chung cho Trung Đông, ông Eskin nhấn mạnh: "Các quốc gia ở Trung Đông luôn tiềm ẩn sự bất ổn. Đó không chỉ là vấn đề về chế độ, sắc tộc hay giới cầm quyền. Điều cần nhất là thời gian để duy trì sự ổn định. Khi có sự thay đổi ở bất cứ quốc gia nào trong khu vực, cả Nga và Mỹ đều cảm thấy rắc rối. Ví dụ như Nga lúc này, nhiệm vụ của họ với Ai Cập là hỗ trợ xây dựng một chính quyền mạnh mẽ đủ sức dẫn dắt đất nước và duy trì ổn định, thay vì bị lật đổ trong vài năm tới".

Ngọc Anh
Theo Sputnik