1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao 5 năm sau màn câu nhử, FBI mới bắt giữ cựu đặc vụ CIA Jerry Chun Shing Lee?

2018, Jerry Chun Shing Lee, Giám đốc phụ trách an ninh của Tập đoàn đấu giá nổi tiếng Christie’s, đáp chuyến bay của Hãng Cathay Pacific từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến New York (Mỹ). Sau nhiều năm đi lại như vậy, Lee không thể ngờ lần này các đặc vụ của FBI đang đợi anh ta tại khu vực hải quan Sân bay John F. Kennedy. Và chỉ đợi Lee xưng danh, đặc vụ FBI Kellie O' Brien đọc lệnh bắt giữ anh ta ngay lập tức.


FBI phải chạy đua thời gian để có được lệnh bắt Lee

FBI phải chạy đua thời gian để có được lệnh bắt Lee

Ngay sau đó, ngày 16-1, Tòa án Mỹ đã kết tội Jerry Chun Shing Lee sở hữu tài liệu mật bất hợp pháp. Theo giới thạo tin, Lee bị tình nghi giúp cơ quan đặc biệt của Bắc Kinh triệt phá hoạt động tình báo và xử lý các đầu mối thông tin của CIA tại Trung Quốc. Sự sụp đổ của mạng lưới gián điệp này là một trong những thất bại lớn nhất về tình báo của Chính phủ Mỹ trong những năm qua.

Jerry Chun Shing Lee là con người thế nào?

Jerry Chun Shing Lee, hay còn gọi là Zhen Cheng Li, một công dân Mỹ nhập tịch, sinh ra ở Hồng Kông (Trung Quốc), lớn lên ở Mỹ. Lee từng phục vụ trong Lục quân Mỹ từ năm 1982-1986. Sau đó, Lee theo học ngành Quản trị kinh doanh quốc tế tại trường Đại học Thái Bình Dương Hawaii, tốt nghiệp năm 1992. Trải qua 1 năm, Lee tiếp tục nhận tấm bằng thạc sĩ về quản trị nguồn nhân lực.

Lee bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1994. Kể từ đây, Lee mang vỏ bọc một nhà ngoại giao để thực hiện nhiệm vụ bí mật. Theo hồ sơ lưu trú cũ, Lee dường như từng hoạt động ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản giai đoạn 1999-2002. Lee cũng từng làm việc cho Chi nhánh Đông Á tại trụ sở chính CIA và văn phòng CIA ở Virginia. Với vị trí là đặc vụ phụ trách nhiều mảng như thông tin liên lạc bí mật, phát hiện trinh sát, tuyển dụng, Lee có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin tuyệt mật và ký các thỏa thuận mật.

Lee rời CIA vào năm 2007. Tất cả những người biết anh ta đều nói rằng Lee rời cơ quan này một cách bất mãn sau khi xây dựng được sự nghiệp thăng hoa. Sau khi rời Mỹ, Lee đến Hồng Kông và đầu quân cho Japan Tobacco International (JTI) - hãng thuốc lá quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ tuyển dụng. Lee làm việc tại đội điều tra đặc biệt của công ty theo dõi việc buôn lậu thuốc lá và hàng giả. Đến giữa năm 2009, Lee bị JTI sa thải vì cáo buộc cung cấp thông tin về chiến lược kinh doanh cho phía Trung Quốc. Tới năm 2012, người đàn ông này lại quay về Mỹ và sống ở Bắc Virginia. Lý do khiến Lee trở về được cho là bởi một lời mời làm việc tại Mỹ.

Đầu năm 2016, Lee được Esteé Lauder - công ty mỹ phẩm và Christie's - nhà đấu giá toàn cầu thuê. Một thông báo nội bộ về việc tuyển dụng Lee mô tả anh ta là người có kinh nghiệm trong nước và quốc tế đáng kể về quản lý các vấn đề an ninh phức tạp. Lee cũng nói thành thạo tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại cùng tiếng Anh. Lee làm việc ở đây cho đến khi bị bắt tại Sân bay John F Kennedy.

Lee kết hôn và có 2 con gái. Dường như số tiền kiếm được anh ta đều dành cho con nên không hề sống một cuộc sống hào nhoáng. Tuy nhiên, Lee không được ưa chuộng trong công việc, luôn bị đồng nghiệp coi là kẻ không đáng tin cậy.


Jerry Chun Shing Lee làm việc cho nhà đấu giá Christies ở Hồng Kông (Trung Quốc)

Jerry Chun Shing Lee làm việc cho nhà đấu giá Christie's ở Hồng Kông (Trung Quốc)

Miếng mồi nhử

Chỉ trong vòng 2 năm từ 2010 đến 2012, khoảng 20 đầu mối thông tin của CIA trên đất Trung Quốc bị bóc gỡ. Đây là khoảng thời gian Bắc Kinh tiến hành chiến dịch làm tê liệt các hoạt động tình báo của Mỹ ở Trung Quốc. Chiến dịch này gây cho ngành tình báo Mỹ thiệt hại to lớn đến nỗi ông Frank Figliuzzi - Trợ lý Giám đốc FBI năm 2011 và 2012 phải thốt lên: “Cộng đồng tình báo Mỹ tại Trung Quốc gần như bị tê liệt hoàn toàn. Và bạn không thể xây dựng lại cơ sở dữ liệu thông tin tình báo đó chỉ trong một đêm”.

Các nhà điều tra của FBI nghi ngờ tồn tại một gián điệp “hai mang” khiến danh tính các điệp viên của CIA tại Trung Quốc bị rò rỉ. Mọi nghi ngờ đổ dồn vào Lee, vì trước đó Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận được thông tin từ các quan chức của JTI - nơi mà Lee từng làm việc cho biết, hãng nghi ngờ Lee cộng tác với cơ quan tình báo Trung Quốc.


Lệnh bắt giữ Jerry Chun Shing Lee ký ngày 13-1-2018

Lệnh bắt giữ Jerry Chun Shing Lee ký ngày 13-1-2018

Một tổ điều tra đặc biệt của Chính phủ gồm các nhân viên của CIA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) được lập ra, do Charles McGonigal, quan chức phản gián kỳ cựu của FBI dẫn đầu. FBI đã lên kế hoạch dụ Lee trở về Mỹ để phục vụ công tác điều tra. Cách họ sử dụng là vẽ ra một công việc béo bở như miếng mồi ngon dành cho Lee ở Thủ đô Washington.

Lee và gia đình quay về Mỹ vào tháng 8-2012 và có chuyến nghỉ dưỡng ở Honolulu, Hawaii trong vài ngày. Khi đó, đội ngũ trinh sát Mỹ đã bí mật khám xét phòng khách sạn, hành lý, chụp ảnh các tài sản của anh ta. Sau đó, gia đình Lee tới bang Virginia, các nhà điều tra Mỹ tiếp tục khám xét một khách sạn và phát hiện nhiều tài liệu bí mật.

Trong số các tài liệu được các nhà điều tra tìm thấy có một cuốn sổ ghi ngày tháng dày 49 trang và một cuốn sổ ghi địa chỉ dày 21 trang với rất nhiều thông tin quý báu mà bất kỳ điệp viên Trung Quốc nào cũng muốn sở hữu. Trong các cuốn sổ còn có tên thật và số điện thoại của hàng loạt nhân viên CIA ngầm, địa chỉ các cơ sở của CIA và các ghi chú về những nơi gặp mặt bí mật.

Trong thời gian quay về Mỹ năm 2012, FBI đã thẩm vấn Lee 5 lần song không để lộ bất cứ hiểu biết nào của FBI có được về Lee. Lee cũng không hề nhắc tới việc sở hữu những cuốn sổ chứa các thông tin mật. Vào thời điểm năm 2013, khi các cơ quan chức năng Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra, Lee đã rời khỏi Mỹ và quay trở lại Hồng Kông.


20 đầu mối tin của CIA của Mỹ tại Trung Quốc bị bóc gỡ trong 2 năm

20 đầu mối tin của CIA của Mỹ tại Trung Quốc bị bóc gỡ trong 2 năm

Vì sao 5 năm sau FBI mới bắt giữ?

Đối mặt với Lee, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hồi năm 2013, các đặc vụ liên bang Mỹ đã quyết định chấp nhận mạo hiểm có toan tính. Họ không thẩm vấn anh ta về những tài liệu mật mà họ tìm thấy trước đó trong cặp của Lee. Và họ cũng không hỏi điều họ muốn làm sáng tỏ: “Liệu Lee có phải một gián điệp làm việc cho Trung Quốc không?”.

FBI có thể bắt Lee ngay lập tức dựa vào các ghi chú, tài liệu nhạy cảm mà anh ta nắm giữ, nhưng nội bộ lực lượng bí mật đặc biệt của Chính phủ Mỹ đã phân tích tình huống và quyết định chưa bắt Lee vì sợ “đánh rắn động cỏ”. Nếu Lee là gián điệp “hai mang”, bắt giữ anh ta vì một cáo buộc không liên quan sẽ báo động phía Trung Quốc và cho họ thêm thời gian đủ để xóa bỏ mọi dấu vết.

Nếu Lee không phải nội gián, vụ bắt giữ sẽ giúp kẻ phản bội thật sự nhận ra tình thế nguy hiểm và trốn thoát. Vì thế, FBI đã để Lee trở về Hồng Kông đoàn tụ với gia đình. Họ luôn tâm niệm rằng với cái nghề đặc biệt này phải bình tĩnh và kiên nhẫn họ sẽ biết được bằng cách nào Trung Quốc có thể phá vỡ mạng lưới tình báo của Mỹ và xác định rõ liệu Lee có nhúng tay vào hay không.

Và thời gian 5 năm qua, họ đã có điều họ muốn để tiến hành bắt giữ Lee ngay khi đặt chân lên đất Mỹ.

Theo Hoàng Tiến

An ninh thủ đô