1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vị bộ trưởng Nga tai tiếng (*): 25 năm quyền thế

Vai trò của Bộ Phát triển Kinh tế trong các cuộc bàn thảo về kinh tế ở Nga những năm gần đây bị hạ thấp nhưng Bộ trưởng Alexei Ulyukayev lại có quyền thế rất lớn.

Tính đến ngày 15-11, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cách chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế (PTKT), ông Alexei Ulyukayev, một tiến sĩ kinh tế, đã làm việc trong chính phủ và Ngân hàng Trung ương 1/4 thế kỷ với khoảng thời gian ngắt quãng không đáng kể.

Ngân sách, nhân lực phình to

Ông Ulyukayev nhận lãnh chức vụ đầu tiên trong Chính phủ Nga cách đây 25 năm. Tháng 11-1991, ông Egor Gaidar được bổ nhiệm làm phó thủ tướng chính phủ, còn Ulyukayev trở thành trưởng nhóm cố vấn của ông này về cải cách kinh tế trong những năm 1990. Năm 2000, ông Ulyukayev làm thứ trưởng Bộ Tài chính dưới thời bộ trưởng Alexei Kudrin. Năm 2004, ông nắm giữ chức phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, lãnh đạo Ủy ban Tín dụng - Tiền tệ và là người phát ngôn chính của ngân hàng.

Ông Alexei Ulyukayev từng giữ nhiều chức vụ cao ở Nga. Ảnh: TASS
Ông Alexei Ulyukayev từng giữ nhiều chức vụ cao ở Nga. Ảnh: TASS

Theo hãng tin Tass, ông Ulyukayev đã thay thế ông Andrei Belousov đứng đầu Bộ PTKT Nga từ ngày 24-6-2013. Dưới thời ông Ulyukayev làm bộ trưởng - 3 năm 4 tháng 22 ngày, Bộ PTKT đã phình to, ngân sách tăng 4,4 lần - từ 39,444 tỉ rúp năm 2013 lên 172,777 tỉ rúp năm 2016. Số thứ trưởng Bộ PTKT trong giai đoạn 2013-2016 đã tăng từ 9 lên 14 vị (hiện này còn 13 người), còn số vụ trực thuộc tăng từ 28 lên 32 (thực tế chỉ 31 vụ hoạt động). Nhân viên trong bộ máy trung ương của bộ cũng tăng đến 15%, từ 1.653 người năm 2013 lên 1.902 người năm 2015.

Với tư cách là Bộ trưởng PTKT, ông Ulyukayev được đưa vào các cơ quan lãnh đạo một loạt tổng công ty có sự tham gia của nhà nước, cũng như các cơ cấu chính phủ, liên chính phủ Nga và quốc tế. Ngoài ra, ông còn là thành viên Ủy ban Công nghiệp - Quân sự và Hội đồng Hiện đại hóa kinh tế - Phát triển sáng tạo Nga, thành viên Chủ tịch đoàn Hội đồng Kinh tế và Hội đồng Chống tham nhũng - đều trực thuộc Tổng thống Nga...

Ông Ulyukayev có quyền thế rất lớn nhưng vai trò của Bộ PTKT trong các cuộc bàn thảo về kinh tế ở Nga những năm gần đây lại bị hạ thấp. Trong khi đó, quan điểm của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính trở nên ngày càng quan trọng hơn - theo nhận định của nhà kinh tế chính ở Ngân hàng Alpha Natalya Orlova. Bà Orlova cho biết việc hoạch định chính sách kinh tế dài hạn đã được chuyển sang giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng tài chính.

Bộ… phá hoại kinh tế!

Thời gian qua, Bộ PTKT không phải là bộ có ảnh hưởng nhất ở Nga, dù ông Ulyukayev được đánh giá là một quan chức có uy tín. Trước đây, bộ này chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc cải cách nhưng từ giữa những năm 2000, các cuộc cải tổ ở Nga đã chậm lại và đến nay thì hoàn toàn “không có nhu cầu” - theo báo RBC.

Chuyên gia kinh tế Andrei Nazarov cho rằng ông Ulyukayev làm việc theo phong cách “phân tích bảo thủ”, không đưa ra những quyết sách nhanh nhạy và sắc bén. Theo báo Vedomosti, gần đây, Bộ PTKT đã 3 lần thay đổi dự báo mức tăng trưởng kinh tế Nga. Tháng 9-2016, bộ dự kiến mức tăng trưởng cho 3 năm kế tiếp lần lượt là 0,6, 1,7 và 2,1%. Ba tuần sau, mức dự báo thay đổi thành 1,2, 0,9 và 1,7% nhưng chỉ 1 tuần tiếp theo, các chỉ số này đã trở lại như ban đầu.

Trong năm 2016, một phần đáng kể các đặc khu kinh tế được thành lập trước đây bị đánh giá là không hiệu quả. Ngân sách Nga giai đoạn 2006-2016 đã chi 122 tỉ rúp cho việc thành lập 33 đặc khu như vậy, còn các khoản tiền thanh toán cho những khu vực này lên đến 40 tỉ rúp. Do đó, riêng trong tháng 10-2016, đã có 8 đặc khu kinh tế bị đóng cửa.

“Dưới thời Ulyukayev, đó không còn là Bộ PTKT nữa mà là bộ... phá hoại kinh tế” - cựu thị trưởng Moscow Yury Luzhkov thẳng thắn nhận xét. Đáng nói là Ulyukayev đã nhiều lần dính dáng vào các vụ tham nhũng. Theo nguồn tin từ cơ quan an ninh, ông ta thường vận động hành lang cho quyền lợi của các ngân hàng và các công ty nước ngoài trong vấn đề tư nhân hóa tài sản nhà nước.

Là người đứng đầu Bộ PTKT, ông Ulyukayev từng yêu cầu Công ty Dầu Rosneft hối lộ 40 triệu USD để có thể mua số cổ phiếu kiểm soát của nhà nước tại Bashneft trong công cuộc tư nhân hóa. Thế nhưng, không chỉ không đồng ý, công ty của ông Igor Sechin còn tiếp tay cho nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tiến hành điều tra.

“Tài liệu thu thập đã giúp FSB được phép theo dõi điện thoại, căn hộ, văn phòng và xe của vị bộ trưởng” - nguồn tin từ FSB cho biết. Nhờ đó, sau khi các đại diện Công ty Rosneft bắt đầu bị đe dọa, nhân viên FSB đã quyết định bắt Ulyukayev - theo báo Dni.ru.

Sau khi bị bắt, ông Ulyukayev bị quản thúc trong căn hộ rộng 313 m2 tại “Những chìa khóa vàng” - quần thể nhà ở cao cấp tại Moscow. Trong vòng 2 tháng tới, vị cựu tư lệnh kinh tế Nga sẽ không được rời khỏi nơi này nếu không được phép của các nhà điều tra. Ông ta không được tiếp khách, sử dụng các phương tiện liên lạc, trả lời phỏng vấn.

Trong căn hộ của bị can được lắp đặt một máy phát đặc biệt. Người ta còn đeo vào một bên chân ông Ulyukayev chiếc vòng thường xuyên kết nối với máy phát. Nếu có ai đó cố tháo chiếc vòng hoặc ngắt kết nối nó với máy phát, tín hiệu sẽ lập tức truyền đến viên thanh tra và một nhóm đặc vụ sẽ có mặt ngay tại chỗ.

"Thợ lặn"

Trong số các bộ trưởng Nga, ông Ulyukayev luôn nổi bật với nước da rám rắng và nỗ lực rèn luyện thân thể. Sau những chuyến công cán mệt nhoài hay những chuyến bay kéo dài nhiều giờ, ông vẫn không bỏ chạy bộ buổi sáng. “Người có vợ trẻ huấn luyện có khác” - các đồng nghiệp trêu chọc nhưng ông không giận.

Nói chung, Ulyukayev có đặc điểm không thích tranh cãi. Thậm chí, vị bộ trưởng này còn tỏ thái độ khôi hài đối với biệt danh "thợ lặn" mà nhiều người gán cho ông vì nền kinh tế Nga nhiều lần sa sút xuống mức chạm đáy. "Thợ lặn là một nghề cao quý đấy chứ!" - ông pha trò trước sự công kích của báo chí.

Theo Ngô Sinh

Người Lao động

(Kỳ tới: Chính khách giàu nhất Nga)