1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vật lộn trong sóng Covid-19 "tồi tệ nhất", Indonesia bên bờ vực thảm họa

Thành Đạt

(Dân trí) - Indonesia đang đối mặt với làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay, với số người chết được dự đoán có thể lên tới hơn 2.000 người mỗi ngày.

Vật lộn trong sóng Covid-19 tồi tệ nhất, Indonesia bên bờ vực thảm họa - 1

Những người đào mộ làm việc tại nghĩa trang công cộng Jatisari, nơi dành riêng cho các nạn nhân Covid-19, ở Semarang, Indonesia (Ảnh: Getty).

Bên dưới gốc cây ở một góc phố tại thành phố Semarang của Indonesia, một tài xế được tìm thấy nằm bất động bên trong xe vào ngày 1/7. Theo truyền thông địa phương, nguyên nhân cái chết được cho là do Covid-19.

Một ngày sau, Jane Shalimar, một chính trị gia, ca sĩ và diễn viên 41 tuổi, đã tử vong vì Covid-19 trong một bệnh viện ở thủ đô Jakarta.

Hai trường hợp tử vong trên đã cho thấy tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Indonesia, khi biến chủng Delta càn quét các bệnh viện và làm cạn kiệt nguồn ôxy. Biến chủng có khả năng lây nhiễm cao này cũng đang gây ra làn sóng dịch bệnh đáng báo động tại các nước khác trong khu vực.

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan tuần trước thừa nhận nước này đang trải qua "kịch bản tồi tệ nhất" khi ca mắc Covid-19 tăng quá nhanh do biển chủng Delta.

Tình trạng thảm khốc

Ở Indonesia, nhân viên y tế là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mặc dù họ được ưu tiên tiêm chủng. Khoảng 1.311 nhân viên y tế đã chết vì Covid-19 kể từ tháng 3 năm ngoái, bao gồm 544 bác sĩ, 57 nha sĩ, 432 y tá, 228 nữ hộ sinh, 25 nhân viên phòng thí nghiệm y tế và 25 dược sĩ.

Theo Bộ Y tế Indonesia, tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 2,8 triệu người, trong đó có 72.000 trường hợp tử vong. Indonesia ngày 17/7 ghi nhận 51.952 ca nhiễm mới và 1.092 ca tử vong, vượt Ấn Độ về số ca nhiễm trong ngày và trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19 ở châu Á. Tuy nhiên, số liệu do chính phủ Indonesia công bố được cho là chưa phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh ở nước này.

"Con số thực tế nhiều hơn gấp 4 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng ca nhiễm là biến chủng Delta", Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Môi trường và Sức khỏe Dân số tại Đại học Griffith của Australia, cho biết.

Budiman cho biết cuộc khủng hoảng dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng trên đảo Java đông đúc của Indonesia vì những biện pháp hạn chế đi lại "lỏng lẻo" được áp đặt ở đây. Ông cho biết những người trẻ di chuyển nhiều đã nhiễm bệnh, sau đó lây sang những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả người già.

Theo Reuters, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 3/4 trong số 270 triệu dân vào đầu năm tới, nhưng cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ. Khoảng 119 triệu liều vắc xin Sinovac và AstraZeneca đã được chuyển đến Indonesia vào cuối tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Hơn 3 triệu liều vắc xin Moderna mà Mỹ chuyển cho Indonesia trong tháng này sẽ được ưu tiên cho các nhân viên y tế khi tiêm chủng lần thứ 3 hoặc tiêm tăng cường.

Các nhà chức trách đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 3/7 cho đến ngày 20/7 ở Jakarta và trên khắp Java, cũng như trên đảo du lịch Bali. Tất cả nhân viên trong các ngành không cần thiết phải làm việc tại nhà, trong khi một nửa số nhân viên trong các ngành được coi là cần thiết, bao gồm cả tài chính, có thể làm việc tại văn phòng.

Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, nhà nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu quản lý thảm họa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta, cho biết nhiều bệnh viện đã quá tải và không thể tiếp nhận bệnh nhân.

"Thật đáng báo động, nếu không muốn nói là thảm khốc. Giường bệnh kín chỗ, nhân viên y tế mắc Covid-19. Nguồn cung ôxy, máy thở đang cạn kiệt. Tôi không biết mô tả như thế nào ngoài việc hệ thống y tế đang sụp đổ", nhà nghiên cứu Dzakwan cho biết.

Phần nổi của tảng băng chìm

Vật lộn trong sóng Covid-19 tồi tệ nhất, Indonesia bên bờ vực thảm họa - 2

Bệnh nhân được điều trị bên ngoài phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Semarang, Indonesia (Ảnh: Getty).

Khi Jane Shalimar nhiễm bệnh, bạn bè và người thân đã mất nhiều giờ đồng hồ để tìm một bệnh viện có giường dự phòng và đưa cô vào.

"Ngay cả khi đã nhập viện rồi, cô ấy vẫn phải mất nhiều giờ ở hành lang của bệnh viện, trước khi tìm được giường", Imelda Sari, một người bạn và đồng nghiệp chính trị cũ của Shalimar, cho biết.

Bệnh viện đã hết bình dưỡng khí và bạn bè của Shalimar phải lùng sục khắp Jakarta để tìm kiếm. Cuối cùng họ cũng tìm được 2 bình với giá khoảng 80 USD mỗi chiếc.

Shalimar dù sao vẫn tìm thấy giường bệnh, trong khi nhiều người không tìm được và đang tự cách ly ở nhà mà không có sự hỗ trợ về y tế. Theo Lapor Covid-19, một liên minh các tổ chức xã hội dân sự thu thập thông tin về virus corona, ít nhất 548 người tự cách ly đã chết tại Indonesia trong những tuần gần đây.

"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", Ahmad Arif, người đồng sáng lập Lapor Covid-19, cho biết, đồng thời nói thêm rằng một số người đã chết trong xe ô tô khi đang trên đường đến bệnh viện.

Đối với người nghèo, việc tự cách ly là điều gần như không thể thực hiện được vì nhiều người sống trong những khu nhà nhỏ hẹp, chật chội.

Theo Washington Post, chính phủ Indonesia đang xây dựng các bệnh viện khẩn cấp để đối phó với tình trạng bệnh nhân tăng đột biến và đặt mua thêm ôxy. Tuy nhiên, Indonesia thừa nhận các biện pháp hạn chế không thể ngăn chặn sự lây lan của virus do hoạt động đi lại của người dân không giảm đáng kể.

"Các bệnh viện của chúng ta sẽ không thể chịu đựng thêm được nữa nếu chúng ta không giảm được ít nhất 20% hoạt động di chuyển", Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết.

Ngoài Java và Bali, các khu vực cũng đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm nhưng ít được chú ý hơn. Kudus, ở Trung Java, đã giảm thành công số ca nhiễm mới và dỡ bỏ cảnh báo vùng đỏ gần đây. Tuy nhiên, nhiều nhân viên y tế của thành phố này bị phát hiện mắc Covid-19.

Ahmad Syaifuddin, Giám đốc Bệnh viện Hồi giáo Sunan Kudus, cho biết khoảng 10%, tương đương 800 nhân viên y tế, ở Kudus có kết quả xét nghiệm dương tính và phải cách ly vào cuối tháng 5.

"Điều này tạo thêm gánh nặng cho những người vẫn đang làm việc", ông Ahmad cho biết.

Nhà dịch tễ học Budiman cho rằng chính phủ Indonesia không thực hiện đủ xét nghiệm để truy vết và cách ly những người bị nhiễm bệnh. Ông dự đoán số người chết tại Indonesia sẽ lên đến đỉnh điểm 2.300 người mỗi ngày vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.