1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Văn hóa “làm việc đến chết” đẩy Thủ tướng Nhật Bản tới quyết định từ chức

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Shinzo Abe được cho là hiện thân của tinh thần tôn sùng công việc bất chấp sức khỏe vốn ăn sâu vào xã hội Nhật Bản từ nhiều năm nay.

Văn hóa “làm việc đến chết” đẩy Thủ tướng Nhật Bản tới quyết định từ chức - 1

Thủ tướng Shinzo Abe thông báo từ chức hôm 28/8. (Ảnh: Reuters)

Khi Thủ tướng Shinzo Abe nghỉ phép 3 ngày trong kỳ nghỉ hè tuần trước và dành một ngày để kiểm tra sức khỏe, một ngã rẽ mới đã xảy ra với nền chính trị Nhật Bản.

Khi ông quay trở lại bệnh viện một tuần sau đó để khám sức khỏe lần hai, mọi thứ gần như không thể thay đổi được nữa.

Akira Amari, một đồng minh chính trị và là bạn của ông Abe, đã nổi giận vì cho rằng các trợ lý của thủ tướng để ông làm việc quá nhiều. Các nghị sĩ đối lập đã tranh thủ thời cơ đặt nghi vấn về việc liệu ông Abe có phù hợp với công việc của người đứng đầu chính phủ hay không.

Theo CNN, câu chuyện sức khỏe của Thủ tướng Abe đã phản ánh nỗi ám ảnh trong văn hóa Nhật Bản về tinh thần gambaru, có nghĩa rằng một người sẽ cố gắng làm việc hết sức và vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống.

Trở về nhà sau chuyến đi gần nhất tới bệnh viện, ông Abe nói: “Tôi sẽ quay lại làm việc và cố gắng để gambaru”.

Ngày 28/8, ông Abe tuyên bố từ chức do vấn đề sức khỏe. Ông Abe cho biết các kết quả xét nghiệm hồi tháng 6 cho thấy ông có dấu hiệu viêm loét đại tràng và sức khỏe của ông ngày càng xấu đi. Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi từ tháng 7. 

"Suốt 8 năm qua, tôi đã kiểm soát được căn bệnh mãn tính của mình, nhưng tháng 6 năm nay, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tôi có dấu hiệu tái phát. Tôi cho rằng tôi không thể tiếp tục công việc thủ tướng. Tôi cần chiến đấu với căn bệnh này và cần được điều trị", Thủ tướng Abe nói trong cuộc họp báo chiều qua.

“Làm việc hay là chết”

Văn hóa “làm việc đến chết” đẩy Thủ tướng Nhật Bản tới quyết định từ chức - 2

Ông Abe lên xe ô tô sau khi rời khỏi bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo ngày 17/8. (Ảnh: Reuters)

Tinh thần “làm việc hay là chết” gambaru đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản - nơi người dân quan niệm rằng việc theo đuổi một mục tiêu còn quan trọng hơn hệ quả họ nhận được.

“Thủ tướng khăng khăng rằng ông ấy phải đích thân có mặt để chỉ đạo mọi việc”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói khi được hỏi về lý do ông Abe, 65 tuổi, làm việc liên tục 147 ngày không nghỉ.

Ông Abe bị bệnh viêm loét đại tràng mãn tính. Nhiều người lo ngại áp lực đại dịch Covid-19 kết hợp với các vấn đề sức khỏe sẵn có khiến bệnh tình của ông càng trở nên nghiêm trọng. Năm 2007, ông Abe cũng từng từ chức thủ tướng chỉ sau một năm tại vị vì bệnh đau dạ dày.

Theo Koichi Nakano, giáo sư về chính trị tại Đại học Sophia, việc xuất hiện các thông tin về vấn đề sức khỏe của Thủ tướng Abe cũng như thời gian làm việc kéo dài có thể cho phép ông xây dựng hình tượng một nhà lãnh đạo tận tâm với công việc cho tới khi cơ thể của ông không thể chống chịu được nữa.

“Theo nhiều cách, đây là cách vẻ vang nhất để ông ấy rời đi”, giáo sư Nakano nhận định.

Điều này cũng cho phép Thủ tướng Abe và cả đảng Dân chủ Tự do của ông tránh được những lời chỉ trích rằng, ông bỏ bê công việc giữa lúc Nhật Bản đang ở giai đoạn cao điểm phải giải quyết các vấn đề về kinh tế và y tế.

Nhật Bản đã ghi nhận hơn 63.000 ca mắc Covid-19 và vẫn đang vật lộn để kiểm soát đại dịch. Trong khi phần lớn các nước Đông Á đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh, số ca nhiễm tại Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng lên, trong đó hơn một nửa số ca được ghi nhận từ tháng 7.

Nhiều người đã thể hiện sự bất mãn với cách chính phủ của Thủ tướng Abe ứng phó với dịch bệnh, từ việc phản ứng chậm chạp cho tới không thừa nhận cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Họ cho rằng lý do dẫn tới điều này là vì chính phủ muốn tránh việc phải hủy bỏ hoặc trì hoãn Thế vận hội Olympics Tokyo 2020.

Văn hóa tôn sùng công việc

Văn hóa “làm việc đến chết” đẩy Thủ tướng Nhật Bản tới quyết định từ chức - 3

Ông Abe bắt tay những người ủng hộ sau cuộc bỏ phiếu ở Fukushima năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Tobias Harris, nhà phân tích lâu năm về chính trị Nhật Bản, cho rằng Thủ tướng Abe muốn cố gắng làm việc ngay cả khi tình trạng sức khỏe xấu đi. Ông Abe từng trải qua cảm giác không mấy dễ chịu khi từ chức vào năm 2007. Vào thời điểm đó, ông bị công kích sau khi thừa nhận vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng là nguyên nhân khiến ông rời đi sau một năm nhậm chức. Do vậy, ông Abe chắc chắn muốn tránh kết cục tương tự lần này.

Quyết tâm làm việc bất chấp sức khỏe của Thủ tướng Abe có thể một phần được thôi thúc bởi khao khát bảo vệ di sản kinh tế của ông, hay còn gọi là “Abenomics”. Với mục tiêu đưa Nhật Bản thoát khỏi hàng chục năm giảm phát, chính sách kinh tế của ông Abe đã giúp hồi sinh thị trường chứng khoán Nhật Bản và được xem là điểm sáng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ ập đến, kéo theo nhiều hệ quả.

Vấn đề sức khỏe của Thủ tướng Abe như một hồi chuông nhắc lại xu hướng tồn tại từ lâu tại Nhật Bản mà chính phủ của ông đang cố gắng xóa bỏ - karoshi hay chết vì làm việc quá sức.

Năm 2016, một nghiên cứu chính phủ cho thấy cứ 5 người lao động tại Nhật Bản sẽ có một người có nguy cơ làm việc đến chết. Thủ tướng Abe nhấn mạnh sự cần thiết của việc "cải tổ phong cách làm việc", coi đây là giải pháp để Nhật Bản tái sinh, bao gồm phương án tăng số lượng lao động nữ.

Mặc dù đã có một vài dấu hiệu thay đổi, nhưng Nhật Bản vẫn nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt, trong đó nhân viên được yêu cầu làm việc suốt nhiều giờ.

"Tại châu Âu, có một kỳ nghỉ hè kéo dài được xem là điều đáng tự hào. Còn tại Nhật Bản, bạn phải luôn bận rộn mới được xem là dấu hiệu của thành công. Mặc dù vậy, hiện nay nhiều người mới ngoài 20 tuổi không còn đề cao công việc nhiều như cha mẹ họ", Mari Imada, người bán hoa từng làm việc ở Paris trong 2 thập niên, cho biết.

Thủ tướng Abe dường như là hiện thân của tinh thần cống hiến mọi thứ cho công việc. Bắt đầu từ tháng 1, ông đã làm việc liên tục gần 150 ngày để chiến đấu với đại dịch và “cứu vãn” Olympics Tokyo 2020, nhưng rốt cuộc sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới này vẫn phải hoãn lại.

Ngoài ra, chính phủ của Thủ tướng Abe cũng phải “căng mình” giải quyết hàng loạt vấn đề, từ lũ lụt ở đảo Kyushu, sụt giảm GDP lịch sử trong quý 2 hay một mùa hè nắng nóng đáng sợ, trong bối cảnh khu vực đang nóng lên với căng thẳng Mỹ - Trung.

Ngay cả khi tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, Thủ tướng Abe vẫn nói rằng ông quyết định không chọn thủ tướng lâm thời mà sẽ tiếp tục điều hành chính phủ cho đến khi chọn được người kế nhiệm. Tính đến thời điểm hiện tại, ông vẫn là thủ tướng tại vị lâu năm nhất tại Nhật Bản.