1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hy lạp vỡ nợ, eurozone sẽ phải trả giá đắt

Hy Lạp đang đứng trước sức ép phải nối lại cuộc đàm phán với các chủ nợ sau khi không thể thanh toán khoản vay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 300 triệu euro đáo hạn vào ngày 5-6, thời điểm được cho là mở màn "tháng trả nợ" của Athens với tổng số tiền lên tới 1,6 tỷ euro.

Mặc dù IMF đã chấp nhận đề nghị giãn nợ và Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên hoãn trả nợ cho định chế tài chính lớn nhất thế giới này kể từ thập niên 1980, song thời gian để Athens xoay xở không còn nhiều. Theo quy định, cuối tháng 6 là thời hạn cuối cùng để xứ sở các vị thần trả toàn bộ số tiền đã vay nói trên. Như vậy, Athens chỉ còn 1 tuần để thực hiện những cuộc đàm phán cuối cùng với chủ nợ nhằm thông qua khoản cứu trợ mới trị giá 7,2 tỷ euro trong tình trạng đã cạn kiệt tiền mặt.

Hy Lạp vỡ nợ sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho EU
Hy Lạp vỡ nợ sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho EU

Hiện tại, các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với bộ ba chủ nợ gồm IMF, Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương Châu Âu vẫn bế tắc do hai bên không thể giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Athens liên tục cho rằng, các chủ nợ quốc tế đã đưa ra những yêu cầu cải cách vô lý, cản trở cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đứng trên bờ vực phá sản này.

Trên thực tế, ngay trước thời điểm Hy Lạp phải thanh toán khoản nợ đầu tiên, các bên liên quan đã tiến hành một cuộc làm việc nước rút tại Brussles (Bỉ). Tuy nhiên, sau 4 giờ đàm phán, Hy Lạp và các chủ nợ đã không đi đến một thỏa thuận nào, bất chấp những tuyên bố lạc quan của cả Athens lẫn lãnh đạo Đức và Pháp. Các nguồn tin nội bộ cho biết, mặc dù Đức và Pháp đồng ý hạ bớt những yêu cầu ban đầu nhằm tránh cho Hy Lạp không bị phá sản và rời khỏi Eurozone, song Athens vẫn kiên quyết từ chối những đề xuất, trong đó có cắt giảm lương hưu và tăng thuế điện.

Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với chủ nợ sẽ phải nối lại trước khi các quan chức Cựu lục địa tham gia Hội nghị Thượng đỉnh EU - Châu Mỹ Latinh dự kiến diễn ra vào ngày 10 và 11-6. Tuy nhiên, tương tự như những cuộc gặp mặt trước đây, kỳ vọng đạt được một bước tiến đột phá là không nhiều. Nói một cách cụ thể hơn, các nhà lãnh đạo EU đang mất dần kiên nhẫn với Athens. Bằng chứng rõ nhất là ngày 6-6, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã từ chối không nghe cuộc điện đàm từ Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras. Như vậy, có thể thấy rằng, khả năng Eurozone chuẩn bị mất một thành viên đang đến rất gần.

Hy Lạp vỡ nợ sẽ là một cú sốc đối với Eurozone. Theo tính toán dựa trên số liệu từ EU, Đức sẽ là nước bị thiệt hại nặng nhất khi mất tổng cộng 56,5 tỷ euro, còn Pháp mất 42,4 tỷ euro, Italia mất 37,3 tỷ euro, Tây Ban Nha mất 24,8 tỷ euro, Hà Lan mất 11,9 tỷ euro... Tuy nhiên, đây vẫn chưa hẳn là vấn đề đối với EU. Vì số tiền Hy Lạp nợ các nước đối tác trong khu vực rất nhỏ so với tổng sức mạnh của kinh tế Eurozone. Nhưng một hệ lụy khác đáng lo ngại là, nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng phục hồi mong manh và điều này có thể là một cái giá rất đắt.

Hiện tại, EU đang đối diện với nhiều nguy cơ: Chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đặc biệt là cuộc chiến kinh tế với nước Nga. Thêm sự ra đi của Hy Lạp, bức tranh kinh tế, chính trị, xã hội của Châu Âu thêm phần ảm đạm. Điều này sẽ tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư và hậu quả rất có thể là sự tháo chạy của dòng vốn. Đây chính là hệ lụy lớn nhất khi Hy Lạp không còn ở trong Eurozone. Tuy nhiên, thảm họa này có xảy ra hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ khi tình hình tài chính của xứ sở thần thoại vẫn ở mức báo động.
Theo Phương Quỳnh
Hà Nội mới