1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vấn đề kinh tế không ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống Putin

(Dân trí) - Năm 2016 có lẽ cũng không phải là một năm may mắn đối với Nga: khó khăn kinh tế, cấm vận của phương Tây, giá dầu thô giảm, lạm phát cao khiến đời sống dân chúng gặp nhiều khó khăn...

Vấn đề kinh tế không ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống Putin - 1

Một trong những hình ảnh ấn tượng của Tổng thống Vladimir Putin. (Nguồn: lexpress.fr)

Trong bài viết có tựa đề "Nước Nga bước vào năm suy thoái thứ hai", nhật báo Le Monde ngày 6/1 nêu rõ hai lý do:

Một là phương Tây tiếp tục gia hạn những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga viện lý do "Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Ukraina", cũng như giá dầu thế giới tiếp tục giảm.

Một nửa ngân sách của Nga có được là nhờ xuất khẩu dầu mỏ. Trước đó Moskva đã thẩm định và đưa ra dự đoán giá dầu dao động vào khoảng 50 USD/thùng trong năm 2016, thế nhưng ngày cuối cùng của năm 2015, giá dầu được niêm yết tại London chỉ ở mức 37 USD/thùng. Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov không loại trừ khả năng giá dầu sẽ chỉ dao động trong khoảng 40 USD/thùng vào năm 2016, thấp hơn 10 USD so với dự tính của Moskva.

Với giá dầu này, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Nga sẽ giảm hơn 2%. Theo thẩm định của một số định chế kinh tế thế giới, năm 2016 kinh tế Nga vẫn tiếp tục đà suy thoái ở mức -0,6% theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay - 0,7% theo Ngân hàng thế giới (WB). Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế không đưa ra con số cụ thể, nhưng dự báo lạc quan hơn rằng Nga sẽ tăng trưởng trở lại trước năm 2017.

Lý do thứ hai là đồng rúp lại mất giá cũng khiến Điện Kremlin lo ngại. Ngày 31/12/2015, đồng rúp mất giá xuống tới mức thấp nhất trong năm. Trước đó, năm 2014, đồng rúp mất 40% giá trị so với USD và mất thêm 20% vào năm 2015. Việc đồng tiền mất giá khiến lạm phát tăng ở mức 11% và làm cho nước Nga phải đối phó với nhiều khó khăn hơn.

Vấn đề kinh tế không ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống Putin - 2

Đồng Rúp mất giá do giá dầu thô giảm mạnh. (Ảnh: 7sur7.be/7s7/fr)

Vì vậy, chỉ một ngày trước khi sang năm mới 2016, chính quyền Moskva đã thông báo những biện pháp khắc khổ mới. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Nga áp dụng những biện pháp trên. Năm 2014, để đối phó với khủng hoảng, Điện Kremlin đã quyết định cắt giảm biên chế trong khu vực hành chính và y tế để tập trung vào các lĩnh vực gặp khó khăn nhất như ngân hàng, sản xuất ô tô hay nông nghiệp. Chính phủ cũng quyết định tư nhân hóa một phần tập đoàn dầu khí Rosneft mà Nhà nước nắm 70% vốn.

Trong khi đó, lương hưu chỉ được tăng thêm 4% vào năm 2016 so với tỉ lệ lạm phát lên tới 15,6% trong năm 2015.

Vẫn chưa thấy bất kỳ yếu tố nào có thể giúp Nga thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2016, từ xuất khẩu tới tiêu thụ nội địa hay đầu tư của khối các doanh nghiệp và cả đầu tư của Nhà nước.

Dẫu vậy, suy thoái kinh tế dường như không hề ảnh hưởng tới sự tín nhiệm mà người dân Nga dành cho Tổng thống Vladimir Putin. Ngược lại càng củng cố thêm lòng tin của dân dành cho vị Tổng thống mạnh mẽ và quyết đoán của mình. Điều đó thể hiện rõ qua những kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin vẫn gia tăng tới mức rất cao.

Quý Cao (theo Le Monde)