1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vai trò kỳ lạ của Triều Tiên trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

(Dân trí) - Trong căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và nhóm các nước vùng Vịnh do Ả-rập Xê-út đứng đầu, một quốc gia cách xa hàng nghìn km như Triều Tiên lại thể hiện vai trò vô cùng kỳ lạ khi có quan hệ kinh tế với cả 2 bên của cuộc khủng hoảng.


Một góc thủ đô Doha, Qatar (Ảnh: Reuters)

Một góc thủ đô Doha, Qatar (Ảnh: Reuters)

Sự việc bắt đầu vào tuần trước khi thông tin hé lộ chi tiết một thỏa thuận được cho là mua sắm vũ khí trị giá 100 triệu USD giữa Triều Tiên và một công ty tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) được khơi lại trên mạng.

Cụ thể, thỏa thuận này đã được tiết lộ sau một vụ rò rỉ thư điện tử của chính phủ UAE vào năm 2015 và được tờ New York Times đăng tải đầu tiên. Theo các email bị rò rỉ, đại sứ của UAE tại Washington Yousef al-Otaiba đã bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ để giải trình về bản hợp đồng.

Đến ngày 25/7, theo tạp chí The Hill, đối thủ của UAE là Qatar tiếp tục bị cáo buộc có mối quan hệ “nguy hiểm” với Triều Tiên. Qatar được cho là một trong những quốc gia sử dụng nguồn lao động từ Triều Tiên với khoảng 3.000 người, chủ yếu làm công việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giải bóng đá thế giới World Cup 2022 tại Doha.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn, cả 2 thông tin trên đều đang rất khớp với một chiến dịch truyên truyền tại vùng Vịnh.

Thông tin hé lộ mối quan hệ Triều Tiên-UAE xuất hiện trở lại là nhờ Viện vùng Vịnh có trụ sở tại Washington, đơn vị đã công bố nhiều công trình nghiên cứu của Qatar. Trong khi đó, bài báo về Triều Tiên và Qatar do Salman Al-Ansari, một nhân vật chống đối Ả-rập Xê-út thuộc Ban Liên lạc cộng đồng Ả-rập Xê-út, một nhóm vận động hành lang của Ả-rập Xê-út, viết.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tỏ ra “lưỡng lự” trong việc chọn cách đối phó với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh giữa các đồng minh thân thiết, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để gây ảnh hưởng tới quan điểm của các nghị sĩ và công chúng Mỹ.

Hiện tại, vấn đề Triều Tiên đặc biệt nhạy cảm khi Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử vũ khí. Gần đây nhất, theo Washington Post, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ chế tạo được tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân sớm nhất là vào năm tới và có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ.

Bản thân chính quyền ông Trump cũng đã tạo áp lực để các quốc gia cắt đứt mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, không khó hiểu khi vấn đề Triều Tiên sẽ được đưa ra như một vũ khí cho cuộc “chiến tranh thông tin” giữa các bên.

Bản thân Qatar hay UAE sẽ đều phải đối mặt với những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ nếu vấn đề “quan hệ với Triều Tiên” được Mỹ đánh giá là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc.

Hiện tại, trong khu vực vùng Vịnh, quốc gia có quan hệ kinh tế vững chắc nhất với Triều Tiên là Kuwait, vốn cố gắng giữ vị trí trung gian giữa 2 bên của cuộc khủng hoảng và đồng thời cũng là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.

Với 2 cuộc khủng hoảng diễn ra cách nửa vòng trái đất và có vẻ như đang “lồng vào nhau”, chính quyền Tổng thống Trump có lẽ sẽ phải cân nhắc lại.

Đức Hoàng

Theo ST