Vắc xin Covid-19 - biểu tượng nổi bật nhất của tình đoàn kết Việt Nam - EU
(Dân trí) - Là một trong những nhà tài trợ đầu tiên và lớn nhất của chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX, Liên minh châu Âu cam kết thúc đẩy công bằng vắc xin ở tất cả các quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Nhân dịp Việt Nam nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên trong cam kết hỗ trợ của chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX, các Đại sứ của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã có bài viết nêu bật ý nghĩa của sự kiện này đối với mối quan hệ giữa EU và Việt Nam:
Ngày 1/4/2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam khi Việt Nam nhận được lô vắc xin miễn phí đầu tiên theo Cơ chế COVAX, một chương trình toàn cầu do Liên minh châu Âu hỗ trợ nhằm đem lại khả năng tiếp cận công bằng và sáng tạo đối với vắc xin Covid-19.
Đây là biểu tượng nổi bật nhất của tình đoàn kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trước thách thức của Covid-19 và cuộc đua hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho toàn thế giới.
Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn
Kể từ đợt bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, thế giới đã chứng kiến một sự mất mát bi thảm về con người. Hơn 127 triệu người đã bị lây nhiễm và hơn 2,7 triệu người đã tử vong. Ngoài ra còn là sự gián đoạn đáng kể đối với các hoạt động kinh tế gây ra những khó khăn thực sự cho hàng triệu người trên thế giới.
Mặc dù châu Âu là một trong những châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng ngay từ rất sớm, chúng tôi đã tin rằng chúng tôi và các đối tác của mình trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, trở nên mạnh mẽ hơn thông qua hợp tác cùng nhau, với một ý chí chung nhằm kiềm chế sự lây lan của virus này.
Câu chuyện chưa được kể về việc phát triển vắc-xin đã bắt đầu vào tháng 4/2020, vào ngày Ủy ban châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới, Pháp và Quỹ Bill và Melinda Gates đã khởi động một khuôn khổ hợp tác, đó là khuôn khổ Tăng tốc Tiếp cận các Công cụ ứng phó Covid-19 (ACT). Khuôn khổ này đã tập hợp được các đối tác có liên quan nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với việc xét nghiệm, điều trị và vắc xin Covid-19.
Nhận được sự ủng hộ của nhiều nước thành viên EU và các đối tác khác trên thế giới, Cơ chế Tiếp cận Vắc xin Covid-19 Toàn cầu (COVAX) trở thành một trong ba trụ cột của ACT.
Ngay từ ngày đầu xảy ra đại dịch, chúng tôi đã biết rằng sẽ không có ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Đó là lý do tại sao EU và các quốc gia thành viên, được gọi chung là "Team Europe", đã cam kết đưa vắc-xin Covid-19 trở thành một thứ hàng hóa công cộng toàn cầu.
Là một trong những nhà tài trợ đầu tiên và lớn nhất của Cơ chế COVAX, Team Europe đóng góp 2,1 tỷ USD, tương đương 33% tổng ngân sách của Cơ chế COVAX. 100% số tiền này là tài trợ trực tiếp. Sự đóng góp của EU được cung cấp thông qua Ủy ban châu Âu (488,7 triệu USD), Đức (1,1 tỷ USD); Pháp (122 triệu USD); Ý (103 triệu USD); Tây Ban Nha (61 triệu USD); Hà Lan (36,6 triệu USD); Thụy Điển (23,8 triệu USD); ngoài ra còn có sự đóng góp của Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Ai-len và Luxembourg.
Ngoài phần tài trợ của Team Europe, EU đã cam kết cung cấp 732 triệu USD dưới dạng bảo lãnh lấy từ Quỹ châu Âu cho Phát triển Bền vững Mở rộng (EFSD+) sẽ được dùng để bảo lãnh cho một khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), được hỗ trợ thông qua các khoản đóng góp của tất cả các nước thành viên EU. Bên cạnh đó, Đức đã cung cấp thêm 219,6 triệu USD cho Cơ chế COVAX dành cho công tác hậu cần về vắc xin. Tất cả điều này có nghĩa là sự đóng góp của Team Europe dành cho Cơ chế COVAX là vô cùng quan trọng đối với sự thành công của cơ chế này.
Nguồn tài trợ của EU thể hiện sự đóng góp to lớn vào việc đảm bảo triển khai các loại vắc xin an toàn mà không phân biệt đối xử. Khoảng 92 quốc gia có thu nhập thấp và dưới trung bình đang và sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Team Europe thông qua COVAX với việc cung cấp vắc xin miễn phí. Khoảng 97 quốc gia có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao khác sẽ nhận được hỗ trợ mua vắc xin. Tất cả các quốc gia này đại diện cho 4/5 dân số thế giới.
Thêm 3,3 triệu liều vắc xin COVAX sẽ đến Việt Nam vào tháng 5
Vào ngày 2/3, 324.000 liều vắc xin COVAX đã đến Campuchia. Vào ngày 21/3, 132.000 liều đã đến Lào. Khoảng 4,176 triệu liều COVAX được phân bổ cho Việt Nam.
Ngoài lô vắc xin đầu tiên với hơn 800.000 liều được chuyển vào tháng 4/2021, lô thứ hai với hơn 3,3 triệu liều dự kiến sẽ đến vào cuối tháng 5/2021. Dự kiến sẽ có nhiều lô hàng hơn trong năm nay. Về nguyên tắc, việc phân bổ vắc xin từ COVAX sẽ tiếp cận khoảng 20% dân số các nước thụ hưởng.
Việc phân phối loại vắc xin đã được chờ đợi từ lâu sẽ mở ra một chương mới, theo đó Việt Nam sẽ tiến thêm một bước nữa trong việc bảo vệ người dân và do đó, giảm thiểu khả năng đột biến của virus. Như bà Jutta Urpilainen, Cao ủy EU về Đối tác Quốc tế đã phát biểu, chúng tôi tin rằng việc triển khai vắc xin không phải là một cuộc chạy đua giữa các quốc gia mà là một cuộc chạy đua với thời gian. Việc tiêm phòng hiệu quả và kịp thời sẽ làm giảm số lượng vật chủ virus để bản thân virus không còn khả năng nhân lên hoặc đột biến một cách hiệu quả. Đây là chìa khóa để chấm dứt đại dịch.
Chúng tôi hoan nghênh việc vào ngày 26/2/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 21 hướng dẫn triển khai tiêm chủng vắc-xin tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng nghị quyết này sẽ mở đường cho việc triển khai vắc xin, được cung cấp từ cả cơ chế COVAX và các nguồn thương mại. Cùng với nghị quyết này, chính phủ cũng gợi ý về một "hộ chiếu vắc-xin", rất giống với ý tưởng của EU về Chứng chỉ Xanh Kỹ thuật số giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do an toàn trong khối vào thời kỳ đại dịch. Chúng tôi mong muốn trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về cách vận hành hệ thống số hóa miễn phí để chứng nhận và giám sát bằng chứng rằng một người đã được tiêm chủng, nhận được kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19.
Trọng tâm của sự tham gia của Team Europe vào cơ chế đa phương COVAX là chúng tôi muốn thúc đẩy nguyên tắc không ai bị bỏ lại phía sau trong việc phân phối vắc xin. Không một quốc gia nào có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, nếu phần còn lại của thế giới không đạt được. Nói cách khác, miễn dịch cộng đồng nên được coi là một khái niệm toàn cầu, không phải là một mục tiêu cụ thể của từng quốc gia. EU và Việt Nam, và tất cả các quốc gia khác phụ thuộc vào nhau để chống lại đại dịch Covid-19.
Công bằng và không phân biệt đối xử là cốt lõi của các giá trị EU. Do đó, Team Europe cam kết thúc đẩy công bằng vắc xin ở tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
EU sẽ hỗ trợ Việt Nam, cũng như các nước ASEAN khác, trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện đúng cam kết của mình trong việc giúp Việt Nam giảm thiểu nguy cơ đại dịch trong tương lai phát sinh từ giao diện hệ sinh thái động vật - con người.
EU sẽ tiếp tục là đối tác mà Việt Nam có thể tin cậy. Chúng tôi cũng sẽ là người bảo vệ đáng tin cậy cho chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để làm cho thế giới an toàn và công bằng hơn.
Đại sứ EU Giorgio Aliberti, Đại sứ Áo Thomas Schuller-Gotzburg, Đại sứ Bỉ Paul Jansen, Đại sứ Cộng hòa Séc Vitezslav Grepl, Đại sứ Đan mạch Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Estonia Andres Unga, Đại sứ Phần lan Kari Kahiluoto, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức Guido Hildner, Đại sứ Hy Lạp Georgios Stilianopoulos, Đại sứ Ai-len John McCullagh, Đại sứ Ý Antonio Alessandro, Đại sứ Luxembourg Jean-Paul Senninger, Đại sứ Hà lan Elsbeth Akkerman, Đại sứ Tây Ban Nha Maria Pilar Mendez Jimenez và Đại sứ Thụy điển Ann Mawe.