1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

UUV - "Cuộc đua" mới trong lòng đại dương

Lần đầu tiên trong lịch sử lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ, một thiết bị không người lái dưới nước (UUV) đã được phóng đi thành công và quay trở về tàu ngầm USS North Dakota an toàn. Đây là một bước tiến quan trọng của Hải quân Mỹ sau nhiều năm thử nghiệm UUV, đồng thời khiến cuộc đua về UUV trên thế giới “nóng” lên.

REMUS 600

Ngày 20-7 vừa qua, tàu ngầm mới nhất của Hải quân Mỹ là USS North Dakota đã trở về Căn cứ tàu ngầm hải quân ở thành phố Groton (bang Connecticut) sau gần hai tháng hoạt động tại biển Địa Trung Hải. Theo ông Douglas Gordon, Chỉ huy, Thuyền trưởng tàu ngầm USS North Dakota, tàu ngầm này được hải quân chọn để tiến hành vụ phóng vì nó nằm ở vị trí thuận lợi theo lịch tác chiến và tình trạng huấn luyện thủy thủ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thủy thủ và tàu USS North Dakota đã thử nghiệm thành công việc triển khai và thu nhận lại UUV trong khi đang chìm sâu dưới đáy biển. “Mặc dù trước đây Hải quân Mỹ đã từng thử nghiệm UUV trên các tàu ngầm, nhưng đây là lần phóng thành công đầu tiên",  ông Gordon nói.

UUV - "Cuộc đua" mới trong lòng đại dương - 1

Hải quân Mỹ thử nghiệm các UUV mới. (Ảnh: navy.mil)

UUV trên có tên gọi REMUS 600, có trọng lượng 227kg và chiều dài 3m. Được thiết kế với nguồn tài trợ của Văn phòng nghiên cứu hải quân, REMUS 600 được cải tiến từ mẫu REMUS 100 UUV, do nhà thầu quân sự Kongsberg tại Na Uy chế tạo và có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ, bao gồm chống thủy lôi, bảo đảm an ninh cảng và các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ. UUV REMUS 600 còn được trang bị các camera ghi hình, thiết bị định vị toàn cầu (GPS), công nghệ định vị bằng sóng siêu âm bên cạnh khả năng lặn sâu gần 600m và hoạt động suốt 24 giờ.

Trong cuộc thử nghiệm trên, UUV REMUS 600 đã được phóng đi từ phần module nằm trên đỉnh của tàu ngầm USS North Dakota, mà phía Hải quân Mỹ gọi là "ca-bin nổi" (DDS). Sau khi được phóng đi, REMUS 600 đã quay trở lại tàu trong sự vui mừng của các thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về vụ phóng REMUS 600 không được các quan chức Hải quân Mỹ tiết lộ nhiều ngoài "cặp đôi" làm nên chiến công lịch sử là UUV REMUS 600 và tàu ngầm USS North Dakota.

Theo hãng AP, Hải quân Mỹ muốn sử dụng UUV để mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng tàu ngầm, vốn đang bị thu hẹp quy mô sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Việc phóng thành công UUV từ tàu ngầm cho phép thiết bị này làm nhiệm vụ riêng của nó trong khi các thủy thủ thực hiện các hoạt động khác. Trong khi đó, người ngôn viên Lực lượng tàu ngầm Đại Tây Dương của Mỹ, ông Tommy Crosby cho hay, nhiệm vụ phóng REMUS 600 gắn với kế hoạch tổng thể "thống trị dưới nước" của Hải quân Mỹ và cũng là một ví dụ cho thấy hải quân biết cách sử dụng khả năng tác chiến của các UUV ở lực lượng tàu ngầm.

Không chỉ Mỹ mới có

Từ thập niên 1970, Hải quân Mỹ đã sử dụng UUV để mô phỏng tàu ngầm đối phương với mục đích đào tạo. Chúng cũng được dùng để dò mìn và lập bản đồ đáy dại dương. Tuy nhiên, việc điều khiển các UUV được cho là khá khó khăn do quá trình giao tiếp giữa các UUV với nhau không hề dễ dàng. Sau này, quân đội Mỹ tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động của UUV, bao gồm thu thập thông tin tình báo và chiến tranh chống tàu ngầm.

Năm 2010, Trung tâm Chiến tranh tàu ngầm của Hải quân Mỹ (NUWC) đã thử ngiệm UUV vượt qua quãng đường dài từ thành phố Newport, bang Rhode Island tới vùng Woods Hole, bang Massachusetts. NUWC sau đó hợp tác chặt chẽ với các công ty tư nhân, viện nghiên cứu và cơ quan chính phủ để tham gia vào các dự án tương tự. “Hải quân Mỹ đang thử nghiệm và phát triển một số loại phương tiện lặn không người lái khác và dự án mở rộng hạm đội UUV này đã chiếm một phần lớn trong ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm 2016”, chuyên gia Franz-Stefan Gady cho hay.

Việc Mỹ phóng thành công UUV góp phần làm cho cuộc chạy đua thử nghiệm thiết bị này trở nên “nóng” hơn. Trước đó, ngày 15-7, Hải quân Nga cho biết, chiếc tàu ngầm không người lái Concept M của hãng Tethys (Nga) có thể lặn sâu đến 1.000m đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cấp nhà nước. “Các chiếc UUV không chỉ thích hợp trong việc tìm kiếm dưới nước và kiểm tra tàu đắm, mà còn dùng trinh sát dưới lòng biển và sông hồ. Lợi thế của UUV là tốc độ và có thể lặn sâu từ 10-1.000 m”, Tethys cho hay.

Tháng 6 vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) đã hoàn tất thử nghiệm UVV mới. Đây là một loại tàu lượn dưới nước, có bộ phận cánh ở phần đuôi và một số thay đổi ở sức nổi để từ chuyển động thẳng đứng sang chuyển động ngang. Phạm vi hoạt động của phương tiện là 1.000km, thời gian duy trì dưới nước là 30 ngày và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ. UUV này được thiết kế nhằm phục vụ cho các mục tiêu dân sự như nghiên cứu đời sống sinh vật biển, hỗ trợ tìm kiếm và cứu trợ. Tuy nhiên, với tính năng hoạt động độc lập dưới nước mà không cần sự can thiệp của con người, nó còn có thể được ứng dụng trong hoạt động quân sự, trong đó có các nhiệm vụ nguy hiểm và dài hạn như quét thủy lôi và phát hiện tàu ngầm.

Theo Phương Linh

Quân đội Nhân dân

UUV - "Cuộc đua" mới trong lòng đại dương - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm